BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: 3 năm, ngân sách đầu tư cho “tam nông” hơn 550 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 11/07/2011 - 10:02

(BTNO) - Ngày 11.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sơ kết công tác thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW - NQ 26).

Tại đầu cầu Tây Ninh, Hội nghị do Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ điều hành. Tham dự Hội nghị còn có Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Minh Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang.

Đầu cầu chính phủ

Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn đạt gần 290.000 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, trong gần 3 năm triển khai thực hiện NQ 26, chính phủ luôn ưu tiên tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Dự toán ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này năm 2011 cao gấp hơn 2,2 lần so với năm 2008, tỷ trọng chi cho nông nghiệp – nông thôn so tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 39,8% năm 2011. Tính chung 3 năm 2009-2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ.

Đến năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, 13/14 tiêu chí của NQ 26 đã cơ bản đạt được.

Năm 2009, nông nghiệp đạt mức tăng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3,2%/năm do Đại hội Đảng X đề ra.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD, tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008, vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD).

Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đến năm 2010, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn.

Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền, đã dần dần hình thành được mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH trên thực tế theo cấp độ xã và thôn, bản ở các vùng.

Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Theo tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% năm 2008 xuống còn 11,3% năm 2010. Chính phủ cũng đã tập trung hỗ trợ 62 huyện nghèo nhất để giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ngay sau khi được ban hành, NQ 26 đã được triển khai khá đồng bộ, nhiều nội dung của Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ rệt, nhất là những nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để xây dựng được nông thôn mới, trước hết phải quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi… đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; trồng, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh và lợi thế trên thị trường…

Lãnh đạo của các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh  Hóa, Điện Biên, An Giang… chia sẻ những kinh nghiệm hay, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện NQ 26.

Tây Ninh: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình MTQG, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đầu cầu Tây Ninh

Tại Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, trong gần 3 năm thực hiện NQ 26, tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể như Chương trình MTQG về giảm nghèo, Tây Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện các dự án khuyến nông, khuyến ngư, phát triển các ngành nghề nông thôn, giúp nông thôn có điều kiện vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.

Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được đầu tư để xây dựng hệ thống cấp nước tập trung ở các xã vùng sâu, biên giới, kết quả đến nay vùng nông thôn Tây Ninh đã có đến 85% số hộ có nước sạch hợp vệ sinh sử dụng.

Chương trình MTQG về văn hoá cũng được quan tâm đầu tư, đến nay toàn tỉnh đã có gần 240.000 hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hoá, 408 ấp đạt chuẩn ấp, khu phố văn hoá và 17 xã đạt chuẩn xã văn hoá….

Mặc dù quy mô ngân sách tỉnh còn thấp, nhưng trong 3 năm (2009 – 2011), tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp, dự toán vốn đầu tư trên địa bàn là 557 tỷ đồng.

“Tam nông” - nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề chiến lược, hệ trọng của đất nước, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, nhiệm vụ đặt ra tiếp theo là phải tiếp tục quán triệt, triển khai đưa NQ 26 đi vào cuộc sống và trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, các địa phương cần bám sát vào các nội dung của NQ 26 để tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện trong điều kiện cụ thể của địa phương. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền gắn với các chương trình, hành động cụ thể của các ngành, các cấp. Triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết. Các Bộ, ngành, địa phương tính toán cân đối nguồn lực, huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm để nâng cao đời sống của cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn; quy hoạch về xây dựng nông thôn mới; tăng cường nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần thường xuyên quan tâm tới giáo dục đào tạo ở vùng nông thôn bởi yếu tố con người là yếu tố quyết định. Trong giáo dục đào tạo, cần hết sức lưu ý tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các hình thức đào tạo phong phú, đa dạng.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự vững mạnh, gắn liền với đó là giữ vững an ninh trật tự khu vực nông thôn.

HY UYÊN