BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng lương tối thiểu: Phù hợp lộ trình và kích cầu trực tiếp

Cập nhật ngày: 09/04/2009 - 02:01

8 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Việc Chính phủ quyết định tăng mức lương tối thiểu chung và tăng lương hưu trợ cấp từ ngày 1.5.2009 không chỉ phù hợp với lộ trình cải cách chế độ tiền lương mà trong bối cảnh hiện nay còn có nhiều ý nghĩa quan trọng như kích cầu trực tiếp, đảm bảo an sinh xã hội.

Trao đổi với báo chí về cơ sở của việc điều chỉnh lương tối thiểu, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do tình hình kinh tế năm 2008 có nhiều khó khăn, chúng ta đã điều chỉnh lương đối với người có thu nhập thấp, người có công với cách mạng, người đã nghỉ hưu. Lần này, chậm hơn 8 tháng, chúng ta mới bắt đầu thực hiện điều chỉnh lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, với chủ trương ưu tiên người có công với cách mạng, người thu nhập thấp và hưu trí, Chính phủ đã có sự điều chỉnh hợp lý, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Trước việc tăng 20% mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức trong khi chỉ tăng thêm 5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích, trước đó, đối tượng cán bộ xã nghỉ việc đã được điều chỉnh tăng 15% như vậy mức độ tăng lương của đối tượng này sẽ cao hơn bởi mức tăng 5% lần này được tính trên mức đã được điều chỉnh tăng.

Nhiều người quan tâm đến việc ngân sách của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Chính phủ tính đến trong lộ trình điều chỉnh lương như về mức tăng, thời điểm tăng, quỹ lương. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 được Quốc hội thông qua đã bao gồm khoản điều chỉnh lương này.

Về phía doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện điều chỉnh lương đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước khác. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mức tăng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp do tăng lương không lớn mà chủ yếu tác động đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, mất việc và các khoản khác. Trong khi đó, tiền lương thực tế phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khoảng 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến 46 triệu lao động trên cả nước nên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, tăng lương không thể làm tăng giá. “Thực ra, mức tăng lương này chỉ bù đắp được 1 phần tương đương mức trượt giá của năm 2008”, Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, việc điều chỉnh lương tối thiểu không ảnh hưởng đến tình trạng mất việc làm, một vấn đề chủ yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, điều chỉnh lương tối thiểu là việc quốc gia nào cũng phải làm đề bù đắp cho tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và một phần cho trượt giá.

Với quyết định điều chỉnh lương tối thiểu, cùng những giải pháp xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người lao động bị mất việc, thất nghiệp… đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động trong hoàn cảnh cả nước cùng chung sức vượt qua khó khăn thời khủng hoảng.

Làm thế nào để hỗ trợ cho những người lao động, người nghèo, người thu nhập thấp và những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội vẫn là vấn đề mà Chính phủ đang quan tâm. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà các gói kích cầu hướng đến.

Đây là phương pháp kích cầu thẳng vào người tiêu dùng mà không phải trích kinh phí từ gói kích cầu. Điều quan trọng là các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần vì lợi ích chung, tránh tình trạng "tát nước theo mưa" rồi tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý để trục lợi, một hành động gây ra tác động ngược với chủ trương tốt đẹp của Chính phủ.

(Theo chinhphu.vn)


 
Liên kết hữu ích