Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
Thứ năm: 23:45 ngày 06/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 6.7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghị do bà Trương Thị Mai- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Trần Lưu Quang- Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia; Đại tướng Tô Lâm- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Ngày 4.9.2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. N

gày 25.3.2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW tới các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và các tỉnh uỷ, thành uỷ. Các địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai chỉ thị đến các cấp uỷ đảng trực thuộc bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, việc ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là một nhiệm vụ chính trị cam go, quyết liệt, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đòi hỏi Đảng phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Chỉ thị đã được Chính phủ, các cấp uỷ Đảng, Uỷ ban Trung ương MTTQVN, các bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc đến các chi bộ, đảng viên và toàn dân, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, thực hiện có hiệu quả. Các cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành đã xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, cần phải huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang- Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn còn nhiều khó khăn... tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ chính trị cam go, quyết liệt (ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông có mặt còn hạn chế. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt.

Có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25.5.2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi một số nội dung trọng tâm về những sáng kiến đổi mới, giải pháp thiết thực để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông…

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT. Phải nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao, phải càng gương mẫu. Có như vậy mới có thêm động lực, tạo thêm thuận lợi cho TTATGT, đáp ứng đủ yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Trương Thị Mai- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị phải tiếp tục quyết tâm, có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, yêu cầu đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại bình yên, bảo đảm sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân.

Những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 23-CT/TW cần phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán- nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bà Trương Thị Mai mong rằng các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp uỷ Đảng, tổ chức Đảng, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, nêu cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, vận động xã hội cùng nhau xây dựng đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, trong đó yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm và gương mẫu trước nhân dân.

Các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân, phải toàn tâm, toàn ý để mang lại hiệu quả trong quá trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phương Thảo

Từ năm 2012-2022, toàn quốc xảy ra 190.020 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người. So với 10 năm trước, giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 187.073 vụ tai nạn giao thông (chiếm 98,4%); đường sắt xảy ra 2.171 vụ (chiếm 1,14%); đường thuỷ nội địa xảy ra 776 vụ (chiếm 0,4%).

 

Tin cùng chuyên mục