Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Bảo đảm chất lượng nguồn nước Hồ Dầu Tiếng
Thứ năm: 14:54 ngày 01/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hồ chứa nước Dầu Tiếng là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh Quốc gia theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 7.2.2017 và Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ, hồ chứa có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy công tác bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng thời gian quan luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân.

Thời gian qua, công tác chấn chỉnh hoạt động khai thác cát đã được đi vào nề niếp nên góp phần cải thiện đáng kể chất lượng hồ Dầu Tiếng.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng–Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa), sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện Luật thủy lợi về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, cơ bản đã thực hiện hiệu quả theo các quy định nêu trên, kết quả có nhiều chuyển biến rõ rệt, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt, duy trì dòng chảy trên các tuyến kênh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước, giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Đặc biệt, chất lượng nước trong công trình thủy lợi thời gian qua đã được cải thiện do Công ty đã thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Thủy lợi như: Kiểm tra, giám sát các hoạt động được Tổng cục Thủy lợi cấp phép, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi; phân loại đánh giá các hoạt động xả nước thải; căn cứ vào khả năng tiếp nhận của công trình để thỏa thuận với tổ chức lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy phép cũng như việc giám sát, kiểm tra thực hiện giấy phép xả nước thải theo quy định của Luật Thủy lợi đã khắc phục những bất cập trong việc cấp giấy phép theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Qua rà soát, thống kê, các tồ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi hiện nay trên lưu vực có 91 cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi, trong đó: Tây Ninh có 25 cơ sở, Bình Dương 10 cơ sở, Bình Phước 54 cơ sở. Các đơn vị trên hầu hết do Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cấp phép, riêng có 2 cơ sở được Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp cấp phép và chịu sự kiểm tra, giám sát của Công ty; Công ty đã ký văn bản thỏa thuận đấu nối vào công trình thủy lợi đối với 5 cơ sở.

Đối với hoạt động khai thác cát, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phòng CSMT và các cơ quan, đơn vị liên quan của UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, điều kiện khai thác của các đơn vị khai thác cát, tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị đánh giá, tham mưu điều chỉnh thời gian khai thác cát phù hợp với diễn biến của mực nước hồ với Tổng cục Thủy lợi, UBND các tỉnh nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển đa mục tiêu và bảo vệ bền vững môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Công tác quản lý chất lượng nước hồ Dầu Tiếng là nhiệm vụ quan trọng được Công ty quan tâm và triển khai các biện pháp bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp cho các địa phương.

Công ty thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, theo dõi diễn biến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, thành lập tổ kiểm tra phối hợp với các Sở ban ngành liên quan giám sát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, kịp thời báo cáo Tổng cục Thủy lợi và UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thời gian qua, để đảm bảo an ninh, an toàn nguồn  nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cho các nhu cầu dùng nước trong hệ thống. Công ty thường xuyên phối hợp với Đồn công an hồ nước, phòng cảnh sát môi trường tăng cường công tác kiểm tra các nguồn xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng trên địa bàn 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, lấy mẫu định kỳ tại các vị trí nhánh sông, suối đổ vào hồ, các tuyến kênh chính và trong hồ nhằm phát hiện các điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa không đạt chất lượng theo QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, kịp thời báo cáo cho các địa phương để có hướng ngăn chặn, xử lý các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước hồ Dầu Tiếng.

Đồng thời thực hiện Thông báo số 8955/TB-BNN-VP ngày 28.11.2019 về ý kiến kết luận cùa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội Nghỉ về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa Công ty cũng triển khai thực hiện theo đề án “Tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Trước tiên là thực hiện dự án “Khảo sát, điều tra các hoạt động sản xuất kinh doanh có xả thải để khoanh vùng ô nhiễm, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước phục vụ khai thác đa mục tiêu công trình hồ Dầu Tiếng”.

Ngoài ra, Công ty đang xây dựng đề án Bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa giai đoạn 2020-2025, lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động để giám sát chất lượng nước.

Bên cạnh đó, Công ty đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng “Quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước trong quản lý, khai thác và bảo vệ HTTL Dầu Tiếng - Phước Hòa” và “Quy chế phối hợp giữa Công ty với 18 xã có công trình và vùng lòng hồ thuộc địa bàn”, trong đó chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước.

Tuy nhiên hiện nay, ngoài các cơ sở chế biến cao su, chế biến tinh bột sắn có đầu tư hệ thống xử lý thì phần lớn cơ sở chăn nuôi nhỏ chưa được đầu tư hệ thống xử lý, chỉ sử dụng hầm biogas nên khó kiểm soát được nguồn nước thải có thải vào hồ hay không ?. Vì vậy, Công ty kiến nghị khi địa phương cấp phép xây dựng cho các trang trại chăn nuôi cần đựợc xây dựng nằm xa phạm vi vùng bảo vệ hồ chứa.

Theo Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa, Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục lấy mẫu nước thường xuyên, theo dõi diễn biến chất lượng nước, cảnh báo ô nhiễm (nếu có), kịp thời báo cáo UBND các tỉnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh tổ chức giám sát lấy mẫu nước hồ, đảm bảo hài hòa giữa phát triển đa mục tiêu và bảo vệ bền vững môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Thúy Hằng-Thế Nhân

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục