Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng sức “đề kháng” của tuổi trẻ trước các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội

Cập nhật ngày: 24/06/2022 - 00:29

BTNO - Hầu hết đội ngũ cán bộ, ĐVTN đã hoặc đang sử dụng các trang mang xã hội như facebook, zalo… Nó trở thành những phương tiện liên lạc, kết nối cộng đồng hiệu quả với nội dung đa dạng, phong phú trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong quân đội là 1 vấn đề có tính chất quyết định đến sự phát triển vững mạnh của quân đội ta. Trong đó, quản lý tốt việc khai thác, sử dụng các nguồn thông tin trên mạng xã hội của đội ngũ cán bộ, ĐVTN giữ vị trí quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc; bảo đảm chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Mạng xã hội: con dao 2 lưỡi

Cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, ĐVTN trong quân đội phải có sự phát triển toàn diện, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, lối sống lành mạnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Trong bối cảnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống intenet toàn cầu, các trang mạng xã hội, báo điện tử… có tác động rất lớn đến đội ngũ cán bộ, ĐVTN trong việc tiếp cận, sử dụng các nguồn thông tin trong công tác và đời sống thường ngày.

Hầu hết đội ngũ cán bộ, ĐVTN đã hoặc đang sử dụng các trang mang xã hội như facebook, zalo… Nó trở thành những phương tiện liên lạc, kết nối cộng đồng hiệu quả với nội dung đa dạng, phong phú trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Đồng thời, mạng xã hội là một trong những cách tốt nhất để giới thiệu bản thân đến tất cả mọi người, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ quan điểm cá nhân, tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của mình, gặp gỡ và giao lưu với tất cả mọi người trên thế giới.

Bên cạnh đó, mạng xã hội là kênh chuyển tải thông tin nhanh chóng, cập nhật tin tức, kiến thức cho công chúng; là nguồn tin phong phú, đầu tiên và đa chiều; là nơi chia sẻ thông tin rộng rãi giúp mọi người có nhiều cơ hội để khai thác thông tin thuận lợi, có tốc độ lan truyền nhanh chóng... Có thể nói, mạng xã hội trở thành diễn đàn thể hiện chức năng phản biện xã hội, phục vụ tốt cho các hoạt động của con người nói chung và đối với cán bộ, ĐVTN trong quân đội nói riêng.

Tuy nhiên, mạng xã hội được ví như con dao 2 lưỡi, ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm hoạ khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn có vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc.

Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.

Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật đã gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi truỵ, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…

Trong khi đó, khá nhiều người lựa chọn mạng xã hội là nơi để bày tỏ quan điểm về người khác, nói xấu, công kích, miệt thị người khác, thậm chí đưa thông tin sai lệch để vùi dập.

Nhiều thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus… Bên cạnh đó, có những thông tin sai trái như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới; bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực.

Tác hại của những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội do các thế lực tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hệ luỵ của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, đặc biệt thế hệ trẻ là những người trực tiếp sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Đoàn viên, thanh niên phải bản lĩnh, tỉnh táo

Trước thực trạng này, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, Chi đoàn Đồn biên phòng Phước Chỉ nêu rõ một số biểu hiện và giải pháp phòng, ngừa.

Theo đó, để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, ĐVTN có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, lối sống lành mạnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững trận địa, tư tưởng của Đảng trong Quân đội, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết, mỗi đồng chí cán bộ, ĐVTN phải xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm tư tưởng công tác; xác định tốt vai trò, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ; chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết của đảng, mệnh lệnh của người chỉ huy; không hoang mang, dao động trước mọi khó khăn, thử thách, diễn biến tình hình; không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối của các thế lực thù địch; sử dụng trang mạng xã hội đúng mục đích, có quan điểm chính trị rõ ràng; không kết nối, theo dõi, chia sẻ các nội dung mang tính chất phản động; tiếp nhận và sử dụng các thông tin trên mạng xã hội, phải có tính chọn lọc; tích cực đấu tranh phản bác những qua điểm, bài viết xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.

Cấp uỷ chỉ huy các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, định hướng và quản lý tư tưởng chặt chẽ đội ngũ cán bộ, ĐVTN; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng trong đơn vị; thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, khai thác sử dụng intenet trong quân đội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện, hành vi vi phạm.

Các đơn vị thường xuyên quán triệt, giáo dục về mặt tích cực cũng như tiêu cực trong sử dụng mạng xã hội cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận diện được các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của của các trang mạng, bài viết mang tính bịa đặt, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội; tạo ra các sân chơi lành mạnh bổ ích trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, thu hút sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ, duy trì nghiêm các chế độ nề nếp chính quy, quản lý việc sử dụng điện thoại đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhân cách quân nhân theo chuẩn mực bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới; chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo ra khí thế, thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị.

An Khang

(trích lược từ văn kiện đại hội)