Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBTVQH tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.
Sáng 23.10.2012, ngày thứ hai của kỳ họp thứ 4, Quốc hội làm việc hội trường nghe các tờ trình và báo cáo liên quan đến Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
|
Đoàn ĐBQH Tây Ninh tham gia kỳ họp Quốc hội |
Sau khi nghe các báo cáo và tờ trình liên quan, Quốc hội đã tập trung thảo luận dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi). Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); về cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 17, 18); về đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân (Điều 50); về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài; hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và xử lý vi phạm đối với luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (Điều 68, 69, 74 và 89).
Về các ý kiến kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu một số nội dung, cụ thể như sau:
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị cấm như: Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đòi thêm thù lao thông qua ký phụ lục hợp đồng hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Về nội dung đề nghị này, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, vì nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 dự thảo Luật đã bao hàm đầy đủ các nội dung bị nghiêm cấm như ý kiến đề nghị. Còn đối với trách nhiệm của luật sư và việc xử lý vi phạm của luật sư đã được quy định cụ thể tại các chương, điều khác (như các Điều: 21, 27, 85, 89…).
Về quy định tại điểm i, Khoản1, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cân nhắc các nội dung quy định về hành vi “chỉ trích”, “xúc phạm” cho phù hợp hơn. Vấn đề này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến chỉnh lý lại điểm i, khoản 1 như sau: “Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”.
Về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật (được hành nghề luật sư); UBTVQH tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư. Tuy nhiên, khi thảo luận trên hội trường thì cũng có ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhưng chỉ trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nhằm tận dụng và phát huy năng lực chuyên môn của họ.
Về các trường hợp người đã bị kết án không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (điểm c Khoản 4 Điều 17); có ý kiến của Đoàn đề nghị không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho các đối tượng đã bị kết án về bất cứ tội danh nào, kể cả đã được xoá án tích. Vấn đề này, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật; bởi vì, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Luật sư, quy định hiện hành về vấn đề này hiệnkhông có vướng mắc. Hơn nữa, việc cấm tất cả những người đã bị kết án hành nghề luật sư (về bất cứ tội danh nào) là không phù hợp, nhất là đối với các trường hợp phạm tội do vô ý, phạm tội ít nghiêm trọng mà không ảnh hưởng tới uy tín, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề luật sư... pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy.
Về thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Có ý kiến của Đoàn Tây Ninh đề nghị giao quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không nên tập trung về Bộ Tư pháp. Nội dung này, UBTVQH đề nghị giao thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Bộ Tư pháp như dự thảo Luật là phù hợp; theo UBTVQH việc cấp Chứng chỉ hành nghề là nội dung quan trọng trong quản lý Nhà nước đối với luật sư và hành nghề luật sư. Để xác nhận tư cách pháp lý của người đủ điều kiện hành nghề luật sư, bảo đảm phát triển đội ngũ luật sư đúng yêu cầu và định hướng của Đảng và Nhà nước, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Về ý kiến của Đoàn đề nghị, cần xác định rõ cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp người được miễn tập sự hành nghề luật sư xin cấp Chứng chỉ hành nghề; Nội dung này, được UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, Khoản 2 Điều này đã xác định “Sở Tư pháp nơi người đó thường trú” là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ.
DUY QUANG (TỪ HÀ NỘI)