Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tác động của “cách mạng sắc màu” đối với Việt Nam 

Cập nhật ngày: 28/09/2018 - 15:58

BTN - Các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động còn có rất nhiều bài viết trên mạng xã hội, say sưa phân tích thế sự từ Tây sang Ðông, từ các cuộc “cách mạng sắc màu” ở các quốc gia thuộc Ðông Âu, Trung Ðông và Bắc Phi để “soi rọi”, “cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước” Việt Nam. Chúng cho rằng, áp dụng “cách mạng sắc màu”-một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam.

Chiến sĩ Sư đoàn 5 đón các cháu nhi đồng đến thăm nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội (22.12.1944 - 22.12.2017).

Trong chiến lược toàn cầu nhằm xác lập vai trò “lãnh đạo thế giới” của chính quyền Mỹ, việc từng bước thực hiện “dân chủ hoá thế giới”, thiết lập một “trật tự” dưới sự chi phối của Mỹ và các nước phương Tây là mục tiêu nhất quán, không thay đổi. Ðể thực hiện mục tiêu đó, họ có rất nhiều biện pháp, thủ đoạn chiến lược khác nhau nhằm thích ứng với tình hình cụ thể ở từng nơi, từng lúc. 

Trong đó, tạo dựng các cuộc “cách mạng sắc màu” là một trong những biện pháp chiến lược quan trọng nổi lên trong những năm gần đây. Ðó chính là phương thức giành chính quyền bằng biểu tình; là cuộc đảo chính chính trị nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm không thân phương Tây; chuyển hoá chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Ðiểm chung của các cuộc “cách mạng sắc màu” là đều sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động, có sự can thiệp rất rõ rệt của các thế lực bên ngoài thông qua các cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, để đối phó với các chính quyền bị họ cho là tham nhũng hay độc đoán, dẫn đến việc nhà lãnh đạo các nước này bị lật đổ hoặc từ chức.

Từ sau năm 2000 đến nay, Mỹ và một số nước phương Tây đã thực hiện thành công nhiều cuộc “cách mạng sắc màu”. Ðầu tiên là cuộc “cách mạng nhung” ở Nam Tư năm 2000, sau đó liên tiếp là “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia năm 2003; “cách mạng cam” tại Ukraine năm 2004; “cách mạng hoa Tulip” ở Kyzgyzstan năm 2005… và lan rộng sang khu vực Trung Ðông với “cách mạng cây tuyết tùng” vào năm 2005 tại Lebanon; “cách mạng xanh” ở Kuwait năm 2005… rồi “Mùa xuân Ả-rập” đến nay đã tràn qua 20/22 quốc gia vùng Arab khiến hiện nay nhiều quốc gia tại vùng Ả-rập vẫn khủng hoảng chính trị, xảy ra chiến tranh, bạo lực, khủng bố hoặc có nguy cơ chiến tranh.

Tại châu Á, cuộc xuống đường của phe áo vàng, áo đỏ ở Thái Lan khiến chính quyền của anh em nhà Thaksin mất quyền kiểm soát, tạo cớ cho phe quân sự đảo chính (2015). Tuy nhiên, thực tế trước đó âm mưu tiến hành cuộc “cách mạng màu sắc” đã được thử nghiệm tại Ba Lan (1981), Tiệp Khắc (1989) và tại Trung Quốc qua “Sự kiện Thiên An Môn” (1989)…

Dù vậy, cũng có các cuộc “cách mạng sắc màu” gặp không ít thất bại tại một số nước như: Azerbaijan, Uzbekistan, Belarus… Ðiển hình như cuộc “Cách mạng màu Jean” ở Belarus năm 2006. Tại nước này, trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 19.3.2006, ông Lukashenco tái đắc cử tổng thống với 82,6% phiếu ủng hộ. Phe đối lập và các nước phương Tây tiếp tục dùng kịch bản “không công nhận kết quả bầu cử”, cho “cuộc bầu cử là không minh bạch, thiếu dân chủ” như từng áp dụng ở Nam Tư, Gruzia (2003), ở Ukraine (2004) để vận động người dân xuống đường biểu tình phản đối vào ngày 21.3.2006.

Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenco trong 12 năm cầm quyền, đã có nhiều biện pháp lãnh đạo đất nước luôn được lòng nhân dân. Vì thế, đến trưa ngày 21.3 chỉ có khoảng 200 người, chủ yếu là sinh viên cùng vài chiếc lều đơn độc cùng tiếng loa kêu gọi lạc lõng của phe đối lập. Ðến nay, Belarus vẫn không có nhiều biến động, Tổng thống Lukashenco vẫn có uy tín cao trong nhân dân.

Qua các cuộc “cách mạng sắc màu” trong những năm gần đây, có thể thấy rằng, các nước nhỏ, nhất là những nước có vị trí địa lý- chính trị chiến lược sẽ dễ trở thành con bài mặc cả quyền lực giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc hoặc trở thành “con tốt” trong ván bài phong toả toàn cầu của Mỹ và các nước phương Tây. Những quốc gia manh nha tư tưởng, mô hình đối lập với Mỹ và các nước phương Tây thường sẽ bị can dự nội bộ chính trị, thậm chí lật đổ chế độ. Mặt khác, phong trào cộng sản, công nhân thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, các nước đang và sẽ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng chịu chi phối trực tiếp, rõ rệt của “cách mạng sắc màu”.

Việt Nam, là một quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng ở khu vực Ðông Nam Á về phát triển kinh tế, giao thương quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh không chỉ đối với quốc gia mà còn cả với khu vực; Việt Nam cũng luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị chi phối bởi chính sách của các nước lớn với từng mức độ khác nhau, trong đó có Mỹ - phương Tây, Nga và Trung Quốc. Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia đang tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa, là tâm điểm trong chiến dịch “toàn cầu phản cách mạng” của các nước phương Tây.

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, các nước phương Tây và các thế lực thù địch coi luôn Việt Nam là trọng điểm thực hiện “diễn biến hoà bình”, “cách mạng sắc màu” nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; hướng Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Chúng luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ chế độ ta “mất dân chủ” và kêu gọi muốn có “dân chủ thực sự”, cần thực hiện một cuộc “cách mạng sắc màu”. Cái gọi là cuộc “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam mà các thế lực thù địch, tổ chức, phần tử phản động đã và đang ráo riết hô hào, kích động ngay từ đầu năm 2011 đến nay được chúng đặt tên là cuộc “Cách mạng hoa sen”.

Tại sao các nước phương Tây và các thế lực thù địch lại chọn hoa sen làm tên gọi của cuộc cách mạng sắc màu ở Việt Nam? Bởi lẽ, hoa sen là biểu tượng cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời, hoa sen đã gắn liền, ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Không những thế, hoa sen còn gắn liền với hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam; vì hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Sự thâm độc của các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động chính là ở chỗ này. Chúng lấy hoa sen đặt tên cho một cuộc cách mạng đầy ảo tưởng chính trị, phi hiện thực, không thể có kết quả trên thực tế, nếu không muốn nói tất yếu thất bại.

Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay, các thế lực thù địch ở hải ngoại có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận khá ầm ĩ về “cách mạng hoa nhài” và tình hình Việt Nam”. Cuộc “cách mạng hoa nhài” diễn ra ở Ai Cập vào cuối tháng 12.2010 là cuộc biểu tình do phe đối lập được sự hậu thuẫn của các nước phương Tây, kích động người dân phản đối chính phủ về tình trạng bất công xã hội, đòi cải thiện đời sống và thủ tướng đương nhiệm từ chức.

Cuộc biểu tình lan rộng đã lật đổ Tổng thống Ai Cập Mubarak; tháng 8.2011, cựu Tổng thống Mubarak đã bị những nhân vật phe đối lập lên cầm quyền đem ra xét xử. Các thế lực thù địch, tổ chức, phần tử phản động tung ra luận điệu rằng: Cuộc “cách mạng hoa nhài” là cuộc “cách mạng” tự phát của quần chúng, không cần gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả, và đây lại là một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có. Thật nực cười cho một kiểu suy luận bừa. Nếu cuộc cách mạng không cương lĩnh, không tổ chức, thì cuộc cách mạng đó vì ai, dựa vào đâu?

Ðiều dễ thấy, lợi dụng mạng xã hội và công cụ internet, các thế lực thù địch tung ra rất nhiều luận điệu xuyên tạc, kích động người dân Việt Nam- nhất là giới trẻ. Chúng cũng cho rằng cách mạng “hoa sen” thuận lợi hơn vì dân số trẻ, sẽ đi theo từng nấc thang để chính quyền khó đàn áp.

Chúng đưa ra các bước hành động, đó là: Ban đầu lợi dụng lòng yêu nước kêu gọi mọi người tụ tập ở một số nơi nhạy cảm, như: trước cổng cơ quan đảng, chính quyền, đại sứ quán, ở các thành phố lớn, “hương hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào, cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội; lấy danh nghĩa “Hướng về biển, đảo quê hương” kích động bài xích quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình, hòng gây bạo loạn như vụ phản đối giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam (2014), vụ Formosa và cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung (2016), họ cũng đã kích động kêu gọi biểu tình, thực hiện cuộc “Cách mạng cá”...

Gần đây nhất là các vụ biểu tình, tụ tập đông người tại 23 tỉnh, thành phố liên quan đến Luật An ninh mạng và Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; kêu gọi “xuống đường tổng biểu tình” vào dịp 2.9, 4.9.2018. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các tỉnh, thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, rồi sẽ có sự can thiệp của nước ngoài... Thực tế các cuộc tụ tập đông người, biểu tình vừa qua, ta thấy rõ bàn tay kích động, đứng sau của các thế lực thù địch.

Sự thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động nhằm tiến hành cuộc “cách mạng hoa sen” còn thể hiện ý đồ vô hiệu hoá quân đội, công an; chia rẽ quân đội, công an với Ðảng, Nhà nước, các tổ chức chính quyền. Chúng đưa ra chiêu bài kêu gọi: Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, thực sự của dân, do dân và vì dân sẽ đứng về phía nhân dân, không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân”.

Các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động còn có rất nhiều bài viết trên mạng xã hội, say sưa phân tích thế sự từ Tây sang Ðông, từ các cuộc “cách mạng sắc màu” ở các quốc gia thuộc Ðông Âu, Trung Ðông và Bắc Phi để “soi rọi”, “cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước” Việt Nam. Chúng cho rằng, áp dụng “cách mạng sắc màu”-một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động đã nhầm, hoặc cố tình không phân tích đúng sự thật là: xuất phát từ những sai lầm của đảng cầm quyền, của chính quyền trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, các thế lực đối lập ở các nước Ðông Âu, Trung Ðông và Bắc Phi, được sự tiếp sức của phương Tây, đã tạo ra được môi trường để nhen nhóm, tổ chức lực lượng, phát động quần chúng.

Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. “Cách mạng hoa sen” do các thế lực thù địch đặt ra mang danh nghĩa “vì dân, vì nước” nhưng thực chất là hại dân, phản nước sẽ không thể có chỗ đứng, tồn tại. Bởi thứ nhất, Việt Nam chỉ duy nhất có một Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, không chấp nhận bất cứ tổ chức chính trị đối lập dưới dạng nào; nhân dân Việt Nam luôn giữ trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng - ý Ðảng, lòng dân luôn hoà quyện làm một; công cuộc đổi mới đất nước đang đi đúng hướng, diện mạo của đất nước đổi thay tích cực theo hướng mỗi ngày “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Cùng với đó, quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng, bảo đảm tốt hơn. Nhiều tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới bày tỏ sự mến phục Việt Nam không chỉ anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn đã và đang đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ quyền lợi người dân. Ðó là sự thật không thể phủ nhận.

Người dân Việt Nam một lòng trọn niềm tin với Ðảng, Nhà nước và thể hiện lòng yêu nước đúng cách, tuyệt đối không tin vào những lời lẽ bịa đặt, bóp méo sự thật. Âm mưu “tổng biểu tình” ngày 4.9.2018 vừa qua của các thế lực thù địch bị thất bại là một minh chứng.

Các thế lực thù địch có ráo riết, điên cuồng tác động “cách mạng sắc màu” vào Việt Nam, chắc chắn chúng chỉ nhận được sự thất bại.

Xuân Thu