BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân - Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng (tt)

Cập nhật ngày: 04/01/2011 - 11:12

 

 

 


Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh hoạt động rất sôi nổi tại nghị trường QH khoá XII

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, đến nay Quốc hội đã trải qua 12 khoá hoạt động, có thể chia thành 4 thời kỳ căn cứ vào 4 bản Hiến pháp mà Quốc hội đã ban hành như sau:

- Thời kỳ 1946-1960: Quốc hội khoá I (1946-1960) đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hoà từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công. Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên CNXH, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam tiến lên, đánh bại chiến tranh của Mỹ và tay sai.

Đánh giá về công lao to lớn của QH khoá I, tại kỳ họp cuối cùng của QH khoá I, Chủ tịch HCM đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.

- Thời kỳ 1960 - 1980: Trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959, được Quốc hội thông qua ngày 31.12.1959 và đã trải qua 5 khoá hoạt động từ khoá II cho đến khoá VI.

Quốc hội khoá II (1960-1964) được bầu ngày 8.5.1960 có 362 đại biểu trúng cử cùng với 91 đại biểu Quốc hội miền Nam được lưu nhiệm theo nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá II là 4 năm và Quốc hội đã có 8 kỳ họp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “QH khoá II này là QH xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Quốc hội khoá III (1964 - 1971) có 455 đại biểu, trong đó có 366 đại biểu được bầu ngày 26.4.1964 và 89 ĐBQH khoá I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm kỳ QH khoá III đã kéo dài 7 năm và chỉ có 7 kỳ họp.

QH khoá IV (1971 - 1975), có 420 đại biểu được bầu ngày 11.4.1971 với nhiệm kỳ 4 năm và đã có 5 kỳ họp.

QH khoá V (1975 - 1976), có 424 đại biểu, được bầu ngày 6.4.1975, hoạt động hơn 1 năm và có 2 kỳ họp diễn ra trong tình hình miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng (30.4.1975). Kỳ họp thứ 2 QH khoá V đã thảo luận và nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam thống nhất.

Quốc hội khoá VI (1976 - 1981), được bầu ngày 25.4.1976, là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử và bầu ra 492 đại biểu. Tại kỳ họp thứ I, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc ca là bài Tiến quân ca. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng 8.1945, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khoá VI và chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Thời kỳ 1980-1992: Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1980 và trải qua 2 khoá hoạt động, khoá VII và khoá VIII. Hiến pháp năm 1980 quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hoá, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động  của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Quốc hội khoá VII (1981-1987) được bầu cử ngày 26.4.1981, có 496 đại biểu.

QH khoá VIII (1987-1992) được bầu ngày 19.4.1987, có 496 đại biểu, là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra.

- Thời kỳ từ năm 1992 đến nay: Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 và đã trải qua gần 4 nhiệm kỳ hoạt động.

Quốc hội khoá IX (1992 - 1997), được bầu ngày 19.7.1992, có 395 đại biểu và nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm.

Quốc hội khoá X (1997 - 2002), được bầu ngày 20.7.1997, gồm 450 đại biểu.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của QH các khoá trước, QH khoá X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội lần thứ VIII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước.

QH khoá XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19.5.2002, là khoá Quốc hội đầu tiên trong thiên niên kỷ mới, có 498 đại biểu trúng cử với số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,73%.

Nhiệm kỳ QH khoá XI diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Các mặt hoạt động của Quốc hội khoá XI có nhiều đổi mới rất quan trọng.

Quốc hội khoá XI đã trải qua 11 kỳ họp, có 81 văn bản luật và hàng chục nghị quyết, pháp lệnh được ban hành. Số lượng các văn bản luật được ban hành trong một kỳ họp đã tăng nhiều hơn so với trước.

Quốc hội khoá XII được nhân dân cả nước bầu ra vào ngày 20 tháng 5 năm 2007. Đây là thời điểm nước ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX và Đại hội X của Đảng; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Cùng với đó, để phù hợp với thời điểm tiến hành Đại hội Đảng, ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cũng đã quyết định rút ngắn 1 năm nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII. Có 493 đại biểu được bầu, trong đó có 145 đại biểu hoạt động chuyên trách, chiếm tỷ lệ 29,41%.

Tính đến tháng 12.2010, Quốc hội khoá XII đã có 8 kỳ họp, đã thông qua 64 luật và 11 nghị quyết. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII đã thông qua 15 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Qua 65 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã tiếp tục lớn mạnh không ngừng, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến và lập pháp; quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan Nhà nước và quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với cử tri

Hoạt động lập pháp: ngày càng được Quốc hội đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời góp phần củng cố, hoàn thiện bộ máy Nhà nước; góp phần quan trọng phục vụ yêu cầu CNH-HĐH đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động giám sát tối cao: đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng được tiến hành chủ động, tích cực, đổi mới cả về nội dung, phương thức tiến hành và đã đạt được những kết quả bước đầu, hiệu lực và hiệu quả được nâng cao. Nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc nổi lên được nhân dân quan tâm… Những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại Quốc hội đã góp phần làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sôi nổi, thiết thực, được nhân dân hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ. Hoạt động giám sát đã góp phần thúc đẩy việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, đồng thời tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: cũng đã được Quốc hội thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; về dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước; về các công trình quan trọng quốc gia; về chính sách dân tộc; về an ninh, quốc phòng và đối ngoại… đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.

Với kết quả đã đạt được và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của 65 năm qua, mọi người chúng ta luôn tin tưởng rằng trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm qua, nỗ lực phấn đấu làm tròn trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Minh Quang

(Tổng hợp)