Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tấm ảnh cũ
Thứ bảy: 13:00 ngày 14/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh Hai Công xót xa nhìn tấm ảnh cũ nhắc lại câu nói ban đầu. “Còn có hai ngoe! Mấy năm trước còn Út Ðáng với Ba Sấu cũng là thương binh, nhưng hai ông này yếu sức quá, chịu hông thấu nên chết rồi. Còn lại đều là liệt sĩ hết đó em”.

Anh Lý Hồng Công tại nhà truyền thống Khu di tích lịch sử văn hoá Lợi Thuận.

Cách đây 10 năm, khi khu địa đạo Lợi Thuận còn là khu rừng thấp hoang phế, anh Công dẫn tôi đi thăm mọi ngõ ngách, chỉ từng địa điểm mà dưới lòng đất là những căn hầm anh và đồng đội bám trụ chống giặc.

Hôm ấy, anh dắt tôi vào phòng truyền thống, chỉ một tấm ảnh đen trắng cũ phóng to, treo trên tường. “Em có nhận ra anh hông?”. Tấm ảnh chụp chín chiến sĩ trẻ, thuộc đơn vị vũ trang Bến Cầu năm 1969.

Gần 50 năm trôi qua, chắc giờ họ thay đổi nhiều, làm sao tôi nhận ra được một chiến sĩ Lý Hồng Công năm 23 tuổi và một cựu Ðại uý Hai Công năm 73 tuổi. Anh cười mủm mỉm chỉ vô tấm ảnh. “Anh nè! Ðứng ngoài cùng bên phải hàng sau đó”.

“Dạ! Nhìn cái miệng thấy giống giống anh Hai!”. Anh chợt buồn. “Chín thằng hồi đó, giờ còn có hai “ngoe” là anh với Bảy Treo nè. Còn đi hết rồi!”. Ðại đội trưởng Bảy Treo là người mang súng ngắn đứng ngay hàng đầu, hồi đó là một chàng trai trẻ đẹp, oai phong, giờ cũng già lụm cụm.

Hình như mắt anh đỏ hoe, khi nhìn lại những đồng đội cũ. Anh cảm ơn người chụp tấm ảnh này đã lưu giữ được và nay tặng cho phòng truyền thống của khu di tích. Lần theo từng khuôn mặt, ngón tay thô ráp vì lao động của anh như chạm vào  ký ức của năm tháng chiến tranh. Chỉ mỗi người trong ảnh, anh nhắc lại mỗi cái tên thân quen. “Ðây là thằng Sấu nè. Thằng Chảnh, thằng Vũ, thằng Khánh nè. Thằng Chẩm, thằng Ðáng nè…

Thằng Vũ hy sinh tội lắm em! Nó ôm M79 xâm nhập ấp chiến lược, ra khỏi hàng rào rồi còn bị lộ. Lính bắn Vũ bị thương, sau tụi Mỹ bắt mang đi rồi chết trong khám”.

Những năm tháng trằn mình đánh giặc. Các anh từ lúc nằm hầm, ẩn mình trong địa đạo, tìm cơ hội tiêu diệt sinh lực địch hoặc gồng mình chịu bom pháo khi chống càn, đến lúc thành lập lực lượng vũ trang địa phương, công khai chiến đấu, bảo vệ quê hương.

Tấm ảnh lưu niệm chụp năm 1969.

Ðang đi trại sáng tác văn học ở Nha Trang, tôi nhận được điện thoại của anh Lý Hồng Công, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu: “Về Lợi Thuận đi em ơi! Khu di tích địa đạo nay có nhiều cái mới lắm!”. Hồi khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử văn hoá Lợi Thuận, tôi có đến thăm khi công trình còn ngổn ngang gạch vữa. Bây giờ đã hoàn chỉnh, chắc là có nhiều cái mới.

Anh Hai Công xót xa nhìn tấm ảnh cũ nhắc lại câu nói ban đầu. “Còn có hai ngoe! Mấy năm trước còn Út Ðáng với Ba Sấu cũng là thương binh, nhưng hai ông này yếu sức quá, chịu hông thấu nên chết rồi. Còn lại đều là liệt sĩ hết đó em”.

Chín chiến sĩ trong tấm ảnh đó, đều là thương binh, liệt sĩ. Ðơn vị mỗi năm mỗi bổ sung, những khuôn mặt thanh niên trẻ trung, yêu đời và yêu cách mạng. Hai Công sau này là Ðại đội phó đơn vị pháo binh, nhiều lớp chiến sĩ được anh huấn luyện, sát cánh cùng đánh giặc.

Chưa khuôn mặt nào anh dám quên trong những năm tháng hoà bình. Anh em chiến sĩ đa số là người địa phương nên cán bộ dễ nắm bắt, quản lý. Cuốn sổ tay chiến đấu mà anh Hai Công có ý định tặng cho nhà truyền thống, tôi đã được xem qua.

Những cái tên thoáng qua đầy ám ảnh và trân quý. “Trần Văn Trụ, sinh năm 1952, ấp Rừng Dầu, Tiên Thuận. Xạ thủ số 1 cối 82 ly. Hy sinh 2 giờ chiều ngày 26 tháng 7 năm 1970. Chôn cất tại rừng Long Khánh”. “Trần Văn Ngao (Hoàng) sinh năm 1952, ấp Thuận Chánh- Lợi Thuận.

Chuyển lên Tiểu đoàn 14 được một tuần thì hy sinh”. Có những liệt sĩ ra đi còn rất trẻ, như chiến sĩ Hồ Văn Bo, sinh năm 1953, quê xã Lợi Thuận, nhập ngũ tháng 3 năm 1968, hy sinh năm 1970.

Giờ đây, trong ký ức của người thương binh, cựu chiến binh Lý Hồng Công, quá khứ gian khổ và vinh quang không thể nào quên. “Tôi không thể nào quên!” như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn một thời chiến đấu gắn bó với mảnh đất Tây Ninh. Cuốn sổ nhật ký chiến đấu của anh, nét mực dù đã nhoè, nhưng vẫn còn đọc rõ.

- Ngày 19 tháng 1 năm 1970, pháo kích bằng cối 82 vào đồn Long Khánh 10 trái đạn. Tiêu diệt 3, bị thương 2 lính nguỵ. Pháo kích bằng ÐK 57 vào đồn Bến Cầu, tiêu diệt 5, làm bị thương 7 lính nguỵ.

- Ngày 20 tháng 1 năm 1970 bắn 10 trái cối 82 vào đồn Bến Cầu, tiêu diệt 8 tên địch, trong đó có 1 lính Mỹ.

- Ðêm ngày 5 tháng 3 năm 1970 bắn 15 trái ÐK 57 vào Bến Cầu, địch chết 1 bị thương 2.

Cũng có những lần như đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 4 năm 1970 bắn 20 trái đạn pháo vào đồn Mộc Bài, chỉ kiềm chế địch mà không gây thiệt hại gì. Hoặc cả những chuyện “nợ nần” vui vui còn được ghi lại, như năm 1971, ông Bảy Sáng thay mặt Ban Hậu cần ký xác nhận Huyện đội Bến Cầu còn thiếu của Ðại đội Cối 1.197 lít gạo, quy ra tiền là 40.698 đồng...

Anh Hai Công nhờ tôi chụp cho một pô ảnh cùng tấm ảnh cũ của đồng đội. “Anh em liệt sĩ còn trẻ trung cho tới bây giờ. Chỉ có những người như anh và Bảy Treo là đang già đi, sắp về với ông bà. Nhưng mà mình còn được hưởng hơn 40 năm hoà bình, được tận mắt nhìn thấy sự đổi thay đến không ngờ của quê hương.

Cho nên phải luôn ghi nhớ xương máu đồng đội đã đổ xuống”. Anh bất ngờ đề nghị. “Em có thể in lại cho anh và Bảy Treo hai tấm hình như vầy hông? Hết bao nhiêu tiền anh cũng chịu hết. Anh muốn lưu lại tấm hình cho con cháu sau này nó biết, hồi trẻ ba, ông nó cũng… đẹp trai chứ bộ”.

Vụ này dễ ợt. Tôi dám nhận với anh. Chỉ cần chụp lại tấm ảnh cũ, đem vô tiệm nhờ họ chỉnh sửa lại chút xíu rồi in ra tiếp là ổn. Nhưng nói là vậy, mà sau khi ra Bắc ba tháng, tôi mới có điều kiện làm giúp anh.

Hai tấm ảnh chụp lại, chỉ phóng được cỡ CP2 thôi, chứ phóng to hơn ảnh bị rạn nổ, nhìn không rõ. Chưa kịp về Tây Ninh, tôi gửi qua bưu điện ngay cho anh Hai Công vì thấy anh nôn quá. Trong sâu thẳm suy nghĩ, biết đâu anh muốn có được tấm ảnh này càng sớm càng tốt. “Hai tấm ảnh in lại, hết có mấy chục ngàn. Em tặng anh Hai và anh Bảy”.

Những ngày đầu tháng Bảy này, trời nóng nực vô cùng. Gọi điện hỏi thăm, anh nói đang điều trị bệnh ở Củ Chi. “Nay thấy trong người cũng không được khoẻ em ơi! Tao vẫn chừa cho em mấy con cá trê bự lắm. Nhớ về thăm Lợi Thuận và lấy cá. Bọn anh cũng rất nhớ em!”.

Tôi lại mường tượng ra con đường từ quốc lộ 22B đoạn xã Cẩm Giang qua cầu Bến Ðình, sang Bến Cầu. Con đường ngày nào còn lầy bụi nay đã trải nhựa láng o, không còn phải qua phà nữa, nhưng thời gian thì khắc nghiệt vô cùng. Nỗi chờ mong ngày gặp mặt thôi thúc trong lòng tôi.

P.Q

Tin cùng chuyên mục