Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Biên: Bước chuyển mình của huyện biên giới 

Cập nhật ngày: 03/08/2020 - 00:01

BTN - Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ một địa phương biên giới bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nghèo nàn, đất rộng người thưa, Tân Biên trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh (QPAN) và là một cực tăng trưởng kinh tế khu vực phía Bắc của tỉnh.

Du khách trải nghiệm du lịch tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Ảnh: Đại Dương)

11 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Tân Biên gắn liền với rất nhiều thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới Tây Nam và khôi phục, phát triển KT-XH.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ một địa phương biên giới bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nghèo nàn, đất rộng người thưa, Tân Biên trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh (QPAN) và là một cực tăng trưởng kinh tế khu vực phía Bắc của tỉnh.

Phát triển mạnh về kinh tế - xã hội

Với 92,5km đường biên giới, trong số 10 xã, thị trấn của Tân Biên có 3 xã biên giới tiếp giáp với 8 xã thuộc 4 huyện, 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn huyện có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 1 cửa khẩu phụ.

Vị trí địa lý trên đã khiến Tân Biên có địa chính trị, địa kinh tế đặc thù. Trong kháng chiến, Tân Biên hai lần được chọn là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam- cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Hơn một năm trước, khi thực hiện bài viết kỷ niệm 40 năm chiến thắng biên giới Tây Nam (7.1), chúng tôi có dịp trò chuyện với nguyên Bí thư Huyện uỷ giai đoạn 1983-1989 Nguyễn Văn Sáu, ông cho biết: Tân Biên mới chỉ thực sự bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Sau chiến tranh, trên địa bàn huyện có nhiều hố bom, bãi mìn chưa được gỡ bỏ tiếp tục gây thương vong cho người và gia súc.

90% nhân dân, cán bộ, đảng viên của huyện phải thường xuyên ăn cơm độn củ mì, bo bo, bắp; hằng năm, hơn 10.000 nhân khẩu thiếu ăn phải nhận cứu trợ; 30% trẻ em độ tuổi đi học không được đi học… Phải mất 10 năm đầu sau chiến tranh, Tân Biên mới dần hồi sinh và từng bước phát triển.

Từ Đại hội IV nhiệm kỳ 1980-1985 cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, công cuộc khôi phục, phát triển KT-XH của Tân Biên đã và đang đạt những thành tựu quan trọng. Hệ thống đường giao thông, công sở, bệnh viện, trường học được xây dựng lại.

Diện tích mía, mì, cao su, vùng chuyên canh rau, cây ăn quả ngày càng mở rộng, hoạt động thương mại biên mậu dần khởi sắc… đã từng bước thay đổi diện mạo huyện biên giới, đời sống nhân dân Tân Biên nâng lên rõ rệt.

Đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, Tân Biên có 6/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 xã biên giới), 3 xã còn lại đã đạt từ 11-14 tiêu chí. Toàn huyện có 461 ha cây ăn quả và cây trồng khác được chứng nhận VietGAP.

Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất, vận chuyển đạt 100%, khâu chăm sóc (phun thuốc, làm cỏ, bón phân) đạt 50%. Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới, đặc biệt là hạ tầng phục vụ thương mại biên mậu tạo điều kiện gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, thúc đẩy hoạt động thương mại biên mậu phát triển. Toàn địa bàn có 203 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã nông nghiệp, 253 tổ hợp tác và gần 5.700 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.

Trong nhiệm kỳ, ba khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính được huyện lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Giai đoạn 2015-2020, huyện đầu tư xây dựng 270 công trình, đạt 103,4% kế hoạch với tổng mức đầu tư 954 tỷ đồng.

Về phát triển hạ tầng giao thông có 128 công trình với tổng chiều dài trên 242km và rất nhiều công trình hạ tầng khác phục vụ phát triển đô thị, xây dựng NTM đã hoàn thành. Huyện từng bước thông suốt các tuyến đường giao thông chính, đường liên xã, giao thông nông thôn, nội đồng, thuỷ lợi… góp phần phát triển KT-XH, QPAN và dân sinh.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện ngày càng được chuẩn hoá chức danh, trình độ theo quy định; tổ chức, bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, tinh giản biên chế. Tân Biên là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức thi tuyển, đổi mới cách tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp phòng và tổ chức kỳ sát hạch công chức cuối năm để làm cơ sở đánh giá, phân loại công chức.

Huyện hoàn thành việc rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện đối với một số thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã phần lớn là giải quyết trong ngày, tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dân, tổ chức. 

Không gian vui chơi của học sinh Trường mầm non xã Tân Lập, Tân Biên.

Vững về quốc phòng an ninh

Bí thư Huyện uỷ Thành Từ Dũ nhấn mạnh: “Nói đến Tân Biên là phải nhắc đến 4 “từ khoá”: biên giới, biên mậu, biên cương và biên phòng. Là địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh, huyện Tân Biên luôn chú trọng xây dựng, củng cố công tác quốc phòng địa phương, từng bước xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng QPAN với phát triển KT-XH.

Tân Biên là địa phương được tỉnh đánh giá làm tốt nhất công tác biên phòng trong số 5 huyện biên giới của tỉnh. Từ cơ chế phối hợp cho đến duy trì mối quan hệ gắn bó giữa cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, cấp xã và nhân dân huyện ân Biên với các đồn Biên phòng đều rất bền chặt”.

Về công tác đối ngoại, chính quyền huyện Tân Biên duy trì thường xuyên giao ban định kỳ, tổ chức họp mặt, trao đổi thông tin về quản lý nhà nước ở khu vực biên giới với 4 huyện giáp biên. Huyện uỷ thực hiện tốt công tác đối ngoại với Đảng Nhân dân Vương quốc Campuchia. Lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện có mối quan hệ gắn bó với phía bạn. Tất cả những nỗ lực trên nhằm xây dựng khu vực biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác.

Song song đó, Tân Biên tập trung xây dựng lực lượng Dân quân theo hướng vững mạnh, rộng khắp, đạt tỷ lệ 1,8% so với dân số. Huyện luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ chiến sĩ để họ an tâm công tác, học tập, huấn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong 5 năm qua, huyện phối hợp Bộ CHQS tỉnh xây dựng công trình chiến đấu, nhà ở chốt dân quân biên giới, trụ sở làm việc Ban CHQS xã đúng tiến độ, kế hoạch. Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tân Biên Nguyễn Nhật Nam cho biết, đối với công trình nhà ở cho các chốt dân quân, huyện Tân Biên đã xây dựng đưa vào sử dụng 2 căn ở chốt dân quân Cây Cầy, Trảng Dầu; giai đoạn 2020-2021 sẽ xây dựng thêm từ 3-5 căn và dự kiến hoàn thành việc xây dựng nhà cho tất cả các chốt dân quân vào năm 2023.

Từ nguồn kinh phí của Quân khu, của tỉnh, 5 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn huyện sẽ được xây dựng, riêng trong năm 2020 xây dựng khu dân cư liền kề chốt dân quân Cầu Ván.

Triển khai Đề án 407 khu dân cư biên giới Chàng Riệc của UBND tỉnh, đã cấp cho 291 đối tượng thụ hưởng trong giai đoạn 1 được 375/500 căn nhà và 366/500 lô đất sản xuất; đang triển khai giai đoạn 2 đối với 83 đối tượng. Đề án đã cụ thể hoá chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ chính trị, QPAN, giữ vững hoà bình hữu nghị trên vùng biên giới.

Phương Thuý

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện Tân Biên:

+ Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu tăng bình quân hằng năm 3,8%.

+ Thu NSNN tăng bình quân hằng năm 5,94%, chi NSNN tăng bình quân hằng năm 5,55%.

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm đạt 0,95%.

+ 100% các xã, thị trấn duy trì công tác phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.

+ Đạt bình quân 3,3 bác sĩ/vạn dân, 10 giường bệnh/vạn dân; 81,35% dân số tham gia BHYT.

+ Số lao động có việc làm tăng thêm hằng năm 1.170 người.

+ Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt gần 99%.

+ Phát triển 581 đảng viên mới; tỷ lệ đảng viên chiếm 2,65% dân số toàn huyện.

+ 36,84% tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; 93,52% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% các xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.