BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người 

Cập nhật ngày: 10/03/2017 - 20:41

BTNO - UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Công văn số 552 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài làm tờ khai cá nhân tại đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế.

Theo thông báo của Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE) tại tỉnh SvayRieng (Campuchia) giáp biên giới với Tây Ninh đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, ngày 9.3.2017, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 552 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh gia cầm trái phép; không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường, chủ động giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm, kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa dịch bệnh lây truyền sang người.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người.

Tập trung tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi hoặc đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng, tử vong.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát, phòng, chống dịch chủ động; bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm, lây sang người và trên diện rộng.​

Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cửa khẩu; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi, đến vùng có dịch về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm ở một hộ chăn nuôi tại TP.Tây Ninh.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh lây nhiễm sang người và kịp thời xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế phối hợp với các ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch cúm trên gia cầm và trên người tại địa phương; báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.

KGVX


Liên kết hữu ích