Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế
Thứ bảy: 06:18 ngày 09/11/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 8.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 8.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. 

Tại phiên thảo luận,  các ý kiến tập trung vào những nội dung như: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế; vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; cơ chế tài chính để mở rộng diện thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; phương thức chi trả và thanh  quyết toán chi phíkhám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; công tác giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; bảo hiểm y tế tự nguyện; việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; quản lý, cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo hiểm y tế; vấn đề khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến; trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế...

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Các đại biểu đánh giá, từ khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực năm 2009, bảo hiểm y tế ở nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm ngày càng cao, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện tốt hơn. Chính sách Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân khi ốm đau có nguồn tài chính chi trả, tránh bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn. 

Các đại biểu cũng đánh giá cao, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nhưng đã có gần 70% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế, với phần đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu bảo biểm y tế, tạo nền móng quan trọng để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Quỹ bảo hiểm y tế từ chỗ bị bội chi, đến năm 2012, đã cân đối và có kết dư gần 13 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012 vẫn còn nhiều tồn tại khiến số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện có xu hướng giảm.

Nhiều đại biểu chỉ ra nguyên nhân đối tượng tự nguyện chưa nhiệt tình tham gia bảo hiểm y tế là do chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được nâng cao; quyền lợi của người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế chưa được đảm bảo; thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn rườm rà. 

Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) đề nghị, cần chú trọng nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư phương tiện kỹ thuật, nâng cao y đức của đội ngũ y, bác sỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo sức hút với người dân. Đại biểu Đào Xuân Yên cho rằng: Phải quan tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới; chăm lo công tác y tế dự phòng, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; đổi mới cơ chế tài chính theo hướng giảm chi phí cho người dân; điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp với nội dung đầu tư và khả năng chi trả của người bệnh.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, cần sớm xây dựng, xác định rõ, minh bạch gói quyền lợi của người dân khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; theo đó, tăng thêm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, một số vi phạm về y đức, lợi dụng việc khám chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế để trục lợi đã gây sụt giảm niềm tin của người dân trong việc tham gia bảo hiểm y tế. Tình trạng quá tải trong khám chữa bệnh bảo hiểm cũng là nguyên nhân làm giảm sút y đức, giảm chất lượng khám chữa bệnh. 

Theo báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, khoảng 80% trường hợp quá tải là ở tuyến bệnh viện trung ương và các bệnh viện tỉnh, thành phố. Một số bệnh viện tuyến huyện phải sử dụng 50%, thậm chí trên 70% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để chi trả cho khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến.
 
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) nêu thực tế: Vấn đề y đức là điều rất nhiều người dân ở nhiều nơi phản ánh khi đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đánh giá một cách sâu sắc thì nguyên nhân của những vấn đề phản ánh có phần do quá tải. Mỗi bác sỹ phải khám trung bình từ 60 - 80 bệnh nhân một ngày, phần do phải khám, chữa bệnh ở phòng khám tư nhân, phần do thái độ cửa quyền ban ơn của đội ngũ cán bộ y tế. Quy định việc thực hiện chuyển tuyến bệnh nhân hiện nay theo thứ tự từ nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu lên từng bậc bệnh viện tuyến trên có nhiều thủ tục không cần thiết, đã tác động tiêu cực đến việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.

 

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường 


Nhiều đại biểu cho rằng, khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng phần nào do dân chưa tin tưởng vào trình độ chuyên môn, cơ sở kỹ thuật khám chữa bệnh tuyến dưới.
 

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, con người, trình độ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Có như vậy mới có thể giảm tải được ở các bệnh viện tuyến trên. Đại biểu Bùi Thị An đề nghị: Bảo hiểm y tế phải đặt đúng vị trí là y tế dự phòng. Sự quá tải chẳng qua là chúng ta làm công tác dự phòng chưa tốt ở tuyến dưới. Tuyến dưới cơ sở vật chất không tốt, trang thiết bị cũng không tốt, không có cơ chế để thu hút y, bác sỹ nên ai cũng khao khát để trở về tuyến trên. Tôi cho rằng, Nhà nước nên đầu tư tập trung cho tuyến dưới và dùng tiền ngân sách đối với tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa để giảm tải. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, tuyến dưới làm tốt thì sẽ bớt cho Bộ Y tế rất nhiều.

Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng trong diện bắt buộc đóng bảo hiểm là người lao động ở các doanh nghiệp và hợp tác xã cũng được các đại biểu đặt ra. 

Theo đó, số người đóng bảo hiểm trong các doanh nghiệp mới đạt trên 50%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt khoảng 30% càng làm khó khăn thêm việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trong những năm tới. Về nguyên nhân của tình trạng này, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, vấn đề giám sát, kiểm tra cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động ở khu vực các doanh nghiệp còn chưa được chú trọng. Việc xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm y tế của chủ doanh nghiệp cũng còn thiếu chế tài, làm chưa tới nơi, tới chốn. 

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị: Chúng ta mới đôn đốc, nhắc nhở những doanh nghiệp chưa thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, chứ chưa có giải pháp mạnh. Đây là điều mà trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sắp tới, chúng ta cần nêu ra để xử lý hiệu quả hơn.

Nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc khi việc sử dụng nguồn lực quỹ bảo hiểm y tế còn bị lãng phí do tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, có người được cấp đến 5 thẻ bảo hiểm y tế là điều khó chấp nhận. 

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội: giai đoạn 2009 - 2012, qua rà soát tại 42 tỉnh, thành phố đã phát hiện gần 800.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỷ đồng. 

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, đó là do có sự lỏng lẻo trong quản lý thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, ngành nào cũng cấp bảo hiểm y tế cho ngành đó, dẫn đến trùng lắp trong cấp phát thẻ, rất lãng phí. 

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, thẻ bảo hiểm y tế tới đây cần dán ảnh; đề nghị sử dụng công nghệ thông tin trong cấp phát thẻ, liên thông trong cả nước. Mỗi người chỉ có một mã thẻ bảo hiểm y tế để tránh lợi dụng, đồng thời thông suốt dữ liệu cho bệnh nhân. 

Các đại biểu cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần có quy định cụ thể trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh và xã hội, của chính quyền địa phương trong quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho một số đối tượng do ngân sách đảm bảo...

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 trước khi trình Quốc hội ra Nghị quyết về nội dung này./.

Theo Báo điện tử ĐCS

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục