BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh: Lãnh đạo các ngành trả lời chất vấn

Cập nhật ngày: 14/07/2012 - 07:12

(BTN)- Trong các cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri các địa phương rất bức xúc về lưới điện không đủ tiêu chuẩn, không an toàn dẫn đến tình trạng điện áp yếu, không đủ công suất. Có những nơi lưới điện đúng chuẩn nhưng điện vẫn không ổn định. Đồng thời, trong thời gian qua việc mất điện diễn ra khá thường xuyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Vì sao như vậy? Giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới?

GĐ Sở Công thương Đỗ Thanh Hoà

Trả lời các câu hỏi này, Giám đốc Sở Công thương Đỗ Thanh Hoà cho biết, tình trạng lưới điện không đảm bảo tiêu chuẩn là do trước đây phần lớn được người dân tự đầu tư để kéo điện về sử dụng. Sau khi bàn giao về cho ngành Điện lực quản lý theo Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn thì ngành Điện lực có đầu tư khoảng 230 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, do khối lượng lưới điện tiếp nhận quá lớn trong khi nguồn vốn ngành Điện lực có hạn nên không thể thực hiện hoàn chỉnh trong thời gian ngắn được. Do vậy hiện nay ở một số khu vực vẫn còn tồn tại lưới điện chưa đủ chuẩn. Để giải quyết tình trạng này, Sở Công thương đã làm việc và thống nhất với Công ty Điện lực Tây Ninh là tiếp tục tập trung vốn vào việc đầu tư nâng cấp lưới điện. Dự kiến đến năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết xong toàn bộ lưới điện mà ngành Điện lực đã tiếp nhận để đảm bảo vận hành an toàn, chất lượng ổn định.

Về tình trạng mất điện, theo Sở Công thương là có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là do sự cố lưới điện. Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 lần sự cố lưới điện 110 kV, 58 lần lưới điện trung thế và 142 lần lưới điện hạ thế. Hầu hết sự cố xảy ra là do khách quan như mưa giông, phụ tải tăng cao… Kế đến là do cắt điện để sửa chữa và phát triển lưới điện. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Điện lực Tây Ninh đã triển khai 9 công trình sửa chữa lưới điện hạ thế, 10 công trình xây dựng nên số lần cắt điện nhiều hơn so với trước đây. Đồng thời, cũng có lúc ngành Điện cắt giảm điện để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn. Để khắc phục tình trạng điện áp giảm, nguồn điện không ổn định, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tăng cường giám sát việc cung ứng điện theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng điện không đảm bảo an toàn, điện yếu và đề nghị ngành chức năng, ngành Điện lực tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng mới lưới điện. Sở Công thương cho biết theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015 Tây Ninh cần có nguồn vốn đến hơn 3.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển lưới điện. Đây là số tiền rất lớn vượt ngoài khả năng nguồn ngân sách địa phương. Do đó cả ngành chức năng quản lý Nhà nước và ngành Điện phải tích cực xin hỗ trợ từ cấp Tổng công ty và các bộ, ngành Trung ương để đầu tư phát triển lưới điện.

Phân bón kém chất lượng – nỗi lo của nông dân

Vấn đề phân bón kém chất lượng, phân bón giả đã xuất hiện nhiều năm trên thị trường tỉnh Tây Ninh. Trong những năm qua, ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều đơn vị kinh doanh phân bón kém chất lượng. Thế nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại đến nay và đã gây thiệt hại không ít cho nông dân. Tại kỳ họp thứ 4, đại biểu HĐND tiếp tục chất vấn về vấn đề này và yêu cầu ngành chức năng cho biết giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đó.

Ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất phân bón và 570 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón. Qua thanh tra cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất phân bón chấp hành tốt những quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, về môi trường và tuân thủ các quy định về nhãn mác, niêm yết giá bán. Từ năm 2005 đến nay, hằng năm Sở đều có tổ chức từ 1 đến 2 đợt thanh tra lấy mẫu kiểm định. Tuy chưa phát hiện được trường hợp phân bón giả, nhưng tình trạng phân bón kém chất lượng so với mẫu đã đăng ký được phát hiện khá nhiều. Để hạn chế tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức triển khai thực hiện thống kê đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để từng bước chấn chỉnh. Định hướng đến cuối năm 2013 tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trong tỉnh đều đạt chuẩn loại A. Song song đó, ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Sau trả lời của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ nỗi băn khoăn về giải pháp hạn chế tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng. Bởi vì trước đây ngành chức năng cũng đã từng đề ra giải pháp nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng này. Có ý kiến đề xuất ngành chức năng nên công bố công khai cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng trên các phương tiện thông tin để người dân nắm rõ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong thời gian qua đã có trường hợp vi phạm được đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên không phải bất kỳ trường hợp vi phạm nào cũng công bố như vậy mà chỉ công bố những trường hợp vượt quá mức độ quy định. Còn những trường hợp vi phạm chưa vượt mức thì chỉ nhắc nhở để cơ sở chủ động sửa chữa không tiếp tục vi phạm nữa.

Sơn Trần