BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tập huấn công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc

Cập nhật ngày: 02/12/2011 - 11:37

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh (hàng đầu) tham dự hội nghị

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 2-3.12.2011, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP.HCM. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Vụ Báo chí- Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), lãnh đạo Tỉnh uỷ và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ các tỉnh phía Nam, báo, đài Trung ương và các tỉnh phía Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu nghiên cứu và nghe báo cáo về những nội dung trong công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, những kết quả và định hướng trong thời gian tới; tình hình biên giới đất liền, tình hình an ninh biên giới; kỹ năng tuyên truyền về biển, đảo và phân giới cắm mốc; công tác đối ngoại; tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới…

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại- Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Nghiêm nhận định công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trong thời gian qua mang lại hiệu quả tích cực, đúng định hướng. Chất và lượng thông tin ngày càng được nâng dần, tạo được sự đồng thuận trong dư luận trong nước, bước đầu thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận báo chí quốc tế. Có thể thấy, công tác tuyên truyền về biển, đảo của báo chí đã khích lệ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo chí trong nước đã thể hiện rõ cho dư luận trong nước và trên thế giới hiểu về lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông.

Lãnh đạo Cục Thông tin đối ngoại- Bộ TT&TT nêu một số định hướng về công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam trong thời gian tới: Phải làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thống nhất nhận thức, được thông tin rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc về thực trạng tranh chấp biển Đông, làm cho người dân hiểu rõ chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực biển Đông; khẳng định chính nghĩa, lập trường, quan điểm, thái độ của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong khu vực biển Đông; Việt Nam hết sức coi trọng việc gìn giữ hoà bình, ổn định cho đất nước và khu vực, kiên trì đàm phán hoà bình để giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; làm cho dư luận quốc tế hiểu rõ thực chất của các tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, thấy rõ lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới; Việt Nam có căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Đại biểu dự hội nghị

Báo cáo tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Tươi cho biết: Tuyến biên giới Tây Ninh giáp Campuchia dài 240 km, dự kiến cần phải xác định 101 vị trí mốc, xây dựng 110 cột mốc (1 mốc ba, 7 mốc đôi và 93 mốc đơn). Tính đến tháng 11.2011, Tây Ninh đã xác định được 89/101 vị trí với 98/110 cột mốc. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã xây dựng được 95 cột mốc. Về phân giới đường biên giới Việt Nam- Campuchia, tỉnh đã triển khai phân giới được 65/240km. Tây Ninh còn phải xác định 12 vị trí với 12 cột mốc.

Trong thời gian qua, sự phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị có liên quan từ hai phía Việt Nam- Campuchia trong việc phân giới, cắm mốc rất tích cực. Công tác tuyên truyền về phân giới cắm mốc tuyến biên giới được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan quan tâm. Do đó, người dân và nhất là nhân dân khu vực biên giới có nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa việc phân giới cắm mốc, góp phần thúc đẩy tiến độ phân giới cắm mốc biên giới đất liền ở địa phương.

BẢO TÂM