Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép:
Tân Hội trong tôi
Thứ hai: 15:42 ngày 14/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có nhiều người nghĩ Tân Châu là huyện mới nên Tân Hội cũng là một xã mới được thành lập sau này. Thực ra không phải vậy, địa danh hành chính xã Tân Hội đã có tuổi đời hơn một hoa giáp. Xã Tân Hội hiện tại có diện tích 105,6km2, là phần đất nằm giữa và bị chắn ở hai đầu là xã Tân Hiệp phía dưới và xã Tân Đông - Tân Hà phía trên, đồng thời được phân định bởi hai đường tỉnh là 785 và 793 chạy song song theo hướng Bắc - Nam. Tân Hội cách thị trấn Tân Châu không xa, trên trục lộ giao thông chính 785 chạy lên hướng Bắc chừng 7km là tới.

Cụm công nghiệp Tân Hội 1

Theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư, “Xã Tân Hội (trước đây) thuộc tổng Lộc An, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh từ 1958. Từ năm 1959 thuộc quận Phú Khương cùng tỉnh. Sau 30.4.1975 thuộc về huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Từ năm 1979 thuộc huyện Châu Thành cùng tỉnh. Từ 13.5.1989 thuộc huyện Tân Châu cùng tỉnh. Ngày 28.5.1991 tách một phần đất nhập vào xã Tân Hiệp. Là tên xã hiện nay”. Và sẵn đây cũng xin nói thêm rằng, tổng Lộc An vốn được tách ra từ tổng Chơn Bà Đen từ 4.3.1958 gồm các xã Phước Hoà, Phước Vinh, Phước Lộc, Phước Lợi, Phước Trường, Phước An, Phước Tân và Tân Hưng. Trong đó Tân Hưng lại được thành lập trên cơ sở xã Khedol. Ngày 1.7.1958 chuyển hai xã Phước Trường và Phước Tân qua tổng Hoà Ninh; chuyển ba xã Phước Vinh, Phước Hoà, Phước An qua tổng Phước Hưng. Còn xã Tân Hưng lại chia thành ba xã là Tân Hưng (mới), Tân Long và Tân Hội. Vậy trước đây, Tân Hội là một xã rất lớn, thể chừng bao gồm cả phần đất từ Tân Hiệp cho đến cả Tân Đông ngày nay.

Mặc dù Tân Hội được hình thành khá lâu, nhưng trước đây mảnh đất này còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, xung quanh bốn bề chủ yếu là rừng và trảng nước. Cách đây hơn ba mươi năm, từ khu Hội Thanh cho tới sau Hội An là một vùng trảng rộng còn khá nguyên sơ, xen kẽ là những cụm rừng, dòng suối Nước Trong chảy qua, uốn lượn cắt qua đường chính rồi đổ vào suối Tha La ở phía Đông và nơi đây cũng chỉ rừng là rừng. Cũng tại nơi trảng Nước Trong này, tôi có biết bao là kỷ niệm. Hơn ba mươi năm trước, nhà tôi rất khó khăn, tìm cái ăn đã vất vả, tìm cái chữ còn vất vả hơn. Cuối niên học là tôi phải chuẩn bị mọi thứ cho công việc đi làm xa trong ba tháng hè để lấy tiền phụ gia đình và dành đóng học phí cho năm học mới. Tôi và mấy người bạn xin quá giang xe máy cày từ Đồng Pal lên đến chợ Tân Hội rồi đi bộ vào hướng nhà máy đường Nước Trong để lãnh đất làm cỏ mía. Lúc ấy, nhà máy Nước Trong mới thành lập, con đường vào khu này chỉ là đường đất đỏ nhỏ, qua khỏi khu nhà máy là bắt đầu phải lội qua trảng. Mùa mưa năm ấy nước ngập mênh mông, chúng tôi vượt qua từng khu trảng xen lẫn với vô số những cụm rừng da beo trông rất nên thơ và rất đẹp. Những khu trảng này lúc ấy còn biết bao là hố bom. Hố bom nào cũng có cây che rợp xung quanh, nước trong thấy tận đáy, phía dưới là những lớp đá ong tạo ra những khoảng trống giống như hang động. Sau ba tháng hè đi làm thuê, chúng tôi lại quay về nhà, lấy số tiền công trang trải mọi thứ và chuẩn bị tựu trường. Những năm tháng gian khổ ấy đã dạy và rèn cho chúng tôi nghị lực bước vào đời.

Và nơi nhà máy đường Nước Trong này, bạn bè chúng tôi cũng được vinh dự hai lần đi đón người anh hùng của nước Cuba Fidel Castro đến thăm. Lúc ấy, đối với tôi, không gì hạnh phúc bằng được nhìn thấy một người bạn lớn của đất nước Việt Nam. Một người con của một dân tộc sẵn sàng hy sinh máu của mình để giúp Việt Nam trong lúc nguy nan. Cũng xin nhắc lại rằng, thuở ấy, Tây Ninh chưa có nhiều nhà máy tầm cỡ như bây giờ, nên nước bạn Cuba giúp ta xây dựng nhà máy đường 500 tấn/ngày là một sự kiện rất lớn.

Ngày nay, trở lại Tân Hội, nơi đây đã có quá nhiều thay đổi. Khu trảng mênh mông ngày xưa dường như đã thu hẹp lại rất nhiều, xung quanh là những cụm dân cư cùng với ruộng vườn đầy cây xanh bóng mát. Người dân Tân Hội trồng khá nhiều loại cây trồng. Bên cánh sau của ấp Hội Thanh và khu giáp với Tha La chủ yếu trồng cao su, còn cánh từ ấp Hội An trở vào trong thì trồng nhiều dừa xiêm, cây ăn quả, đặc biệt là trồng chuối già để xuất khẩu.

Điểm sáng nhất của Tân Hội hiện nay là Cụm công nghiệp Tân Hội 1 ở ấp Hội Phú. Cụm công nghiệp này được thành lập theo Quyết định số 1481/QĐ-UBND của UBND tỉnh, do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hội làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Hiện tại, Cụm công nghiệp Tân Hội 1 đã đưa vào hoạt động với quy mô 49,19 ha, được chia làm 16 lô đất, diện tích bình quân cho mỗi lô là 2,5 ha, có hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh, cấp nước sạch, thoát nước thải, trạm cứu hoả, bãi trung chuyển rác và hàng rào tường xung quanh, rất đẹp và hiện đại. Cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động của huyện nhà.

Có thể nói, hơn sáu mươi năm hình thành và phát triển, xã Tân Hội đã từng bước đi lên. Nhưng giai đoạn đáng kể nhất là từ khi Tân Hội về với huyện mới Tân Châu. Chạy xe một vòng Tân Hội ta vừa có cái cảm giác ấm áp của một làng quê yên bình, vừa cảm nhận được sức sống của đất và người nơi đây.

ĐÀO THÁI SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục