Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tầm nhìn khi đô thị hóa nông thôn
Thứ tư: 08:19 ngày 15/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đúng vào dịp huyện Đông Anh (Hà Nội) đón Bằng công nhận huyện nông thôn mới, cũng là lúc không ít công trình đã xây dựng để đạt chuẩn nông thôn mới chuẩn bị được phá dỡ, phục vụ mặt bằng cho các dự án lớn triển khai trên địa bàn.

Điển hình như dự án Công viên văn hóa, giải trí du lịch Kim Quy, Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia hay Công viên phần mềm, nội dung số trọng điểm của thành phố...

Vui mừng, phấn khởi khi những dự án lớn với quy mô hàng trăm héc-ta sẽ làm thay đổi diện mạo huyện ven đô trong tương lai, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy băn khoăn. Thí dụ như tại xã Vĩnh Ngọc, chính quyền, nhân dân đã mất không ít công sức, tiền của để xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ cho tưới tiêu, hệ thống đường bê-tông... để đạt đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Song khi 100 ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp dần được bàn giao cho chủ đầu tư Công viên văn hóa, giải trí du lịch Kim Quy, cũng có nghĩa, hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vừa mới xây dựng, sẽ bị phá bỏ.

Song song với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng đang phát triển không gian đô thị. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô đạt khoảng 58 - 60%, năm 2030 khoảng 65 - 68%. Cùng lúc, thành phố phải thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa.

Với tiến trình đô thị hóa theo kiểu "vết dầu loang" như đã diễn ra lâu nay, các huyện ngoại thành sát khu vực nội đô, sớm muộn sẽ lần lượt trở thành đô thị, như trường hợp các quận Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh được xem là có tiềm năng đô thị hóa cao.

Cách đây chưa lâu, một số huyện chính thức đề xuất sớm được lên quận. Ngoài ra, một số huyện, thị xã sẽ trở thành đô thị vệ tinh. Nhưng câu chuyện ở huyện Đông Anh là một trong nhiều thí dụ cho thấy, đang có vấn đề trong khâu "khớp nối" giữa xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa. Hệ quả là lãng phí không nhỏ đã và đang xảy ra.

Khi những "đại dự án" được triển khai tại khu vực vừa được công nhận là nông thôn mới, vấn đề không chỉ nằm ở phá bỏ một số công trình hạ tầng nông thôn. Hệ thống tưới tiêu của nhiều khu vực ruộng đồng chung quanh cũng phải tính toán lại, xây dựng lại; đồng thời, chuyện cây trồng, vật nuôi cũng phải có thay đổi nhất định khi điều kiện thay đổi.

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, không chỉ với địa bàn Thủ đô, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác. Mục tiêu của đô thị hóa, chính là để nâng cao điều kiện sống của người dân. Xây dựng nông thôn mới có chung mục đích ấy. Nhưng phải tránh nguy cơ cái nọ phủ nhận cái kia.

Để khớp nối tốt giữa hạ tầng nông thôn mới hiện tại và đô thị trong tương lai, cần một tầm nhìn xa, cần sự phối hợp liên ngành tốt hơn trong quy hoạch cũng như trong công tác quản lý. Phải làm thế nào để hạ tầng nông thôn mới sau khi xây dựng xong trở thành cơ sở phục vụ cho đô thị hóa; có thể kết nối với hạ tầng đô thị, hoặc chí ít, có khả năng nâng cấp để tương thích với hạ tầng đô thị là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Hoặc với những địa bàn nông thôn đã được quy hoạch xây dựng những dự án lớn, không nhất thiết phải xây dựng hạ tầng để lấy bằng được tấm bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để rồi bị phá bỏ.

Nếu không, câu chuyện xây dựng để rồi lãng phí hoàn toàn có thể tái diễn.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục