BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tâm tình nhà báo không thẻ

Cập nhật ngày: 19/06/2011 - 11:10

Đoàn nhà báo Tây Ninh thăm Khu công nghiệp Bourbon An Hoà

Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, chỉ là một giáo viên có chút năng khiếu viết lách. Cái khiếu này có lẽ bắt nguồn từ những ngày học cấp hai. Giáo viên dạy văn luyện cho học sinh viết bằng những trang nhật ký. Thật sự mà nói với bọn học sinh chúng tôi ngày ấy phải viết nhật ký là một cực hình. Ngày nào có tiết văn thầy cũng xét tập nhật ký. Học, ghi bài thì có ngày nghỉ, còn nhật ký thì phải liên tục. Tôi nhớ có lần bí quá, lật những trang đầu viết lại cho ngày mới, chừa lề thật rộng… cuối cùng cũng bị thầy phát hiện và phạt. Thế nhưng dần dà, việc viết nhật ký đã trở thành một thói quen mà tôi thích thú nhất. Hôm nào không viết chừng như thiếu một cái gì đó.

Những ngày đầu tiên tập tành viết báo đến ngày được đăng bài đầu tiên, tính ra cũng gần ký giấy. Một người bạn thân làm báo thấy thế cho mượn một số tài liệu để nghiên cứu. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc bài của mình trên trang báo, niềm vui vỡ oà. Gặp ai tôi cũng khoe. Có người gọi mình là nhà báo (dù là nhà báo không có thẻ hành nghề) thì thật là hạnh phúc. Được sự động viên của bè bạn tôi viết thường xuyên hơn. Tôi không phải là phóng viên, chưa ai đặt bài, giao việc nhưng tôi cứ viết. Viết không phải vì nhuận bút mà vì những bức xúc trong đời sống xã hội, ở xung quanh, những lo toan trăn trở thường ngày. Tôi viết đủ mọi thứ. Ngày ấy, vào thập niên 90, gần nhà có anh bạn phát hiện chiếc áo đang mặc phát sáng. Tôi viết bài nhờ người bạn phóng viên gửi toà soạn giùm (lúc ấy gửi bài bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp chứ làm gì có việc gửi bằng email nhanh gọn như bây giờ). Đến chiều anh ấy mang về trả lại, bảo mấy vấn đề này phải có phóng viên xác minh cụ thể mới đăng được. Rồi chuyện anh nông dân chế ra cái bẫy chuột, mỗi đêm diệt hằng mấy chục con. Rồi  chuyện người đảng viên về hưu hiến đất xây trường… Cũng có những bài viết chung chung, có tính cá nhân. Thậm chí có chút mâu thuẫn với hàng xóm, hoặc đồng nghiệp với nhau cũng muốn… đưa lên báo.

Sau này tôi mới hiểu ra báo chí có tôn chỉ, mục đích của nó chứ đâu phải là nơi chứa tất cả mọi thứ tạp nhạp trên đời. Tôi hiểu ra muốn viết báo cần phải có những tư liệu chính xác, phải đi thực tế tiếp xúc với cơ sở. Sẵn có chiếc máy ảnh, tôi tập “hành nghề” như một phóng viên thực thụ. Cũng may, tôi là một giáo viên có chút ít tên tuổi, đi đâu ai cũng biết nên chưa bị hỏi thẻ nhà báo bao giờ. Từ bài viết đầu tiên được đăng trên Báo Tây Ninh cho đến các bài được đăng trên các báo Văn nghệ Tây Ninh, Giáo dục Thời Đại, Sài Gòn Giải Phóng, Mực Tím, Phụ Nữ, Áo Trắng… về sau, tôi đều cất giữ cẩn thận, xem như vật gia bảo. Hơn ba mươi năm trôi qua, tôi đã có nhiều bài đăng ở các báo. Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi đó là lúc viết bài cho Tây Ninh Chủ Nhật, trong đó có mấy truyện ngắn. Tôi định dồn lại nhiều nhiều rồi đi lãnh nhuận bút một lần (vì nhà cách xa toà soạn hơn ba mươi cây số, phương tiện đi lại lúc bấy giờ rất khó khăn). Nào ngờ khi đến nơi thì Báo Tây Ninh Chủ Nhật không còn nữa. Thế là chả có đồng nào. Sau này các báo thường gửi nhuận bút qua đường bưu điện, nên rất thuận tiện cho các cộng tác viên.

Giờ đây tôi đã nghỉ hưu, thời gian rảnh rỗi thường cộng tác với các báo, nhất lá Báo Tây Ninh. Đó cũng là cách thư giãn của người cao tuổi, lại được góp tiếng nói của mình trên diễn đàn ngôn luận của tỉnh nhà.

LÊ BÌNH PHƯƠNG