BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành uỷ thành phố Tây Ninh:

Tăng cường công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên người dân tộc thiểu số

Cập nhật ngày: 20/04/2016 - 01:05

Phó Bí thư Thành uỷ Thành Từ Dũ phát biểu trong buổi toạ đàm chuyên đề xây dựng Đảng (ảnh: Quế Hương).

Những năm gần đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Tây Ninh có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về vật chất lẫn tinh thần, giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, thành phố Tây Ninh có 9 dân tộc thiểu số, với 643 hộ, 2.938 nhân khẩu- chiếm tỷ lệ 2,27% dân số. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung tại các xã, phường như: dân tộc Chăm, phường 1; dân tộc Hoa, phường 2; dân tộc Tà Mun ở phường Ninh Thạnh và xã Tân Bình; dân tộc Khmer ở xã Thạnh Tân, một số dân tộc khác như dân tộc Ấn, Thái, Châu Ro... sống đan xen với với đồng bào người Kinh. Thời gian qua, Thành uỷ và cấp uỷ cơ sở xác định công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Qua đó, một số cấp uỷ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã tạo nguồn, kết nạp 8 đảng viên, chiếm 44,44% so với tổng số đảng viên là người dân tộc thiểu số, riêng Đảng bộ phường 1 đã kết nạp được 5 đảng viên, đặc biệt là kết nạp 4 người trong một gia đình dân tộc Chăm.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ thành phố Tây Ninh Nguyễn Văn Tới, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, tăng cường công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên đối với người dân tộc thiểu số nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, đảng viên là người dân tộc thiểu số có 18 đồng chí, chiếm 0,44% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tới cho biết thêm, mặc dù công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm nhưng số lượng chưa nhiều do trình độ học vấn của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu; chất lượng phong trào ở địa phương còn hạn chế, chưa thiết thực; cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa quan tâm giới thiệu người dân tộc thiểu số tham gia công tác tại địa phương. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở địa phương hầu hết làm công tác kiêm nhiệm, chưa biết tiếng dân tộc, ít am hiểu về phong tục tập quán, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên đối với người dân tộc thiểu số, các cấp uỷ phải chú trọng đến công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên vì công tác kết nạp đảng viên đối với người dân tộc thiểu số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, chăm lo lợi ích thiết thực, giúp đỡ, tạo việc làm tại chỗ để đồng bào dân tộc phấn đấu vươn lên, giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc trong cuộc sống; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong các phong trào, nhất là phong trào thanh niên, thường xuyên củng cố đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc, chú trọng cử cán bộ có kỹ năng công tác dân vận, am hiểu phong tục, tập quán, có uy tín với đồng bào dân tộc; rà soát trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những quần chúng tham gia công tác tại địa phương, quan tâm giới thiệu những quần chúng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chi bộ tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp đảng viên; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc trong việc lựa chọn nguồn kết nạp đảng viên; quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bộ máy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.

DUY ĐỨC