BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh 

Cập nhật ngày: 22/11/2020 - 09:46

BTNO - Ngày 21.11, tại Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Tây Ninh (ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành), Ban Chỉ đạo Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh (Ban Chỉ đạo) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu. Tham dự có ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng đơn vị lực lượng vủ trang và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, ông Dương Văn Thắng–Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, đây là lần thứ ba tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó sự cố nhưng vẫn ở quy mô vận hành cơ chế phối hợp là chủ yếu; điều kiện trang thiết bị, phương tiện hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết được yêu cầu đặt ra, lực lượng từ cơ sở đến các cơ quan chức năng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu; nhưng qua công tác kiểm tra thực tế, các đơn vị đã khắc phục được khó khăn, hạn chế, với sự chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng cho cuộc diễn tập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị chương trình diễn tập bảo đảm đầy đủ toàn bộ nội dung kịch bản ứng phó sự cố tràn dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức tuyệt đối phải an toàn, tiết kiệm, không gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến cơ sở vật chất và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm nguyên tắc của công tác ứng phó sự cố tràn dầu

Theo đó, tình huống giả định là trong quá trình bơm rót hàng từ kho bồn vào phương tiện xe bồn của đại lý thông qua hệ thống bơm công nghệ đã xảy ra tình huống sự cố tràn đổ dầu nhiên liệu và phát sinh cháy xe bồn tại vị trí trạm xuất, cần số 1 của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Tây Ninh.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy phun nước dập tắt đám cháy theo tình huống giả định.

Nguyên nhân, do công nhân giao nhận vi phạm nguyên tắc an toàn trong quá trình thực hiện quy trình bơm rót nhiên liệu. Lúc này công nhân không đóng ngắt kỹ van xả hàng của xe bồn, để xăng dầu chảy ra ngoài môi trường và gặp tia lửa điện phát ra từ bình ắc quy của xe bồn, bắt lửa gây cháy lớn tại trạm xuất, ngọn lửa lan nhanh bắt cháy cả xe bồn, có khả năng gây nổ xe bồn, nguy cơ ảnh hưởng đến các bồn chứa nhiên liệu của kho xăng dầu. Do đặc tính của xăng dầu là tính bắt cháy nhanh và tỏa nhiệt lớn, nếu không dập tắt kịp thời có thể gây ra sự cố nguy hiểm ảnh hưởng đến công tác an toàn của toàn kho xăng dầu.

Lực lượng tại chỗ triển khai phao quây, máy hút dầu để chặn và thu gom dầu tràn; đưa các lăng phun làm mát trực tiếp xuống khu vực có dầu tràn để phòng chống cháy nổ. Ngay sau đó, lực lượng hỗ trợ của Ban Chỉ đạo cũng nhanh chóng tiếp cận, hỗ trợ bảo vệ hiện trường, xử lý sự cố và cấp cứu người bị nạn.

Buổi diễn tập có sự tham gia của nhiều cán bộ, chiến sĩ các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo và đã kết thúc thành công, góp phần tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, kỹ năng ứng phó và khả năng phối hợp của các lực lượng liên quan trong ứng phó sự cố tràn dầu; đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ứng phó các sự cố liên quan đến hóa chất, tràn dầu.

Phát biểu kết thúc buổi diễn tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu và hóa chất cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện 5 nội dung quan trọng, như sau:

Một là: Đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu và hoạt động hóa chất thì phải luôn luôn xem công tác phòng ngừa sự cố có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện kiểm soát tốt các nguồn nguy cơ có thể xảy ra sự cố tại đơn vị; hoàn thiện quy trình quản lý an toàn; bố trí nơi lưu chứa hóa chất, xăng dầu phải hợp lý và đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, phải luôn chú trọng đến đặc tính nguy hiểm của xăng dầu, hóa chất với con người và môi trường để từ đó có những giải pháp phòng ngừa sự cố hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo đã có mặt kịp thời để ứng phó sự cố.

Hai là, đối với các cơ quan chức năng hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở các giải pháp về phòng ngừa và ứng phó với sự cố, không để xảy ra những sự cố lớn, gây thiệt hại về người, cơ sở vật chất và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ba là, giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng ngừa và ứng phó với sự cố; thường xuyên phối hợp diễn tập các tình huống sự cố để nâng cao khả năng phối hợp cùng hành động giữa các cơ quan và doanh nghiệp.

Bốn là, công tác đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động ứng phó với sự cố cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa từ doanh nghiệp cho đến các cơ quan chức năng như: cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, quân đội, y tế, tài nguyên – môi trường, chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp … nhằm đảm bảo tính chủ động – kịp thời và hiệu quả cho công tác ứng phó với sự cố có thể xảy ra với nhiều cấp quy mô khác nhau

Năm là, đối với công tác tổ chức cuộc diễn tập ứng phó sự cố cấp tỉnh phải được tăng cường tổ chức thường xuyên, đa dạng tình huống và thực hiện tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhằm nâng cao khả năng hành động, đảm bảo tốt việc vận hành cơ chế ứng phó sự cố cấp tỉnh trong thời gian tới.

Nhi Trần