Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 9:
Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Thứ tư: 00:36 ngày 22/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 21.9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 bằng hình thức trực tuyến gồm các điểm cầu: Hội trường UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Phiên họp do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Võ Ðức Trong, Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến đồng chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Trong 9 tháng qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, làm tốt phương châm “4 tại chỗ” và các quy định giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm cung ứng kịp thời vật tư y tế, sinh phẩm chống dịch, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo từng cấp độ, diễn biến của dịch bệnh ở các địa bàn bị phong toả, giãn cách.

Bên cạnh đó, hướng dẫn thiết lập, quản lý “vùng xanh” phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh phù hợp với các vùng nguy cơ dịch bệnh; thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh.

Tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn 3 đợt tổng xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch, kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; phong toả chặt, xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan, nhất là các khu nhà trọ công nhân.

Ðẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine theo kế hoạch, ưu tiên đối với khu vực vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao và vùng nguy cơ cao, tính đến ngày 15.9, tỉnh đã tiêm 355.909/319.060 liều (trong đó, mũi 1 là 314.979 liều; mũi 2 là 40.930 liều), đạt 111,5% từ phân bổ của Bộ Y tế.

Tỉnh đã ban hành phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, áp dụng trong phạm vi các vùng xác định cấp độ dịch bệnh đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản nhằm duy trì và thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân duy trì và ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 376 khách hàng với dư nợ gốc là 93 tỷ đồng và 72 tỷ đồng tiền lãi. Luỹ kế đến nay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 899 khách hàng với dư nợ gốc là 1.999 tỷ đồng và 119 tỷ đồng tiền lãi (trong đó, có 23 doanh nghiệp với dư nợ gốc là 1.686 tỷ đồng và 115 tỷ đồng tiền lãi).

Cho vay mới cho 3.534 khách hàng với dư nợ là 8.277 tỷ đồng (trong đó, có 234 doanh nghiệp với dư nợ 5.507 tỷ đồng). Tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 80 tỷ đồng với 136 khách hàng.

Về lĩnh vực kinh tế, hoạt động xuất khẩu trao đổi, mua bán hàng hoá từng bước hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.975 triệu USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 3.630 triệu USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt 9.859 tỷ đồng và 649 triệu USD, trong đó, có 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới (58 dự án trong nước, 12 dự án nước ngoài), tăng 22 dự án so với cùng kỳ. Luỹ kế, có 976 dự án còn hiệu lực (339 dự án đầu tư nước ngoài và 637 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký 8.253 triệu USD và 98.330 tỷ đồng.

Tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng ước đạt 51.427 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 70.734 tỷ đồng, tăng 3,5% so đâu năm và tăng 11,3% so với cùng kỳ. Nợ xấu chiếm 0,5% tổng dư nợ.

Ước tổng thu NSNN trên địa bàn 7.538 tỷ đồng, đạt 71,8% dự toán - tăng 6,5% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 6.512 tỷ đồng, đạt 68,5% so dự toán (tăng 4,1% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách địa phương là 7.971 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán - giảm 2,3% so cùng kỳ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, trong 9 tháng năm 2021, phát triển KT - XH của tỉnh nổi lên 4 điểm sáng về thu hút đầu tư, kim ngạch xuất khẩu; thu ngân sách; trong hoạt động tín dụng ngân hàng, các chỉ tiêu về dư nợ, tín dụng, huy động vốn đều có tăng trưởng so với đầu năm và so cùng kỳ.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, ông Dương Văn Thắng nhấn mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, duy trì sản xuất là một trong những giải pháp trọng tâm. Ðây có thể xem là một trong những giải pháp gốc của các giải pháp, trong các nhóm giải pháp.

Các ngành, các lĩnh vực phải thực hiện hết sức đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thuế, tài chính ngân hàng… Tiếp tục quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp để trở lại bình thường. Về đầu tư công, giải ngân vốn, khẩn trương triển khai đồng loạt các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh và kèm theo giải pháp phòng, chống dịch bệnh tốt.

Ông Võ Ðức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhắc nhở các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh chuẩn bị cho các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành... Tất cả những quy hoạch này cần phải khớp với quy hoạch sử dụng đất.

Sản xuất lốp xe tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phước Ðông, Gò Dầu.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch. Ðây là yếu tố kiên quyết, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Tất cả các địa phương, hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế triệt để hơn, giữ được kết quả mà tỉnh đang đạt được. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khó đến đâu phải cùng với doanh nghiệp gỡ tới đó.

Tiếp tục đẩy mạnh khôi phục các dự án xây dựng cơ bản, nhất là công trình trọng điểm để giải ngân vốn; rà soát toàn bộ các nguồn thu, khoản thu, đánh giá các nguồn thu khả năng, phấn đấu thu đạt, vượt dự toán ngân sách đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm lĩnh vực văn hoá xã hội- nhất là công tác giáo dục đào tạo. Các địa phương phối hợp với ngành Giáo dục đưa ra những kế hoạch cụ thể cho từng vùng, từng khu vực, từng cấp bậc học để có điều chỉnh liên tục, phù hợp với tình hình.

Tăng cường thực hiện an sinh xã hội- nhất là các chính sách; tăng cường kiểm tra ở ấp, khu phố nơi đầu tiên tiếp nhận đăng ký, trên tinh thần không để sót, có sót thì khắc phục ngay.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy sức mạnh của người dân trong phòng, chống tội phạm. Về nhiệm vụ tuyển quân trong quý này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch chu đáo, tuyển quân trong điều kiện an toàn nhất; ưu tiên tiêm vaccine cho thanh niên nhập ngũ, các địa phương cân đối để thực hiện.

Ngoài ra, hội nghị cho ý kiến đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phương án sử dụng quỹ đất bàn giao địa phương của Công ty cổ phần Cao su 1-5 Tây Ninh. Về cơ bản, hội nghị đồng thuận với nội dung được báo cáo tại cuộc họp.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục