BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: 2 năm, chi gần 12 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 29/11/2011 - 12:22

(BTNO) – Theo UBND tỉnh, kể từ khi ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài vào năm 2010, việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ. Những chủ trương, chính sách của tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được cử đi học nâng cao trình độ và thu hút sinh viên có trình độ đại học và trên đại học về công tác, phục vụ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Theo đó, trong 02 năm 2010 – 2011, Tây Ninh đã chi gần 12 tỷ đồng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Từ nguồn kinh phí này, 575 người được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước. 2.784 CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 152 người tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ sau đại học (03 tiến sĩ, 83 thạc sĩ, 54 chuyên khoa I, 12 chuyên khoa II). 13 người đi nghiên cứu khảo sát, học tập ngắn hạn và trung hạn ở nước ngoài, trong đó có 05 người nhận học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ được hỗ trợ 20 triệu đồng/ người. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cho 149 người tự đào tạo trình độ đại học với định mức 5 triệu đồng/ người.

Trao bằng Cử nhân Luật hệ VLVH tại Trung tâm GDTX tỉnh Tây Ninh

Trong 02 năm qua, tỉnh cũng đã tổ chức 04 lớp đào tạo tiếng dân tộc Khmer cho 175 CBCCVC công tác tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cán bộ, công chức đang công tác tại các xã biên giới.

Tổng số dự nguồn cán bộ, công chức có trình độ đại học được tiếp nhận về công tác, phục vụ trong 02 năm qua là 220 người. Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh duyệt hỗ trợ cho 87 HS-SV diện cử tuyển và 55 HS-SV diện chính sách với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh nhìn nhận rằng, do cơ chế chính sách tiền lương hiện nay không phù hợp nên một số CBCCVC sau khi được cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ chưa an tâm, có xu hướng muốn bồi hoàn kinh phí đào tạo để chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Môi trường làm việc ở tỉnh không thu hút cũng như không giữ chân được người có trình độ cao. Đào tạo bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ, chưa xác định chiến lược đào tạo từ tỉnh đến cơ sở, dẫn đến trình trạng cán bộ hẫng hụt về kiến thức, không đảm bảo tính kế thừa đồng bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý…

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xác định, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài theo định hướng: Việc chọn cử CBCCVC phải theo kế hoạch đào tạo hằng năm, giai đoạn, đồng thời việc đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch cán bộ; Chính sách đào tạo phải sát thực tế, phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, phù hợp với ngành nghề, nhu cầu tỉnh đang cần; Cần tạo điều kiện cho CBCCVC an tâm được tham gia đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh, nhất là cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; Có kế hoạch đào tạo các lớp mũi nhọn, then chốt, trọng điểm để có lực lượng cán bộ quản lý giỏi về các lĩnh vực Y tế, Kinh tế, KHKT, Xây dựng, Nông nghiệp, Du lịch…

HY UYÊN

 

 


 
Liên kết hữu ích