Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo kết quả công bố chỉ số PAR INDEX 2018, tỉnh Tây Ninh xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 74,84 điểm, giảm 16 bậc so với năm 2017.
Nhân viên Bưu điện TP.Tây Ninh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Ngày 24.5 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018. Theo kết quả công bố chỉ số PAR INDEX 2018, tỉnh Tây Ninh xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 74,84 điểm, giảm 16 bậc so với năm 2017.
Kết quả PAR INDEX năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố được phân loại thành 4 nhóm: nhóm A (chỉ số trên 80%) gồm 9 tỉnh, thành phố; nhóm B (chỉ số từ 75-80%) gồm 36 tỉnh, thành phố; nhóm C (chỉ số từ 70 – 75%) gồm 15 tỉnh, thành phố và nhóm D (chỉ số dưới 70%) gồm 3 tỉnh, thành phố. Đứng đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2018 là tỉnh Quảng Ninh với chỉ số đạt 89,06%, xếp cuối bảng là Phú Yên với chỉ số đạt 69,53 %.
Biểu đồ kết quả chỉ số CCHC – PAR INDEX 2018 của 63 tỉnh, thành phố
Đối với Tây Ninh, chỉ số PAR INDEX 2018 của tỉnh đạt 74,84%, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành trong cả nước và là tỉnh có chỉ số thấp nhất trong nhóm 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể điểm số theo từng lĩnh vực bảng xếp hạng PAR IDEX 2018 tỉnh Tây Ninh như sau: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 5/9 điểm; Xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,45/10 điểm; Cải cách TTHC đạt 11,88/13 điểm; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 8,44/12 điểm; Xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,36/13,5 điểm; Cải cách tài chính công đạt 8,31/12,5 điểm; Hiện đại hóa hành chính đạt 9,06/13,5 điểm; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh đạt 12,34/16,5 điểm.
Đối với chỉ số SIPAS năm 2018, tỉnh Tây Ninh đạt 81,24%, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, cao hơn so với năm 2017 (năm 2017 đạt 79,76%). Theo kết quả điều tra xã hội học, số lần đi lại của người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh để giải quyết TTHC từ 1-2 lần chiếm 71,46%; tuy nhiên những trường hợp phải đi lại từ 3-4 lần, 7 lần, thậm chí trên 7 lần vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, 28,54%; vẫn còn tình trạng công chức gây phiều hà, sách nhiễu, công chức gợi ý nộp tiền ngoài phí/lệ phí; tỷ lệ cơ quan xin lỗi vì trễ hẹn còn ít...
Biểu đồ chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính của 63 tỉnh, thành phố năm 2018
Được biết, chỉ số trung bình sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ hành chính trong cả nước là 82,99%; tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất là 97,88%, thấp nhất là 69,98%. SIPAS 2018 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh, thành trong cả nước là 33.900 phiếu, tổng số phiếu thu về hợp lệ là 32.715 phiếu, đạt 96,5%.
Từ những kết quả xếp hạng PAR INDEX và SIPAS 2018 vừa được công bố cho thấy công tác CCHC của tỉnh vẫn còn rất nhiều vấn đề cần sớm được khắc phục để cải thiện chỉ số, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ.
Phương Thuý