BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạo điều kiện hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển

Cập nhật ngày: 06/04/2010 - 05:55

Đồng chí Trương Tấn Sang: Những quan điểm đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của KTTN.

Ngày 6.4, Hội nghị sơ kết Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân được tổ chức dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang và Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Đóng góp quan trọng của KTTN

Theo tổng kết của Văn phòng Trung ương Đảng, trong 8 năm thực hiện Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hơn 20 luật có liên quan, nhiều nghị định và đưa được nhiều nội dung của Nghị quyết vào cuộc sống. Một số địa phương đã chủ động có những cơ chế, chính sách sát với tình hình thực tế của địa phương nhưng vẫn bảo đảm trong khuôn khổ pháp luật để thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển nhanh.

Tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước từ khu vực KTTN cũng tăng từ 6% (năm 2002) lên trên 11% (năm 2008). Năm 2008, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào GDP gần 47%, trong đó có phần đóng góp quan trọng của KTTN; một số địa phương tỉ lệ này còn cao hơn như TP Hồ Chí Minh là 51,4%, Cần Thơ là gần 73%; giải quyết trên 5 triệu việc làm mới, bình quân 800 ngàn lao động/năm, chiếm 50% lao động tăng thêm của cả nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, DNTN hiện nay năng động, sáng tạo, hoạt động ngày càng có hiệu quả và là một trong những đội quân chủ lực, là động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước.

Đội ngũ doanh nghiệp vừa phải phát triển về số lượng và chất lượng theo hướng nền kinh tế được cơ cấu lại, “phấn đấu đến năm 2015, kinh tế tư nhân giải quyết được từ 15 – 20 triệu lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN phát triển, tạo cơ chế khuyến khích để DNTN có thể phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước và ngày càng đóng vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Tạo điều kiện hơn nữa cho KTTN phát triển

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, những quan điểm đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân ở nước ta.

Nghị quyết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đổi mới tư duy kinh tế, một bước tiến quan trọng trong tư tưởng giải phóng triệt để sức sản xuất của Đảng, tạo môi trường kinh doanh và tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Trương Tấn Sang, trong nhận thức của một bộ phận DNTN còn thiếu nhất quán, nhất là trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết. Trình độ phát triển nhìn chung còn thấp, công tác quản lý chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế chung của đất nước cũng như bản thân doanh nghiệp. Bởi vậy, để KTTN thực sự vững mạnh, các DNTN cần tích cực hơn nữa để chủ động vươn lên, xứng đáng với tiềm năng vốn có của mình.

Khẳng định các quan điểm, nội dung trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị cần tiếp tục được triển khai thực hiện, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đó là, cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và các ngành, các cấp về chủ trương nhất quán phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Bám sát các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới . Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm những quy định của nhà nước.

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu, cần rà soát cơ chế chính sách, tạo điều kiện hơn nữa cho KTTN phát triển. Ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp ở miền núi. Sớm bổ sung sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

Sớm có chương trình quốc gia về hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chương trình quốc gia về đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, trong đó chú trọng thoả đáng đối với doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý, cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.

(Theo chinhphu.vn)