BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Biên: Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao

Cập nhật ngày: 05/11/2009 - 05:28

 

PCT UBND tỉnh Nguyễn Thị Giảm phát biểu tại ĐH.

Ngày 3.11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tân Biên lần thứ I- năm 2009 đã được tiến hành với 85 đại biểu đại diện các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đến dự có bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan; lãnh đạo huyện Tân Biên và các huyện, thị có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Huyện Tân Biên hiện có 11 dân tộc thiểu số, với 509 hộ, trên 2.360 nhân khẩu. Gồm các dân tộc Khmer (292 hộ), Chăm (66 hộ), Mường (65 hộ), Hoa (39 hộ), Tà Mun (13 hộ), Tày (12 hộ), Thái (10 hộ), Stiêng (5 hộ), Nùng (5 hộ), Dao (1 hộ) và Ba Na (1 hộ). Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn huyện Tân Biên luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xoá đói giảm nghèo; dự án cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi; vốn hỗ trợ khó khăn đột xuất, nhất là Chương trình 134 (Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20.7.2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) được triển khai thực hiện có hiệu quả tại các khu dân cư có đồng bào sinh sống. Từ đó đã giúp cho đồng bào vượt lên khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.

Các vùng dân tộc nay đã có điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sạch sinh hoạt... Số hộ khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm xuống đáng kể (thời gian qua huyện Tân Biên đã xoá được 49 hộ dân tộc nghèo). Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng cao, các nhà văn hoá dân tộc được xây dựng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, các cơ sở thờ tự được xây dựng, trùng tu cho đồng bào sinh hoạt tín ngưỡng. Việc thực hiện quy chế ở cơ sở thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Hiện nay toàn huyện đã có 559 người dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh… Các phong trào thi đua yêu nước của huyện xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình người dân tộc thiểu số sản xuất giỏi như: Ông Pút Xà Rum, ông Đốc Sóc Kha, ông Huynh Bích ở xã Hoà Hiệp; ông Chàm Phoa, xã Thạnh Bình… Những điển hình tham gia làm tốt công tác xã hội, từ thiện như: Lương y Khưu Hải, ông Huỳnh Hồng ở thị trấn Tân Biên. Có những người sẵn sàng hiến đất để xây dựng trường học như bà Mun Thêm ở xã Hoà Hiệp, bà Cao Thị Sanh ở xã Tân Phong… Qua đó có nhiều tập thể và cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh, huyện khen thưởng.

Phát biểu tại đại hội, bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh nhiệt liệt biểu dương công lao đóng góp của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng các vị già làng, cả chùa, người có uy tín trong việc chăm lo xây dựng xóm, ấp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt công tác dân tộc của Đảng, từng bước đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm các cấp uỷ, chính quyền và toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Tại đại hội, UBND huyện Tân Biên đã khen thưởng cho 5 tập thể và 31 cá nhân đã có thành tích trong đời sống xã hội và trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2009. Đại hội đã nhất trí cử 39 đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh.

DUY HUÂN

Người Khmer tích cực tham gia công tác xã hội

Anh Dót Dons, Bí thư chi đoàn ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp cho biết, xã Hoà Hiệp hiện có 132 hộ, với 757 nhân khẩu dân tộc Khmer chủ yếu làm nghề nông. Những năm qua được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về vốn sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cùng với sự tích cực lao động, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, bà con dân tộc Khmer xã Hoà Hiệp sản xuất, chăn nuôi rất có hiệu quả. Nếu như trước đây gần như 100% hộ dân tộc Khmer Hoà Hiệp thuộc diện nghèo khó, thì hiện nay giảm xuống chỉ còn hơn 23% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc. Nhiều hộ vươn lên khá giàu và đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, được Nhà nước tặng bằng khen. Cuộc sống vật chất được nâng cao, đồng bào dân tộc Khmer ở Hoà Hiệp nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động đóng góp công ích xã hội. Những năm qua bà con ở đây đã tham gia sửa chữa hàng ngàn mét đường giao thông nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường thôn xóm sạch đẹp. Đặc biệt, bà con thực hiện tốt ba công trình vệ sinh, chuồng trại đưa ra xa khu dân cư; thực hiện ăn chín, uống sôi, phòng ngừa dịch bệnh.  Đáng lưu ý ở đây có bà Mun Thêm đã tình nguyện hiến 5.000 mét vuông đất cặp lộ nhựa để xây trường học tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, được Chủ tịch nước gửi thư khen. Đồng bào dân tộc cùng với nhà trường thường xuyên rà soát con em đồng bào dân tộc bỏ học, tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ và vận động các em đến lớp đạt 100%…

Đồng bào Chăm nay đã giảm nghèo

Anh Chàm Văn Sút thay mặt bà con dân tộc Chăm xã Thạnh Bình cho biết, ở xã Thạnh Bình hiện có 63 hộ, với 263 nhân khẩu dân tộc Chăm sinh sống. Trước đây cuộc sống bà con dân tộc Chăm rất khó khăn. Được sự quan tâm giúp đỡ nhiều mặt của các cấp lãnh đạo, hiện nay đời sống bà con được ổn định, số hộ nghèo đã giảm đến 72% so với lúc trước. Trong đó có một số hộ vươn lên khá giả như các hộ: Chàm Phoa; Chàm Cốp; Chàm Gia Gia... Con em người dân tộc Chăm được quan tâm giúp đỡ đến trường học tập. Bà con dân tộc Chăm cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhiều mặt để bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống… Bà con dân tộc Chăm xã Thạnh Bình hứa quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào của địa phương góp phần xây dựng quê hương Thạnh Bình ngày càng giàu đẹp.

NGỌC HÂN