Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo thêm động lực làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022. |
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022), thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh trên thế giới xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển được thúc đẩy, tuy nhiên, tình hình quốc tế có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ và thuận lợi. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, quyết liệt và toàn diện. Những điểm nóng xung đột tiếp diễn phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro. Thách thức an ninh phi truyền thống phức tạp hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương, trong đó có Ðông Nam Á, duy trì vị thế là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới và cũng là một trọng điểm cạnh tranh, tập hợp lực lượng của các nước lớn.
Đại hội XX của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022), đã đề ra đường lối chiến lược dài hạn phát triển đất nước Trung Quốc đến giữa thế kỷ XXI: Nhiệm vụ sứ mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới, hành trình mới là: hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai”, thúc đẩy toàn diện phục hưng dân tộc Trung Hoa bằng việc hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc.
Từ sau Ðại hội XX của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022), Trung Quốc cơ bản giữ ổn định chính trị và vai trò của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong xã hội; củng cố vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kinh tế Trung Quốc phục hồi ở mức tích cực; khoa học - công nghệ đạt thành tựu mới; tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh được duy trì và phát triển.
Trong hơn 10 năm qua, kể từ khi năm 2012, mặc dù chịu tác động của tình hình thế giới biến đổi nhanh, dịch COVID-19 bùng phát và áp lực đi xuống của kinh tế trong nước, song Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, chuyển sang phát triển chất lượng cao, giải quyết vấn đề nghèo tuyệt đối, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả đúng kế hoạch.
Nền kinh tế Trung Quốc về tổng thể vận hành ổn định, cơ cấu được cải thiện. Trong 10 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2022), GDP từ mức 70 nghìn tỷ NDT tăng lên hơn 100 nghìn tỷ NDT, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,2%. Tổng lượng GDP đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, từ 54.000 tỷ NDT (khoảng 8.500 tỷ USD) năm 2012 lên 114.000 tỷ NDT (khoảng 18.000 tỷ USD) năm 2022, tổng lượng kinh tế Trung Quốc chiếm tỷ trọng 18,5% kinh tế thế giới. Thu ngân sách tăng lên 20,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Sản lượng lương thực ổn định ở mức hơn 650 triệu tấn hàng năm. Giá trị gia tăng công nghiệp vượt 40 nghìn tỷ nhân dân tệ. Mỗi năm tạo ra thêm 12,7 triệu việc làm mới tại thành thị. Dự trữ ngoại hối ổn định ở mức trên 3 nghìn tỷ USD. Thực lực nền kinh tế Trung Quốc được nâng cao rõ rệt.
Gần 100 triệu người nghèo ở nông thôn đã thoát nghèo, toàn bộ 832 huyện nghèo trong cả nước đã gỡ bỏ chiếc mũ nghèo, hơn 9,6 triệu người nghèo đã thực hiện di dời tái định cư thoát nghèo. Tạo ra những đột phá mới trong một số lĩnh vực công nghệ cốt lõi quan trọng như tàu du hành vũ trụ có người lái, thám hiểm mặt trăng và sao hỏa, thăm dò biển sâu và nghiên cứu cấu tạo bên trong trái đất, siêu máy tính, định vị vệ tinh, thông tin lượng tử, công nghệ điện hạt nhân, sản xuất máy bay lớn và trí tuệ nhân tạo... Kinh phí của toàn xã hội đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng từ 2,1% lên hơn 2,5%; tỷ lệ đóng góp của tiến bộ khoa học và công nghệ đã tăng lên hơn 60%; năng lực sáng tạo hỗ trợ phát triển không ngừng được nâng cao.
Giá trị gia tăng của ngành chế tạo công nghệ cao và sản xuất thiết bị tăng lần lượt 10,6% và 7,9% hàng năm, kinh tế số tiếp tục lớn mạnh; giá trị gia tăng của ngành nghề mới, lĩnh vực mới, mô thức mới chiếm hơn 17% GDP. Chiến lược phát triển hài hòa giữa các vùng miền và chiến lược vùng trọng điểm được triển khai đi vào chiều sâu. Tỷ lệ đô thị hóa của dân số thường trú tăng từ 60,2% lên 65,2%.
Một số công trình thủy lợi lớn về phòng lũ chống hạn, dẫn và điều nước được khởi công xây dựng. Tổng chiều dài đường sắt cao tốc vận hành đã tăng từ 25.000 km lên 42.000 km; tổng chiều dài đường cao tốc đã tăng từ 136.000 km lên 177.000 km. Xây mới và cải tạo 1,25 triệu km đường bộ tại nông thôn. Các sân bay được xây mới có thể đón tiếp hơn 400 triệu lượt khách. Công suất lắp đặt phát điện tăng hơn 40%. Tất cả các thành phố cấp địa khu đã được phủ sóng cáp quang, tất cả các thôn hành chính đều được lắp đặt mạng Internet băng thông rộng.
Trung Quốc đi sâu cải cách mở cửa toàn diện để thúc đẩy xây dựng mô hình phát triển mới; đi sâu thực hiện cải cách kết cấu theo hướng trọng cung. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa theo năm tăng bình quân 8,6%, vượt mốc 40 nghìn tỷ NDT, đứng đầu thế giới trong nhiều năm liên tiếp, nằm ở top đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra bên ngoài.
Mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 8,1% và lượng khí thải carbon dioxide giảm 14,1%. Nồng độ trung bình của bụi mịn (PM2,5) tại các thành phố từ địa khu trở lên đã giảm 27,5% và số ngày bị ô nhiễm nặng đã giảm hơn 50%. Tỷ lệ nước mặt chất lượng cao trong phạm vi toàn quốc tăng từ 67,9% lên 87,9%. Thành lập đợt đầu tiên các công viên quốc gia, xây dựng hơn 9.000 khu bảo tồn thiên nhiên ở các cấp và các loại hình.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%. Số năm đi học trung bình của lực lượng lao động mới tăng từ 13,5 năm lên 14 năm. Số người tham gia bảo hiểm dưỡng lão cơ bản tăng thêm 140 triệu người, nâng tổng số người tham gia bảo hiểm này lên 1,05 tỷ người, mức độ bảo hiểm y tế cơ bản được nâng cao ổn định.
Hiện Trung Quốc là nước có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới với 220 ngành nghề có sản lượng đứng đầu thế giới; 11 năm liền dẫn đầu thế giới về giá trị gia tăng ngành chế tạo, chiếm gần 30% tỷ trọng toàn cầu; hơn 40% sản phẩm chế tạo của Trung Quốc có sản lượng lớn nhất thế giới; cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, chất lượng cao, đã xây dựng được hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại lớn nhất thế giới: dẫn đầu thế giới về đường bộ, đường sắt cao tốc, chiếm 2/3 thế giới.
Từ tháng 8/2023, kinh tế Trung Quốc có chuyển biến tích cực hơn, dù vẫn còn một số khó khăn nhất định: GDP Quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ. 09 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 5,2%, đạt 91,302 tỷ NDT (khoảng 12.507 tỷ USD). Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) 29/11 đưa ra dự báo GDP Trung Quốc cả năm 2023 tăng 5,2%, IMF cũng điều chỉnh dự báo GDP Trung Quốc năm 2023 sẽ đạt 5,4%.
Trung Quốc trở thành thị trường trái phiếu lớn thứ 2 thế giới, các tổ chức nước ngoài hiện nắm giữ 3,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (460,68 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc. Tiêu dùng phục hồi nhanh, trong tháng 10, doanh số bán lẻ tăng 7,6%, tiêu dùng dịch vụ biểu hiện tốt, đầu tư dự án tư nhân (không tính đấu tư bất động sản) tăng 9,1%.
Xuất nhập khẩu đã dần khôi phục, duy trì bình ổn vào cuối năm: xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm đạt 37,96 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5299 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 21,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (3015 tỷ USD), tăng 0,3%, nhập khẩu đạt 16,36 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2284 tỷ USD), tăng 0,6% so với cùng kỳ; riêng tháng 11 đạt 3,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (516,6 tỷ USD), tăng 1,2%. Thị trường bất động sản khó khăn: Trong 09 tháng đầu năm 2023, đầu tư bất động sản giảm 9,1% so với cùng kỳ.
15 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu.
Thời gian qua, quan hệ Việt - Trung tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, có những bước tiến triển mới, đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022) đã tạo xung lực mạnh mẽ để hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, tạo nền tảng thuận lợi đưa quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.
Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng. Đặc biệt, kể từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc tối ưu hóa chính sách phòng chống dịch COVID-19, giao lưu hợp tác trực tiếp giữa hai nước chính thức được khôi phục và đạt nhiều tiến triển tích cực.
Về quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra mật thiết, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ 3 do Trung Quốc tổ chức (tháng 10/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (tháng 6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam Ninh (tháng 9/2023); đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc (tháng 4/2023).
Trong các chuyến đi này, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều hoạt động tiếp xúc quan trọng, tiếp tục đưa ra những biện pháp lớn nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung quan trọng của hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.
Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính Hiệp cũng như giữa các Bộ, ngành quan trọng như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an…, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước đạt nhiều kết quả thực chất. Hai bên vừa tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (12/2023) với nhiều kết quả phong phú.
Hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 138,9 tỷ USD.
Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.
Về đầu tư, 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong), song dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 22,1%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; Trung Quốc đã triển khai cấp lại thị thực cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc.
Biên giới trên bộ Việt - Trung duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.
Trong vấn đề trên biển, hai bên đạt nhận thức chung về kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo thêm động lực làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Nguồn dangcongsan.vn