BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạo cơ chế quản lý phù hợp khi bước vào thời kỳ bùng nổ tần số VTĐ

Cập nhật ngày: 15/06/2009 - 05:52

Chiều 15.6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự Luật Tần số vô tuyến điện, các ý kiến tập trung vào các cơ chế quản lý hiệu quả sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hiện nay.

Đại biểu Quốc hội họp tại tổ về dự Luật Tần số vô tuyến điện

Trước thực trạng hiện nay, nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tài nguyen tần số vô tuyến điện ngày càng trở nên khan hiếm, các ý kiến thảo luận đều cho rằng, công tác quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện đang bộc lộ nhiều tồn tại. Công tác quy hoạch tần số phụ thuộc nhiều vào hiện trạng làm hạn chế tốc độ triển khai ứng đụng công nghệ mới, đẩy nhanh số hoá truyền hình. Việc ấn định, cấp phép tần số vô tuyến điện vẫn nặng về cấp phát, xin cho, đòi hỏi phải có những hình thức quản lý, cấp phép mới, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế và viễn thông quốc tế. Vì vậy, việc đổi mới, tạo sự hoàn thiện về cơ chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp mới, có tính quốc tế hóa cao này đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế với các tiêu chí: Minh bạch hoá các chính sách quản lý, thi tuyển, đấu giá để cấp phép tài nguyên tần số vì lợi ích toàn dân và phù hợp với cam kết quốc tế, qui định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, xác định rõ hơn trách nhiệm các Bộ, ngành trong công tác quản lý tần số.

Đa số các ý kiến đại biểu đều quan tâm, đề cập tới quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, mong muốn, cần bổ sung các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số VTĐ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh. Liên quan tới chính sách này, vai trò của Ủy ban tần số vô tuyến điện với chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp hoạt động quản lý và sử dụng tần số VTĐ giữa các cơ quan, giữa các lĩnh vực dân sự, an ninh, quốc phòng, vị trí và vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, của Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện cũng được thảo luận, góp ý kỹ.

Một số ý kiến cũng đề cập những vấn đề được dư luận quan tâm như bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện, nhất là quy định bắt buộc các cơ quan chức năng cần công bố, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn bức xạ VTĐ, ban hành danh mục các đài VTĐ bắt buộc kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ, quy định thủ tục và chỉ định các tổ chức kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ đối với các đài VTĐ trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Tương tự, vấn đề được các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tần số vô tuyến điện quan tâm là quy định về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số. Đây là điểm mới trong trường hợp các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cụ thể về băng tần đấu giá. Về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có quy định quản lý chặt chẽ kho tần số để hạn chế việc đầu cơ tần số, đăng ký dải tần mà không đưa vào khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả.

Đến nay, số thuê bao di động đã lên tới 70 triệu thuê bao, gấp gần 7 lần số thuê bao điện thoại cố định. Số lượng các tuyến vi ba truyền dẫn dùng cho các mạng viễn thông cũng tăng 10 lần so với năm 2004. Số lượng các đài phát thanh, truyền hình được cấp phép sử dụng tần số đến quý I/2008 là hơn 2.200 đài, gấp 3 lần năm 2000 chưa kể hàng ngàn các hệ thống truyền thanh không dây đang được sử dụng tại các phường, xã trong cả nước. Tháng 4/2008, vệ tinh viễn thông Vinasat-1 được đưa vào sử dụng, đánh dấu mốc quan trọng trong việc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

(Theo chinhphu.vn)