BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh vươn lên tầm cao mới

Tạo đà phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Cập nhật ngày: 03/09/2016 - 11:24

Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chung của nền kinh tế thế giới và trong nước nhưng giai đoạn 2005 – 2010, Tây Ninh tiếp tục nỗ lực đưa nền kinh tế phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; lợi thế trong từng ngành, lĩnh vực được phát huy, khai thác tốt hơn.

Giai đoạn 2005 – 2010, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 14%; GDP bình quân đầu người đạt 26.410.000 đồng, tương đương 1.390 USD. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GDP tương ứng 27,5% - 28% - 44,5%.

So với những năm trước, hoạt động tài chính, tín dụng giai đoạn này cũng có bước phát triển quan trọng. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực. Hợp tác phát triển được mở rộng; môi trường đầu tư được cải thiện ngày càng thông thoáng hơn. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 16,8%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân hằng năm 21,5%. Hoạt động tài chính, tín dụng có bước phát triển quan trọng. Kinh tế nhiều thành phần được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển cả về quy mô và chất lượng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư.

Giai đoạn 2005 – 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 2.939 triệu USD, tăng bình quân hằng năm 21,8%, bằng 108,8% kế hoạch. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước 5 năm đạt 1,9 tỷ USD. Khu công nghiệp Trảng Bàng cơ bản được lấp đầy với 160 dự án, tổng vốn đầu tư tương đương 570 triệu USD. Tỉnh cũng tập trung quy hoạch 8 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp. Trong đó, ngoài Khu công nghiệp Trảng Bàng đã được lấp đầy; tỉnh cũng triển khai 3 khu công nghiệp mới là Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (2.850 ha), Khu công nghiệp - dịch vụ Bourbon - An Hoà (1.020 ha) và Khu công nghiệp Chà Là (200 ha). 

Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh giai đoạn 2005 – 2010 là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các trục giao thông quan trọng như: quốc lộ 22B, các tuyến đường nối Thị xã đến trung tâm các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu; phối hợp triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh); triển khai xây dựng đường đến trung tâm huyện Bến Cầu, Trảng Bàng (giai đoạn II), đường đến Khu công nghiệp - dịch vụ Bourbon - An Hoà (787); làm mới 112,4km đường Thị xã, thị trấn, cụm xã, đường phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cửa khẩu; 317km đường giao thông nông thôn…

Giai đoạn này, Tây Ninh cũng cơ bản hoàn thành dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng; kiên cố hoá 221,3km kênh mương; hoàn thành 3 trạm bơm (Bến Đình, Long Hưng, Hoà Thạnh); xây dựng 220km đường dây trung thế, 722km đường dây hạ thế và 423 trạm biến áp các loại, dung lượng 12.862,5kVA…

Trong giai đoạn 2010 - 2015, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Tây Ninh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi, nhất là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đầu tư công bị cắt giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sự biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, dịch bệnh, thiên tai... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và quỹ tín dụng đã góp phần quan trọng giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Giai đoạn 2010 – 2015, tổng sản phẩm tăng bình quân hằng năm 10,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.630 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá: nông – lâm – thuỷ sản chiếm 28%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36%; dịch vụ chiếm 36%. Tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất. Chăn nuôi được duy trì ổn định.

Giai đoạn này, tỉnh cũng giải quyết xong về cơ bản tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích; công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm đạt một số kết quả tích cực. Đáng chú ý là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng bước đầu, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 20% số xã của toàn tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân từng bước được cải thiện.

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 tạo được ấn tượng tích cực khi mức tăng trưởng bình quân hằng năm 17,7%. Sản xuất công nghiệp có bước phục hồi sau suy giảm, phát triển đa dạng về ngành nghề. Hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được quan tâm. Các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính phù hợp, khắc phục một bước tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, tạo điều kiện ổn định sản xuất và cuộc sống của người dân. Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung III, Khu công nghiệp Chà Là (giai đoạn 1) cơ bản được lấp đầy; Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu công nghiệp Thành Thành Công thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển.

Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2010 – 2015 đạt 3,2 tỷ USD, trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 2,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2010 – 2015 đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm 23,4%. Hệ thống thương mại được mở rộng. Trong giai đoạn này, tỉnh xây dựng và đưa vào sử dụng 4 siêu thị; xây dựng, cải tạo, nâng cấp 16 chợ.

Đáng chú ý là ngành “công nghiệp không khói” được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch như Long Điền Sơn, Bàu Cà Na, Ma Thiên Lãnh, hồ Dầu Tiếng; xây dựng mới hệ thống cáp treo núi Bà Đen để khai thác hiệu quả hơn, giúp cho doanh thu du lịch tăng bình quân 13,2%/năm. Hoạt động tài chính - tín dụng chuyển biến tích cực. Hệ thống ngân hàng phát triển nhanh với sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú, nhiều tiện ích; quy mô, chất lượng tín dụng tăng…

Trong giai đoạn này, tỉnh cũng triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh. Chương trình đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thuỷ lợi… được chú trọng đầu tư; hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa hình thành và phát triển.

Có thể nói, từ năm 2005 đến 2015, nhất là những năm 2010 – 2015, những nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, là điểm nhấn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về cơ bản, Tây Ninh đã hình thành các trục giao thông chính kết nối được các tỉnh lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Long An; kết nối trung tâm các huyện về thành phố Tây Ninh và từ vùng nguyên liệu về các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đường tỉnh bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân và các yêu cầu, nhiệm vụ khác. Hệ thống đường huyện đang từng bước được nhựa hoá. Đối với hệ thống đường xã, tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá tuy còn thấp nhưng đang được từng bước đẩy nhanh tiến độ cứng hoá, nhựa hoá theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống cầu trên đường tỉnh quản lý phần lớn đã được đầu tư nâng cấp, làm mới, gia tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân. Tất cả 9 huyện, thành phố và 95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có đường ô tô đến trung tâm huyện, xã. Trong giai đoạn 2010 - 2014, trên toàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở mới trên 986km đường giao thông (126,3km đường tỉnh, trên 200km đường huyện, trên 660km đường xã). Trên các tuyến đường tỉnh cũng đã được xây mới 12 cây cầu; trên đường huyện, đường xã được xây mới 6 cây cầu; sửa chữa 11 cầu trên đường tỉnh và 14 cầu trên đường huyện. Giai đoạn này, Tây Ninh đầu tư kinh phí gần 3.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông.

Theo Sở Giao thông - Vận tải Tây Ninh, đến nay, toàn tỉnh có mạng lưới đường bộ hơn 8.186km, gồm 2 tuyến quốc lộ; 40 tuyến tỉnh lộ; 228 tuyến huyện lộ; 266 đường trục chính; 2.648km đường xã; 3.387km đường ấp, xóm, nội đồng. Trong giai đoạn 2011 – 2015, vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư 33 dự án với tổng kinh phí hơn 1.333 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2016, các dự án trọng điểm đã và đang phát huy tác dụng tích cực; tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương được khai thác tốt hơn, tạo bước đột phá quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững; tạo chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo bước đột phá về kinh tế biên mậu, du lịch. Đồng thời, tỉnh thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp tinh chế sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

Song song đó, Tây Ninh cũng đang nỗ lực thực hiện hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh… Tỉnh đã và đang tập trung đầu tư tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Giai đoạn 2015 – 2020, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống quê hương trung dũng kiên cường, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua, hăng say lao động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững; xây dựng nền tảng để sớm đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

ĐÌNH CHUNG


Liên kết hữu ích