Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
"Tắc nghẽn" đấu thầu - bệnh viện, bệnh nhân đều... khổ
Thứ tư: 07:32 ngày 19/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đơn vị được giao thực hiện gói thầu tập trung cho toàn ngành Y tế tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh giãi bày, bệnh viện đã và đang phải “vật lộn” với công tác đấu thầu từ năm 2018 đến nay, với rất ít kinh phí.

Hiện nay, nhiều bệnh nhân khám, chữa bệnh có sử dụng bảo hiểm y tế vẫn phải ra bên ngoài mua vật tư y tế, hoá chất và một số loại thuốc. Điều này khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, đơn vị được giao thực hiện gói thầu tập trung cho toàn ngành Y tế tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK tỉnh) giãi bày, bệnh viện đã và đang phải “vật lộn” với công tác đấu thầu từ năm 2018 đến nay, với rất ít kinh phí.

Đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh khoá 10 được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh từ ngày 3.6 đến ngày 14.6. Trong đợt tiếp xúc cử tri lần này, đại biểu HĐND hai cấp ghi nhận ý kiến của nhiều cử tri, tập trung phản ánh tình trạng bất cập khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập- nhất là đối với bệnh nhân có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân: “Cái gì cũng phải ra ngoài mua”

Tại điểm tiếp xúc cử tri phường 1, thành phố Tây Ninh có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, cử tri Nguyễn Văn Hồng bức xúc nói: “Cơ sở hạ tầng Bệnh viện Đa khoa tỉnh giờ đã khang trang; máy móc hiện đại; y, bác sĩ cũng tốt, nhưng thuốc và vật tư y tế cứ thiếu hoài là sao? Tôi đến bệnh viện, đến cây kim truyền máu cũng phải ra ngoài mua, cái gì cũng phải mua hết! Tôi đi kiếm bác sĩ hỏi, thì bác sĩ nói chú ơi thông cảm, tại bệnh viện đấu thầu không được”.

Bệnh nhân Hà Xuân Thược, cũng ngụ tại phường 1 phát biểu: “Vật tư y tế thì món nào cũng thiếu. Thuốc thì chỉ có những loại thông thường như cảm cúm, giảm đau là bệnh viện tỉnh có, các loại thuốc khác tôi phải ra ngoài mua. Bệnh nhân bức xúc dữ lắm!”.

Ông Nguyễn Văn An, ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, ông tham gia cùng địa phương vận động người dân mua BHYT nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, nhưng nhiều người đã từ chối thẳng thừng.

“Người ta nói giờ mua cái thẻ cũng gần 1 triệu rồi mà ra bệnh viện cái gì cũng không có, cũng phải ra ngoài mua, người ta không chịu”- ông An nói.

Bệnh viện “đau đầu” với công tác đấu thầu

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo BVĐK tỉnh phản hồi, những phản ánh của cử tri là chính đáng và hoàn toàn chính xác. Năm 2018, BVĐK tỉnh được giao thực hiện gói thầu tập trung cho toàn ngành Y tế trong tỉnh. Từ đó đến năm 2019, mọi hoạt động của bệnh viện vẫn tạm ổn, công tác đấu thầu được tạo điều kiện theo kiểu vừa làm vừa học hỏi.

Mong có đơn vị đấu thầu tập trung

“Chúng tôi đã cử một số người trong đơn vị đi học tập về công tác đấu thầu. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên ngành Y chỉ tâm huyết với công tác chuyên môn. Công tác đấu thầu thực sự gây áp lực rất lớn cho họ. Chúng tôi rất mong có đơn vị đứng ra làm gói thầu tập trung cho toàn ngành Y tế. Nhân lực của chúng tôi cơ cấu đủ để phục vụ công tác chuyên môn. Chúng tôi không có nhân lực cơ cấu cho công tác đấu thầu”- bác sĩ Phan Thanh Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tâm tư.

Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát, ngành Y tế dành mọi nguồn lực, nhân lực để tập trung chống dịch. Nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường của người dân giảm đến mức tối thiểu nên việc thiếu thuốc và vật tư y tế chưa trở thành vấn đề bức xúc. Đến năm 2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, ngay lập tức, bệnh viện đối mặt với việc thiếu thuốc, vật tư y tế và hoá chất.

Lúng túng trong công tác đấu thầu tập trung, BVĐK tỉnh và các Trung tâm Y tế tuyến huyện đã áp dụng theo Quyết định 17/2019/QĐ-TTg ban hành ngày 8.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Theo đó, bệnh viện đã mua rất nhiều gói thuốc, vật tư y tế với các gói thầu chỉ định dưới 50 triệu đồng. Điều đó cho thấy bệnh viện phải hoạt động trong một cơ chế hẹp rất bất cập.

Cấp cứu bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đến tháng 6.2023, Sở Y tế mới ra được gói thầu thuốc phục vụ cho công tác điều trị, nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của BVĐK Tây Ninh. Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc bệnh viện cho biết: “Về hoá chất, vật tư, ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã làm xong danh mục đấu thầu. Nhưng sau đó có những nội dung thay đổi liên tục, thông tư cũ không còn hiệu lực. Những danh mục mua sắm trước đây đều phải bỏ hết, làm lại.

Đến năm 2024, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, công tác đấu thầu được BVĐK tỉnh thực hiện lại từ đầu với những quy định hoàn toàn mới. Chúng tôi không có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu nhưng vẫn phải làm, rất áp lực”.

BVĐK tỉnh đã thuê một công ty làm đơn vị tư vấn đấu thầu. Tuy nhiên, đơn vị này cũng gặp một số sai sót dẫn đến gói thầu phải làm đi làm lại nhiều lần. Hiện nay, rất ít công ty tư vấn có năng lực tham gia lĩnh vực tư vấn đấu thầu y tế vì… sợ sai. Các bệnh viện trong khu vực cũng đã chia sẻ khó khăn này với BVĐK tỉnh, vì đây là khó khăn chung.

Hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh viện vẫn còn một số vật tư y tế, hoá chất phục vụ điều trị và xét nghiệm từ một số nguồn tài trợ, nhưng từ tháng tư trở đi, việc thiếu hụt rất nghiêm trọng, không còn nguồn dự phòng nào bổ sung, dẫn đến bệnh nhân bức xúc, phản ứng gay gắt.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm chia sẻ thêm, anh em y, bác sĩ cũng rất buồn. Có nhiều ca bác sĩ tập trung cấp cứu cho bệnh nhân xong, phải đề nghị người nhà ra mua một số vật tư y tế để tiếp tục điều trị. Người nhà đã chỉ mặt bác sĩ chửi mắng thậm tệ. Y, bác sĩ vẫn cố gắng làm việc nhưng tâm tư lắm. Y, bác sĩ giờ không dám mong bệnh nhân cảm ơn, chỉ mong người nhà không xúc phạm hoặc đe doạ, hành hung là tốt rồi.

Đây cũng là tình trạng bất cập đang xảy ra tại nhiều bệnh viện trong cả nước. Ngành Y tế rất cần được các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đấu thầu để có thể tập trung khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hồng Minh

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong hai năm 2022 và 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phải mua 1.463 gói thầu chỉ định dưới 50 triệu đồng với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, thủ tục thanh toán BHYT từ khoản này vẫn bị vướng, còn trên 5,5 tỷ đồng chưa được thanh toán. Sở Y tế và UBND tỉnh đã có một số cuộc họp với các bên nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ được khó khăn này.

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục