BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh:Đại biểu chất vấn, lãnh đạo các ngành trả lời

Cập nhật ngày: 09/07/2010 - 11:49
HTML clipboard

* Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hải: Thiếu kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khoá VII, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc bảo tồn các di sản văn hoá. Đại biểu chất vấn “Tình trạng xâm hại, xuống cấp của các di tích lịch sử văn hoá xảy ra rất nhiều và kéo dài nhiều năm. Giải pháp nào để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích?”.

Ông Nguyễn Văn Hải công nhận thông tin phản ánh tình trạng xâm hại và xuống cấp của các di sản văn hoá trong thời gian qua là có thực- nhất là các di tích chưa được xếp hạng. Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tháng 1.2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Phân cấp quản lý di tích lịch sử- văn hoá trên địa bàn tỉnh”. Qua hơn 2 năm thực hiện, một số địa phương đã hình thành được lực lượng trực tiếp quản lý di tích trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã chủ động hơn trong việc khai thác và phát huy các giá trị di tích và mạnh dạn đề xuất các biện pháp bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. Tuy nhiên, việc bảo vệ, tôn tạo đang gặp khó khăn về kinh phí. Theo quyết định của UBND tỉnh thì hằng năm các huyện, Thị xã giao kế hoạch kinh phí cho Phòng Văn hoá thực hiện việc trùng tu, tôn tạo từ nguồn ngân sách huyện. Tuy nhiên thực tế có nhiều huyện chưa bố trí kinh phí và cũng chưa có kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chính vì thế mà có nhiều di tích ngày càng xuống cấp.

Đại biểu chất vấn thêm về giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp các di tích như thế nào? Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch trả lời là sẽ tham mưu tỉnh bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian tới.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Hải

Phó GĐ Cty Điện lực TN Nguyễn Hữu Lễ

* Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh Nguyễn Hữu Lễ: Cắt điện- không chỉ có nhân dân mà cả ngành điện lực cũng bức xúc

Trong mùa khô năm nay, việc cắt điện theo khu vực xảy ra nhiều hơn và thời gian cũng dài hơn mọi năm. Tại kỳ họp, đại biểu chất vấn “Vì sao Điện lực thông báo cắt điện nhưng không thực hiện đúng giờ mà thường kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân?”.

Ông Nguyễn Hữu Lễ trả lời là trong thời gian qua, do tình hình nguồn điện bị hạn chế nên Công ty Điện lực Tây Ninh phải thực hiện việc tiết giảm điện để điều hoà sản lượng điện theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam nhằm đảm bảo cho lưới điện quốc gia vận hành được an toàn và liên tục. Trong quá trình thực hiện cắt điện, Công ty đã có thông báo thời gian cắt điện cho các hộ dân. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng việc trả điện đôi khi có trễ hơn so với thời gian thông báo. Nguyên nhân chủ yếu là do phải đảm bảo cấp điện cho các cơ quan trọng yếu hoặc các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng nên việc cắt điện phải theo hình thức cắt lẻ từng trạm biến áp trên toàn tuyến, nên việc tái lập phụ tải sau tiết giảm cần rất nhiều thời gian mới thực hiện hoàn tất, dẫn đến thời gian trả điện chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, có khi do có mưa lớn mà theo quy trình kỹ thuật an toàn điện không cho thực hiện thao tác đóng điện cũng gây chậm thời gian trả điện.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh giải trình như “tâm sự” rằng việc cắt điện không phải chỉ có nhân dân là bức xúc mà cả ngành Điện lực cũng bức xúc. Bởi vì thu nhập của cán bộ nhân viên ngành Điện lực phụ thuộc vào sản lượng điện thương phẩm- khi sản lượng điện này cao thì thu nhập cao và ngược lại, khi cắt giảm điện thì sản lượng điện thương phẩm giảm- đồng nghĩa với thu nhập cán bộ và nhân viên ngành điện lực cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, do tình hình thiếu điện nên đành phải chấp nhận để đảm bảo an toàn lưới điện chung.

Sơn TrẦn