Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, ngày 22.9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác có chuyến thăm, kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh tại thị xã Trảng Bàng và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tiếp đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và thị xã Trảng Bàng.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi làm việc tại thị xã Trảng Bàng.
Trảng Bàng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Báo cáo với đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước, ông Trần Anh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, từ khi dịch bùng phát, địa phương ghi nhận 2.203 ca mắc Covid-19, trong đó, hơn 1.200 ca đã được chữa khỏi, 1.007 ca đang điều trị; có 6 ca tử vong. Kết quả sàng lọc, phát hiện tách 667 F0 ra khỏi cộng đồng; truy vết, cách ly kịp thời 590 F1 và 813 F2, thiết lập 97 vùng phong toả.
Về công tác điều trị tại địa phương, UBND tỉnh đã thành lập một bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại KCN Thành Thành Công, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng (tầng 1); Sở Y tế chuyển công năng của Trung tâm y tế thị xã Trảng Bàng thành bệnh viện điều trị Covid-19 (tầng 2); Thị xã thành lập 6 khu cách ly F0 không triệu chứng.
Đến ngày 20.9, Thị xã đã tiêm 68.502 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó, mũi 1 là 64.812 liều, mũi 2 là 3.690 liều. So với số dân trên 18 tuổi (136.864 người), đạt trên 47,4%.
Trảng Bàng có 132/204 doanh nghiệp với 13.954/55.551 công nhân thực hiện "3 tại chỗ"; đã tiêm vaccine cho công nhân làm việc "3 tại chỗ" trong các khu công nghiệp trên địa bàn được 11.447 liều (đạt 82,03% tổng số công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ"). Lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng đánh giá, địa phương đã “cơ bản kiểm soát được dịch bệnh”.
Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo với Phó Chủ tịch nước, 9 tháng của năm 2021, các chỉ tiêu phát triển của tỉnh đều đạt, thu ngân sách đạt 72%; tuy nhiên, khó khăn còn nhiều do ảnh hưởng của đại dịch. Số doanh nghiệp giải thể tăng cao, thu hút vốn đầu tư giảm mạnh, dự báo đến cuối năm, tỉnh khó đạt các chỉ tiêu của năm 2021.
Tình dịch bệnh, tổng số ca nhiễm ở Tây Ninh tính từ khi có dịch đến nay là hơn 8 ngàn ca, trong đó có 119 người tử vong. Trong khoảng một tuần trở lại đây, số ca nhiễm hàng ngày có xu hướng giảm. Tỉnh đã sàng lọc ba lần trên diện rộng để bóc tách F0, nâng tỷ lệ vùng xanh lên hơn 96%.
Tây Ninh không phải địa phương được ưu tiên tiêm vaccine nên số lượng, tỷ lệ dân số được tiêm còn thấp, tổng số người được tiêm mũi một hiện hơn 40% và mũi hai chỉ hơn 4%. Từ ngày 3.9, tỉnh cho khôi phục sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trở lại. Tất cả công nhân làm việc theo phương thức "3 tại chỗ" đã được tiêm vaccine mũi tiêm thứ nhất. Trong thời gian tới, Tây Ninh tập trung khôi phục sản xuất nhưng không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho chốt chống dịch.
Số ca mắc mới tăng nhưng tỷ lệ tử vong thấp
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhìn nhận, Tây Ninh phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vùng xanh đang mở rộng, vùng đỏ thu hẹp; đặc biệt đánh giá cao các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Phan Văn Anh- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bình luận, Tây Ninh đã và đang chăm lo tốt cho đời sống của công nhân lao động, tuy nhiên, nhiều công nhân, người lao động mất việc làm do hoạt động sản xuất gián đoạn và hơn 1.000 công nhân ở Tây Ninh dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ khoảng 18% trên tổng số người nhiễm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chuyển lời thăm hỏi, động viên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến quân dân, đồng bào tỉnh Tây Ninh đang gặp khó khăn do dịch bệnh. “Tây Ninh trong thời gian vừa qua đã có tiến bộ vượt bậc, 40% tỷ trọng nền kinh tế là công nghiệp, đây là kết quả rất phấn khởi. Tỉnh đã nỗ lực trong thực hiện mục tiêu kép, thu hút đầu tư mới”. Phó Chủ tịch nước phát biểu, đồng thời nhấn mạnh, Tây Ninh là tỉnh có số ca lây nhiễm cao, dù không cao như các tỉnh trong khu vực, nhưng tỷ lệ tử vong ở Tây Ninh thấp hơn so với nhiều địa phương khác.
“Tây Ninh có sáng tạo trong phòng chống dịch, giãn cách hẹp, không giãn cách trên diện rộng, nhiều địa phương cũng làm như thế này, nhưng Tây Ninh làm trước”. Về vaccine phòng Covid-19, Phó Chủ tịch nước cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất; nhiều cuộc tiếp xúc, đàm phát cả trực tiếp và trực tuyến đã và đang thực hiện để có thêm nguồn vaccine.
Phó Chủ tịch nước lưu ý Tây Ninh tiếp tục cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, vì diễn biến đại dịch vẫn đang phức tạp, “chúng ta phải đối phó lâu dài, do đó phải có kịch bản cụ thể, không rơi vào thế bị động” - Phó chủ tịch nước phát biểu. Vấn đề an sinh xã hội, Phó chủ tịch nước lưu ý, tỉnh cần tính đến ba nhóm đối tượng để hỗ trợ gồm công nhân, gia đình chính sách và học sinh sinh viên.
“Nhiều em học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến, không để học sinh bị gián đoạn việc học. Gián đoạn một năm học, chúng ta sẽ hụt nguồn nhân lực mất một năm” - Phó chủ tịch nước nói. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gợi ý lãnh đạo tỉnh phân công cụ thể thành từng nhóm với mỗi nhiệm vụ khác nhau để khôi phục sản xuất, không để đứt gãy vì nếu đứt gãy sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm bày tỏ sự vui mừng được đón đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước đến thăm và làm việc tại tỉnh. Đến nay, tỉnh cơ bản ngăn chặn được tình trạng lây lan dịch bệnh. Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, tỉnh quán triệt chủ trương sản xuất nhưng phải an toàn.
“Chúng tôi chia sẻ sự đồng thuận cao, chung sức chung lòng của doanh nghiệp trong thời gian qua. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch nước, Tây Ninh sẽ nỗ lực chăm lo cho ba nhóm đối tượng mà Phó Chủ tịch đã nêu ra” - Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm thăm chốt chống dịch thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Biên phòng Tây Ninh: Phòng chống, dịch bệnh hiệu quả ở khu vực biên giới
Rời thị xã Trảng Bàng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và làm việc với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Quang Quân- Đồn trưởng cho biết, lực lượng biên phòng tham mưu thành lập các chốt bảo vệ biên giới gồm nhiều lực lượng công an, bộ đội, biên phòng.
Từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay, lực lượng đã giải quyết xuất nhập cảnh cho hơn 14 nghìn người theo đúng quy định, trong đó phát hiện 233 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại chưa người nào trong lực lượng tham gia chống dịch nhiễm bệnh. Theo nhận định của lãnh đạo đồn biên phòng, trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh vẫn nghiêm trọng, do đó, đơn vị quán triệt, động viên toàn lực lượng tiếp tục tham gia chống dịch.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hoan nghênh lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh phòng chống dịch bệnh hiệu quả ở khu vực biên giới; đồng thời lưu ý, “tuyến biến giới Tây Nam trải dài, do đó cần có sự phối hợp, nhất quán trong phòng chống dịch, không để tỉnh này chặt tỉnh kia lỏng.
Không chỉ chống dịch và khi có dịch, muốn biên giới bình yên còn phải lo phát triển kinh tế để cải thiện đời sống người dân và chú trọng côtng tác đối ngoại biên phòng. Biên phòng hy sinh gian khổ nhưng cám dỗ cũng nhiều, phải đấu tranh với chính nội bộ của mình để xây dựng lực lượng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Công ty TNHH Brotex Việt Nam tại Khu công nghiệp Phước Đông. Công ty TNHH Brotex Việt Nam chuyên sản xuất các loại sợi cao cấp, cung cấp sản phẩm cho hơn 2.000 đối tác trên toàn cầu. Sau 9 năm thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất có quy mô lớn, tổng diện tích đất hơn 250 héc-ta, tổng vốn đầu tư một tỷ USD, tổng số lao động đang làm việc gần 10 nghìn người.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm tặng quà cho công nhân Công ty TNHH Brotex Việt Nam.
Từ tháng 5.2021 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến căng thẳng nên tình hình hoạt động, sản xuất của Công ty gặp nhiều khó khăn, chỉ có 30% lao động đồng ý ở lại làm việc tại công ty theo mô hình ba tại chỗ. Lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp sớm tiêm vaccine đầy đủ cho công nhân để người lao động bình thường, “sau khi tiêm đủ hai mũi vacine, có thể nới lỏng toàn bộ để khôi phục sinh hoạt, sản xuất một cách bình thường” - lãnh doanh nghiệp nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch nước hoan nghênh Công ty TNHH BrotexViệt Nam đã đầu tư vào Khu công nghiệp Phước Đông, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Về kiến nghị tiêm vaccine cho công nhân của Công ty, Phó Chủ tịch nước cho rằng, đó là yêu cầu chính đáng, nhưng mong lãnh đạo doanh nghiệp hiểu, vì nguồn vaccine đang khan hiếm trên toàn cầu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm mọi biện pháp, mọi kênh ngoại giao để sớm có đủ vaccine tiêm cho người dân, doanh nghiệp.
Việt Đông