Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công nghiệp nông thôn là một bộ phận của công nghiệp, phân bố sản xuất trên địa bàn nông thôn, gắn bó mật thiết với kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội ở nông thôn.
(BTN)- Lĩnh vực công nghiệp nông thôn có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế của tỉnh nói chung. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi cả tỉnh đang chung sức xây dựng nông thôn mới thì sự phát triển công nghiệp nông thôn càng có vai trò quan trọng hơn. Trong nhiều năm trước đây, khi sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh thì hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn Tây Ninh có quy mô nhỏ, thu hút ít lao động. Những năm gần đây, sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển mạnh, nhiều địa phương hình thành nhiều nhà máy công suất lớn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Theo Sở Công thương thì công nghiệp nông thôn là một bộ phận của công nghiệp, phân bố sản xuất trên địa bàn nông thôn, gắn bó mật thiết với kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội ở nông thôn. Như vậy, công nghiệp nông thôn không bao gồm những cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, trong các khu công nghiệp tập trung và các cơ sở sản xuất tại các phường nội thị. Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, thu hút đến gần 20.000 lao động có công ăn việc làm thường xuyên và sản xuất nhiều sản phẩm hàng hoá, trong đó có hơn 20 ngành chủ yếu với hàng trăm sản phẩm được đưa ra tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
Một nhà máy chế biến mì ở huyện Tân Biên |
Lĩnh vực phát triển mạnh nhất ở nông thôn Tây Ninh là lĩnh vực công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản- đặc biệt trong đó có sự ra đời của các nhà máy chế biến công suất lớn. Trước tiên là lĩnh vực chế biến mía đường, trong những năm qua ở Tây Ninh đã hình thành 3 nhà máy công suất lớn (trong đó có Nhà máy SBT trước đây không thuộc lĩnh vực công nghiệp nông thôn do có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay đã chuyển sang doanh nghiệp trong nước nên cũng có thể được xếp vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn). Tuy những năm gần đây việc phát triển vùng nguyên liệu mía gặp khó khăn nhưng do năng suất mía tăng khá cao nên có 2 trong 3 nhà máy đường đã đầu tư tăng thêm công suất. Đến nay, lĩnh vực chế biến mía đường ở Tây Ninh đạt tổng công suất lên đến 14.000 tấn mía cây/ngày.
Trong những năm gần đây diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, lĩnh vực chế biến mủ cao su cũng tăng theo. Đến nay ở Tây Ninh đã hình thành 34 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất không dưới 100.000 tấn/năm, phần lớn sản phẩm cao su chế biến được xuất khẩu ra nước ngoài. Lĩnh vực chế biến hạt điều nhân ở Tây Ninh cũng phát triển ổn định và mặt hàng hạt điều nhân từ nhiều năm qua là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hiện nay khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đang có 10 cơ sở chế biến hạt điều nhân sản xuất với sản lượng khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm, tiêu thụ không dưới 50.000 tấn hạt điều thô hàng năm.
Riêng lĩnh vực chế biến khoai mì, tuy không có sự khuyến khích nhưng cũng phát triển đáng kể. Đến nay, trên địa bàn nông thôn ở Tây Ninh có khoảng 80 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì- trong đó có 4 nhà máy đạt công suất hơn 100 tấn bột/ngày. Năm 2011, lĩnh vực chế biến khoai mì ở Tây Ninh đạt gần 500.000 tấn sản phẩm, trong đó riêng khu vực nông thôn sản xuất được hơn 420.000 tấn- chiếm tỷ trọng đến gần 85%. Ngoài ra các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác ở nông thôn Tây Ninh như: sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí, dệt may..., tuy không có sự phát triển mạnh mẽ bằng lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản nhưng cũng ngày càng cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2011 giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn Tây Ninh đạt hơn 2.000 tỷ đồng- chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng giá trị sản xuất cả ngành công nghiệp ở Tây Ninh. Theo định hướng, đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn ở Tây Ninh có thể đạt hơn 4.300 tỷ đồng- tăng gấp đôi so với hiện nay và đến năm 2020 đạt hơn 8.000 tỷ đồng- đạt gấp 4 lần so với hiện nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thì lĩnh vực này vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ; thiếu tiềm lực về tài chính; vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít; chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao... Trong đó, một trong những hạn chế lớn đáng được các ngành chức năng quan tâm giải quyết- đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua các ngành chức năng đã tổ chức gần 1.000 đợt kiểm tra, xử phạt hơn 150 cơ sở sản xuất vi phạm, đình chỉ khoảng hơn 40 cơ sở gây ô nhiễm, nhưng thực tế cũng chỉ có thể hạn chế phần nào chứ chưa thể triệt tiêu những nguy cơ gây ô nhiễm.
Sơn Trần