BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh cần triển khai các mô hình đa sinh kế cho người nghèo 

Cập nhật ngày: 08/11/2019 - 18:52

BTNO - Chiều 7.11, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do bà Hà Thị Dung- Vụ trưởng Vụ Tổng hợp làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh.

Buổi làm việc nhằm kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 và việc thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện Hòa Thành và thành phố Tây Ninh tiếp đoàn.

Trước đó, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ, UBND xã Trường Đông (huyện Hoà Thành) và UBND thành phố Tây Ninh.

Bà Hà Thị Dung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ đóng góp ý kiến cho tỉnh

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019. Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn đầu tư chương trình năm 2019 là hơn 2.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 380 tỷ đồng (chiếm 17%); vốn huy động từ doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế khác hơn 270 tỷ đồng, chiếm 12%; vốn tín dụng hơn 1.280 tỷ đồng (chiếm gần 60%) và vốn huy động cộng đồng trên 200 tỷ đồng, chiếm 9,6%.

Kết quả, đến tháng 10.2019, trên địa bàn tỉnh có 36/80 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 42 xã, chiếm 52% số xã toàn tỉnh.

Việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được tỉnh quan tâm. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh gồm 20 vùng, tổng diện tích trên 880 ha.

Ngành nông nghiệp tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật canh tác mới trên các loại cây ăn trái như nhãn, xoài, sầu riêng…; hoàn thiện chuỗi mô hình cung ứng thịt heo an toàn đưa vào kinh doanh tại 33 quầy bán thịt heo an toàn do Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng.

Công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, bảo vệ môi trường ở nông thôn được tiếp tục đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tiếp thu những đóng góp của đoàn

Với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Tây Ninh đã thực hiện các chính sách giảm nghèo như tặng quà cho người nghèo nhân các dịp lễ, tết; hỗ trợ tiền điện cho hơn 7.600 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 2,9 tỷ đồng; tạo điều kiện cho trên 1.700 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, với nguồn vốn hơn 49 tỷ đồng; hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở.

Các địa phương đang triển khai thực hiện 25 dự án, trong đó có 16 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã thuộc chương trình 135 và 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã ngoài chương trình 135.

Kết quả sơ bộ năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh còn 5.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,69%, giảm 0,85% so với năm 2018. Trong đó có khoảng 52% hộ không có khả năng thoát nghèo. Vì vậy, sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo, thể hiện việc chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Về tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, Sở LĐTB&XH cho biết, năm 2019 tỉnh được phân bổ trên 11.700 triệu đồng để thực hiện tuyên truyền, tư vấn học nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; mua sắm trang thiết bị...

Trong năm, UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển để đầu tư kinh phí cho 2 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoà Thành và Trảng Bàng. Đến ngày 5.1, các địa phương đã khai giảng được 119/129 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, có trên 1.800/2.200 người hoàn thành khoá học có việc làm, đạt tỷ lệ 81%.

Cần nhân rộng những mô hình đa sinh kế để người nghèo có việc làm ổn định

Ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu trong đoàn góp ý một số vấn đề với tỉnh. Cụ thể, trong định hướng nông thôn mới, các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tỉnh cần xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác vùng sản xuất đã hình thành và kết nối với Co.opmart, Vietnamairline; khai thác vẻ đẹp của những vùng cây ăn trái, những tuyến đường hoa cho du lịch như tại xã Trường Đông, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương; tỉnh cần chấm dứt tình trạng nợ đọng (khoảng 3 tỷ đồng) trong xây dựng nông thôn mới.

Về công tác xoá đói giảm nghèo, đoàn ghi nhận Tây Ninh hiện nay là một trong những tỉnh của cả nước có tỷ lệ người nghèo, cận nghèo thấp. Tây Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong ban hành chính sách đặc thù riêng của tỉnh, ví dụ như hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo và một số chính sách an sinh khác. Tuy nhiên, nếu định hướng đến năm 2020 tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn trung ương, địa phương cần nhanh chóng triển khai các mô hình đa sinh kế đối với hộ nghèo, tạo điều kiện để những người nghèo không có đất có việc làm ổn định tại địa phương và có thể sống được.

Về vấn đề thiếu nhân sự, nhất trong lĩnh vực giáo dục và y tế, đại biểu đoàn cho biết, hiện nay Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ bổ sung cho Tây Ninh 383 giáo viên mầm non. Còn các cấp học Tiểu học trở lên và ngành Y tế, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế rà soát tiếp tục báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ. Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức Biên chế cũng đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nội vụ thẩm định biên chế sự nghiệp của các địa phương. Đề nghị UBND tỉnh cần chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế rà soát số biên chế giáo dục, y tế được giao và biên chế theo định mức, từ đó xác định được số biên chế thừa thiếu. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ quyết định về vấn đề này.

Kết luận buổi làm việc, bà Hà Thị Dung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh. Bà lưu ý, tỉnh cần quan tâm khi xây dựng các chuyên đề đào tạo cho công chức cấp xã nên căn cứ vào vị trí việc làm, căn cứ vào nhu cầu của địa phương để đào tạo. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh cần đánh giá được hiệu quả của đào tạo nghề, sau khi đào tạo xong có bố trí được việc làm hay không và việc làm ấy có phù hợp với địa phương hay không.

Về chiến lược và quy hoạch ngành Nội vụ, bà Dung cho rằng, tỉnh có những văn bản triển khai nghiêm túc các nội dung liên quan đến công tác chiến lược và quy hoạch ngành Nội vụ, có chính sách, lộ trình về việc thu hút nguồn nhân lực, tạo sự đột phá trong công tác tuyển dụng, đào tạo; tỉnh đã chủ động, linh hoạt đổi mới trong công tác cán bộ.

Hiện nay, 70% cán bộ công chức viên chức của ngành Nội vụ có trình độ ở độ tuổi trung bình trẻ nên tỉnh cũng cần chú trọng công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Quan tâm việc đào tạo kỹ năng, đào tạo công vụ trong triển khai và thực thi công vụ; chú trọng thi tuyển công chức, công chức lãnh đạo và chất lượng khâu thi tuyển để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mang lại hiệu quả công việc.

N.D