Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Dương Văn Thắng đồng chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Dương Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế-xã hội dần được khôi phục. Tỉnh đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Một số hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa tăng so tháng trước do thực hiện dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội. Đến tháng 5.2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 24.415 tỷ đồng, giảm 1,55% so cùng kỳ năm 2019. Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 6.084 tỷ đồng, giảm 9%.
Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 2.082,7 triệu USD, đạt 49,0% so với kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 1.626,8 triệu USD, đạt 40,5% so với kế hoạch. Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020, ước giải ngân đến 30.5 là 1.745,03 tỷ đồng, đạt 39,36% kế hoạch; ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 là 5.352 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán, tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do việc sản xuất bị ngừng trệ vì không có đơn hàng, nguyên liệu khan hiếm do thị trường cung ứng chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, dẫn đến thị trường sản xuất khó khăn. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý doanh nghiệp, sản xuất, vận hành do các chuyên gia, nhà quản lý, lao động tay nghề cao chưa được nhập cảnh.
Chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước của ngành dệt sợi đang bị ứ đọng do không có đầu ra; một số lĩnh vực có mức độ ảnh hưởng cao từ 80-100% như sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, dịch vụ du lịch, giáo dục, lĩnh vực sản xuất có sử dụng nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Dự kiến đến cưới tháng 6, nếu tình hình dịch bệnh không giảm, một số doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tạm dừng hoạt động.
Tại hội nghị, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trình bày những khó khăn gặp phải trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; đồng thời kiến nghị các nội dung như: xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ cho vay để các doanh nghiệp trả lương cho công nhân theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ; thực hiện giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất các khoản vay ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giải quyết kịp thời chính sách thất nghiệp cho người lao động, hoãn hoặc gia hạn các khoản nộp bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp và cho người lao động; hỗ trợ cho các chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh…
Đại diện Công ty PouHung Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Đại diện một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã giải đáp những kiến nghị, thắc mắc nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng: hiện nay Việt Nam đang chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, nhưng đồng thời vẫn phải có những giải pháp phòng chống dịch. Việc nhập cảnh của các chuyên gia người nước ngoài có đăng ký nhập cảnh qua của khẩu hướng đường bộ của Tây Ninh đều được UBND tỉnh nhanh chóng giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên việc nhập cảnh vẫn phải bảo đảm quy trình tiếp nhận nhập cảnh và cách ly theo quy định.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay của tỉnh. Về tất cả các ý kiến đóng góp, kiến nghị, khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Ngọc tiếp thu và yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan ghi nhận các ý kiến, có văn bản trao đổi, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt cụ thể các chính sách và thủ tục thực hiện, coi những khó khăn của doanh nghiệp như chính khó khăn của mình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Vũ Nguyệt