Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động lên 6 tháng
Thứ ba: 03:16 ngày 22/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Điều này nhằm đảm bảo sức khoẻ của lao động nữ và để các chị em có thêm thời gian chăm sóc con cái.

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, sáng 22.11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về đảm bảo mức lương và quyền lợi của người lao động; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ.

Đại biểu Quốc hội họp bàn về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Nhiều lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản 4 tháng đến cơ quan làm việc phàn nàn là con còn nhỏ không biết gửi cho ai và vẫn cảm thấy mệt mỏi khi làm việc. Để đảm bảo sức khoẻ tái sản xuất cho lao động là nữ và có thêm thời gian chăm sóc con cái, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ sẽ giúp cho người mẹ có thêm thời gian chăm sóc con nhỏ, đứa trẻ có thể cứng cáp hơn để người mẹ đi gửi nhà trẻ và yên tâm đi làm.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) kiến nghị: Nên tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng. Riêng đối với lao động nữ làm việc ở những môi trường độc hại thì cũng nên tăng thêm thời gian nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con.

Liên quan đến thời gian nghỉ của người lao động, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ Tết, nghỉ lễ cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình để tái sản xuất sức lao động.

Đảm bảo tiền lương, lợi ích của người lao động

Người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tiền lương và mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đó là đề nghị của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên).

Theo quan điểm của đại biểu, doanh nghiệp sử dụng lao động cần có trách nhiệm đảm bảo tiền lương, quan tâm, chia sẻ đến điều kiện sống của lao động. Đây cũng là yếu tố duy trì uy tín của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.

Trong thời gian qua, ở một số tỉnh, thành có những cuộc đình công của người lao động. Nguyên nhân là do người lao động yêu cầu doanh nghiệp cần đảm bảo mức lương, bảo hiểm xã hội, giảm giờ làm…

Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Những cuộc đình công diễn ra chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân do sự bất đồng với tiền lương, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc… Để giải quyết vấn đề này, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp phải là đầu mối thương lượng và gắn kết để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động; cần có sự thương lượng tập thể giữa cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động thông qua tổ chức công đoàn.

“Kết quả của sự thương lượng phải được thực hiện bằng văn bản. Nếu không giải quyết thì đình công sẽ diễn ra trên diện rộng” - đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) chia sẻ.

Đại biểu Lê Thành Nhơn (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm: Tại các địa phương nên có hội đồng hòa giải ở cơ sở. Đây sẽ là cầu nối để doanh nghiệp và người lao động có tiếng nói chung trong giải quyết những vấn đề nổi cộm về tiền lương, chế độ lao động; khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn cho người lao động.

Theo Vietnamnet

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục