BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác giám sát của Quốc hội năm 2024:

Tăng cường giám sát những vấn đề dư luận bức xúc, kiến nghị của cử tri 

Cập nhật ngày: 22/11/2023 - 18:42

BTNO - Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc, các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát.

Trưởng Đoàn ĐBQH Phạm Hùng Thái và các đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự kỳ họp. Ảnh Tố Tuấn

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, trong phiên họp buổi sáng 20.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình kỳ họp, sáng 22.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Trước đó, trong thời gian giữa hai đợt họp của kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, trong đó đề ra nội dung quan trọng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Đây là một trong những nội dung quan trọng luôn được Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận, cũng như sự quan tâm đặc biệt của cử tri trong cả nước.

Công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày được tăng cường

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thông qua tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời 69/69 kiến nghị; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Phát biểu tại kỳ họp này, Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho rằng, trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Quốc hội, sự chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tịch cực.

Bên cạnh đó, nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ,các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại kỳ họp, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐQBH tỉnh Tây Ninh cho biết, đối với nội dung giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, các bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực trong trả lời, giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.

Trước đó, tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri của Quốc hội ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên.

Theo đó, phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được của công tác dân nguyện trong năm 2022, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng.

Thông qua hoạt động này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở Trung ương và địa phương theo dõi, đôn đốc và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đối với 1.003 vụ việc phức tạp, kéo dài được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp lập danh sách để rà soát; 150 vụ việc cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ báo cáo năm 2022;

104 vụ việc phức tạp, đông người được kiến nghị tại báo cáo dân nguyện hằng tháng; 5.358 kiến nghị cử tri được gửi đến kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5; 1.009 kiến nghị được Chính phủ, Bộ ngành tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết nêu tại báo cáo kỳ trước để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp định kỳ hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đặc biệt, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân.

Việc thường xuyên đôn đốc, theo dõi và giám sát các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri dưới nhiều hình thức mới, quyết liệt như phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội để cùng giám sát, đánh giá chất lượng, công khai nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành để Nhân dân cùng giám sát đã mang lại hiệu quả, thúc đẩy trách nhiệm giải quyết của các cơ quan.

Chất lượng các Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình bày trước Quốc hội đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể về việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành, khắc phục được hiện tượng nể nang, né tránh, kiến nghị chung chung, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, sai sót cũng như chất lượng của việc trả lời cử tri của từng Bộ, ngành cụ thể.

Quốc hội đánh giá cao công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ghi nhận sự tích cực, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý của nhà nước, góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân cả nước.

Phát biểu về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp các nhóm vấn đề về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân; đồng thời kiến nghị những nội dung lớn liên quan đến các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về kinh tế xã hội hay những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh… được các đại biểu Quốc hội và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đây là cơ sở giúp Quốc hội xem xét trước khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái và các đại biểu dự họp hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại điểm cầu Tây Ninh. Ảnh Tố Tuấn

Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri

Liên quan đến nội dung này, Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 cho biết,  sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về nội dung hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tại phiên họp hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, chú trọng giám sát các vụ việc cụ thể.

Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cần tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, theo dõi, giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đối với công tác dân nguyện thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách và hằng tháng gửi báo cáo về Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc, các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát.

Đức Tiến