Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tâm tình cộng tác viên: Đọc lại tờ báo Tây Ninh cuối tuần
Thứ hai: 01:00 ngày 04/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tờ báo cuối tuần được in màu. Ngay trang đầu bên góc phải của tờ báo dành khung nhỏ cho “Thư toà soạn”, trong đó có đoạn ghi: “So với tờ báo Tây Ninh phát hành ngày thứ hai (phát hành trong tỉnh), rõ ràng tờ Tây Ninh cuối tuần có nhiều khởi sắc hơn, trang mục, bài vở phong phú hơn.

Trang bìa Báo Tây Ninh cuối tuần.

Đã mấy tháng trôi qua, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số người dân ý thức được mối nguy hiểm của dịch Covid-19 nên ít khi ra ngoài nếu không có việc thật cần thiết. Không ra ngoài cũng đồng nghĩa với việc tôi không thể đi mua báo, bởi tôi thích đọc báo giấy hơn báo mạng.

Thế là tôi lục tìm những tờ báo cũ năm xưa (báo đọc xong tôi thường xếp lại cẩn thận để làm tư liệu). Tình cờ gặp lại tờ TÂY NINH CUỐI TUẦN, năm thứ 34, số 2 phát hành ngày 5.10.1994. Đúng vào ngày truyền thống Báo Tây Ninh.

Tôi có thói quen, khi cầm tờ báo trên tay, lật từng trang xong mới bắt đầu đọc tới chuyên mục yêu thích, cho đến khi hết tờ báo (kể cả quảng cáo). Tờ báo cuối tuần được in màu. Ngay trang đầu bên góc phải của tờ báo dành khung nhỏ cho “Thư toà soạn”, trong đó có đoạn ghi: “So với tờ báo Tây Ninh phát hành ngày thứ hai (phát hành trong tỉnh), rõ ràng tờ Tây Ninh cuối tuần có nhiều khởi sắc hơn, trang mục, bài vở phong phú hơn.

Với sự góp mặt của nhiều cây bút quen thuộc trong làng văn nghệ và làng báo thành phố”, trong đó có những cây bút quen thuộc của tỉnh nhà đến nay vẫn còn đồng hành với tờ báo, như: Trần Vũ (Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn…), Nhất Phượng, Duy Huân, Phan Kỷ Sửu, Sông Ninh…

Có những sự kiện được phản ánh nhanh, mang tính thời sự tốt như: Xung quanh sự cố cầu Bình Tranh (tác giả ST-PVC), Những người phá rừng và chương trình 327 (tác giả NQN), Tiếng nói đại biểu từ diễn đàn đại hội (tác giả Quang Dững)…

Báo Tây Ninh ngày đó phát hành số lượng ít. Đối tượng có điều kiện đọc báo là các cơ quan Nhà nước, trường học... Tôi là người bạn đồng hành của báo Tây Ninh từ những năm sau giải phóng. Hình như sản phẩm nào của Báo Tây Ninh dù ít dù nhiều tôi cũng có đọc qua như Tây Ninh thứ hai, Tây Ninh chủ nhật (gồm 16 trang, khổ 20x30, giá 200 đồng), Tuổi 18 (trước là nguyệt san, sau đó là bán nguyệt san hình thức báo cuốn, giấy bóng, in màu, giá 7.500 đồng, báo xuân 12.000 đồng), Tây Ninh cuối tuần (16 trang, khổ báo bằng với Báo Tây Ninh hiện hành, giá 1.200 đồng), Nghề báo (phát hành không thường xuyên).

Đồng hành với Báo Tây Ninh lâu như vậy nên tôi cũng tập tành viết lách rồi gửi cho báo. Thỉnh thoảng được đăng vài bài, tôi vui lắm và trở thành “cộng tác viên” lúc nào không hay. Để nâng cao tay nghề (dù không phải là phóng viên), tôi tìm hiểu tài liệu hướng dẫn kỹ năng viết báo, trong đó có Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thư có đoạn viết: Muốn viết báo khá thì cần: Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta.

Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận, tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”. Tôi xem đây là kim chỉ nam của nghề báo mà tôi giữ mãi đến bây giờ.

Đặt tờ báo TÂY NINH CUỐI TUẦN cạnh tờ TÂY NINH THỨ BẢY hiện nay (kể cả các tờ 2, 4, 6) mới thấy thương những người làm báo in bằng đất sét thời đó. Báo Tây Ninh hiện nay có đủ các chuyên trang, chuyên mục, là “người bạn thông tin” tin cậy của mọi người.

Ngoài những thông tin thường nhật, còn có gương người tốt, việc tốt trong mọi ngành nghề... Tôi thật sự tâm đắc với Sắc màu văn hoá Tây Ninh, là pho tư liệu quý cho người muốn tìm hiểu về quê hương và con người Tây Ninh.

Mục Ghi chép tản mạn, đúng là tản mạn thật, bởi những vấn đề được nêu ra rất bình thường, giản dị, nhưng cũng thật sâu sắc, gần gũi, đáng để suy ngẫm. Sáng tác trẻ: là nơi ươm mầm tài năng văn chương trẻ, góp phần làm phong phú thêm nền văn học tỉnh nhà.

Kỷ niệm 75 năm truyền thống Báo Tây Ninh (5.10.1945 - 5.10.2021), nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của tờ báo để thấy thế hệ làm báo bây giờ may mắn, có đủ điều kiện hơn nhiều so với cha anh thuở trước. Vậy thì người làm báo phải là những nhà báo giỏi, bản lĩnh của thời đại 4.0 mới xứng đáng với truyền thống Báo Tây Ninh bắt đầu từ bản in bằng đất sét.

Nguyên Hạ

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục