Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tạo hình từ hoa trái quê hương
Thứ hai: 11:25 ngày 04/06/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bạn có tưởng tượng được không, trong lễ kỳ yên đình Gia Lộc rằm tháng 3 Nhâm Thìn (2012) vừa qua, có mâm trái cây cao đến 2,3m, rộng 1,1m và dài 1,4m.

Từng xem Hội yến Diêu trì cung của Hội thánh Cao Đài, với những gian trưng bày hoa quả phẩm vật rừng rực hương thơm, màu sắc. Vậy mà khi đến với lễ hội Kỳ yên ở các ngôi đình Trảng Bàng, Gò Dầu vẫn hết sức ngỡ ngàng trước những tác phẩm kết từ hoa, lá, trái cây dâng cúng tiền nhân.

Vâng! Lễ hội Cao Đài cũng có những tác phẩm kiểu này, như những mô hình long lân quy phụng, đặc biệt là những hình tượng chim thanh loan dang rộng cánh, chở trên lưng các vị tiên nương theo hầu đức Kim mẫu Diêu trì. Mô hình ấy cũng kết toàn bằng cây trái quê Tây Ninh ta, lại có thể chuyển động hợp lý và đẹp mắt. Tuy nhiên, có thể do nhiều và phong phú quá các kiểu sắp đặt trong một gian trưng bày, mà người xem chỉ thấy hoa mắt trước muôn màu hoa trái cùng các mùi hương. Vậy thì để thưởng thức tài năng của các nghệ sĩ dân gian, nâng giá trị mâm trái hoa lá cành của mình thành một tác phẩm nghệ thuật ở bậc “thượng thừa”, xin hãy đến với lễ hội kỳ yên các đình Gia Lộc, Thanh Phước hay An Hoà, An Tịnh. Bạn có tưởng tượng được không, trong lễ kỳ yên đình Gia Lộc rằm tháng 3 Nhâm Thìn (2012) vừa qua, có mâm trái cây cao đến 2,3m, rộng 1,1m và dài 1,4m. Tác phẩm này chỉ mô tả kỳ lân và chim phụng, mà nặng tới gần 1 tấn. Nghệ nhân chính là anh Trần Văn Thắng, thực hiện theo yêu cầu của một chủ tiệm vàng, thành kính dâng lên đức Thành hoàng đình Gia Lộc.

Tác phẩm kỳ lân và chim phụng, nặng gần 1 tấn do nghệ nhân Trần Văn Thắng thực hiện

Những tác phẩm loại này thường được nghệ nhân tạo dựng khối hình chung theo dáng núi. Ở đây, đá được xếp từ trái bưởi, gấc hoặc thanh long để tạo nên các màu nền phong phú. Trên đá có thác đổ nhờ kết bằng những đọt lá thơm non. Có một loài hoa trái khác cũng có tạo hình y như thác nước. Ấy là những chùm đủng đỉnh non có màu sáng tựa hoa cau. Khi hỏi đến, thì tác giả trả lời rằng đấy là tượng hình cho các loại dây leo rừng núi. Có thác, có đá và cây, ắt có bụi nước tung lên. Vậy thì ở chân núi có thêm bụi nước luênh loang trắng xoá. Đấy là nhờ thứ hoa cúc áo li ti màu trắng. Trên cái nền cơ bản này, tác giả mới sắp đặt, tạo nên những đôi chim phụng và ngọc kỳ lân vờn bay hoặc múa. Đây mới là các hình tượng chính. Phụng vểnh đuôi tạo đường nét cong phóng khoáng vẫy giữa khoảng không, bằng đôi cánh kết từ lá thiên tuế đậm xanh. Đầu chim phụng cực kỳ tinh tế kết bằng mấy loại bông nhỏ và ớt sừng trâu tươi màu vàng, đỏ. Điểm trang thêm vào những chiếc đầu và cổ giương cao nghiêng ngó, còn là những vệt màu nguyên kết từ các loại bông màu xanh, vàng, đỏ chen hồng. Phần điệu nghệ nhất của tác phẩm này lại không phải là chim phụng, đá núi và thác nước; mà có lẽ chính là ba chú ngọc kỳ lân vờn nhau trên phần ngọn núi. Mỗi chú mỗi màu: tím, đỏ, xanh. Tư thế khác nhau, chú rướn cổ, chú vểnh đuôi nhưng đều toát lên vẻ hiên ngang đắc thắng. Kỳ lân đỏ còn chờm hai chân trước ra khoảng không, như sắp sửa bay lên. Chỉ với màu sắc thôi, đã thấy cả một kỳ công: màu đỏ mình lân nhờ trái cà ri đỏ. Màu xanh lân xanh nhờ trái cà ri ửng màu đọt chuối xanh non. Các đường viền từ đậu đũa. Ngoài ra còn có sự gia giảm của cà pháo, cà tím hay cà độc dược, tỏi ớt tạo hình các chi tiết móng vuốt hoặc vây cực kỳ sinh động. Đặc biệt là đôi mắt nhấp nháy kia là nhờ một bóng đèn ẩn trong một trái cà.

Nếu như anh Thắng có thế mạnh về lân phụng, thì các nghệ nhân Phạm Văn Hội và Nguyễn Kim Hải lại rất thành công trong một đề tài phức tạp hơn là bộ Tứ linh. Một bố cục gồm cả rồng, phụng, lân, quy (rùa) có thể đã đạt tới tầm chuẩn mực. Đa số rồng được tạo hình vươn lên theo trục dọc. Khi là rồng xanh với vây lưng đỏ. Chỗ lại rồng trắng có vây viền quanh là những lưỡi lửa vàng, đỏ hoặc xanh cây. Không gian bao quanh gồm mây, đá núi hoặc những vì sao… Có những tác phẩm tạo hình toàn bằng lá, hoa, trái; nhưng cũng có những tạo hình từ vật liệu khô, cho toàn bộ tác phẩm nhẹ hơn và giá rẻ. Trong bộ tứ linh của các anh Hội, Hải còn có một con vật nhỏ nhưng không kém phần đặc sắc. Đấy là rùa. Giống như rùa thật, mà lại từ trái thốt nốt có màu vỏ tím làm mai; còn chân và đầu là những trái cà tím tươi và bóng lưởng.

Có hàng chục tác phẩm cầu kỳ, mỗi cái mỗi khác nhau như thế trong một lễ kỳ yên ở các ngôi đình Trảng Bàng hoặc Gò Dầu. Và những nghệ nhân cứ truyền đời, nối tiếp nhau thầm lặng. Để tác phẩm của hôm nay phải độc đáo hơn cái của ngày qua. Như anh Trần Văn Thắng, mới 34 tuổi nhưng cũng đã theo nghề được 22 năm có lẻ. Thầy của anh là bác Chín Đèo, quê Gia Lộc, Trảng Bàng.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cái gì đáng được tôn vinh, tất sẽ có lúc được vinh danh. Ấy là từ vài năm gần đây, các nghệ nhân xứ Trảng, xứ Gò đã đem tác phẩm của mình tham dự lễ hội trái cây Nam bộ, do thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Công viên Văn hoá Suối Tiên. Năm 2010, Nguyễn Kim Hải đoạt huy chương vàng với bộ Tứ linh; thì năm sau Ngọc kỳ lân lại đem về cho Trần Văn Thắng tấm huy chương vàng của một lễ hội có nghệ nhân đến từ khắp các tỉnh thành Nam bộ. Được biết trong lễ hội trái cây Nam bộ năm 2012, bắt đầu từ 1.6 tới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, các anh lại tiếp tục có tác phẩm dự thi.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục