Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh - giữ vẹn “lời thề độc lập”
Thứ hai: 10:48 ngày 02/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuy chỉ với xuất phát điểm gần như chỉ có “hai bàn tay trắng”, nhưng suốt 79 năm qua, đất và người Tây Ninh đã giữ gìn và thực hiện trọn vẹn lời thề “Độc lập hay là chết!” từ “Hội thề Rừng Rong” mùa xuân kháng chiến đầu tiên năm xưa.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi hoàn toàn trong cả nước, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lúc 14 giờ ngày 2.9.1945, trước hàng chục vạn đồng bào tham dự mít tinh tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Toà hành chính cũ, nơi Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đầu hàng và bàn giao chính quyền ngày 25.8.1945

Cùng lúc đó ở miền Nam, trước hàng triệu đồng bào dự mít tinh mừng ngày Độc lập tại quảng trường Norodom, Sài Gòn (đường Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), thay mặt Lâm uỷ Hành chính Nam bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bày tỏ sẽ trung thành với chương trình Mặt trận Việt Minh; đại diện Xứ uỷ Nam bộ, ông Nguyễn Văn Nguyễn kêu gọi đồng bào Sài Gòn và cả Nam bộ ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Lâm uỷ Hành chính Nam bộ Trần Văn Giàu kêu gọi nhân dân siết chặt hàng ngũ, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập (Theo Biên niên sự kiện Nam bộ kháng chiến, NXB CTQG Sự Thật, trang 18).

Tại Tây Ninh, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ và Lâm uỷ Hành chính Nam bộ, Tỉnh uỷ lâm thời (do đồng chí Trần Xuân làm Bí thư) và Uỷ ban nhân dân (sau là Uỷ ban Kháng chiến) được thành lập. Tháng 9.1945, Tỉnh uỷ lâm thời đề ra chủ trương: -Uỷ ban nhân dân các cấp kịp thời ban hành các quyền tự do dân chủ và áp dụng các biện pháp nhằm ổn định tình hình, củng cố bộ máy chính quyền, bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân;

-Củng cố và phát triển tổ chức Mặt trận Việt Minh các cấp, xây dựng cơ sở quần chúng, mở lớp huấn luyện cho các đoàn thể Cứu quốc; -Xây dựng lực lượng dự trữ về người và lương thực, đưa số đồng chí và công nhân cao su ở Memot (Campuchia) về, vận chuyển gạo từ Đồng Tháp Mười về Tây Ninh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ lâm thời, các cấp khẩn trương hoàn thành các công việc: xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng; thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (Công an), thành lập Uỷ ban Kháng chiến, củng cố các đoàn thể Cứu quốc; tăng cường cán bộ đến xã để tổ chức chính quyền và Mặt trận.

Chính quyền cách mạng non trẻ ở Tây Ninh vừa mới ra đời đã phải giải quyết những công việc hết sức nặng nề và vô cùng khó khăn để từng bước ổn định đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời, nhân dân Tây Ninh đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù; chuẩn bị cơ sở vật chất và tinh thần sẵn sàng kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng tấn công xâm chiếm Tây Ninh một lần nữa.

Đúng như dự đoán của Trung ương, của Xứ uỷ Nam bộ, cũng như toàn miền Nam, nhân dân Tây Ninh chỉ được sống hoà bình trong đất nước độc lập, tự do chỉ được hơn hai tháng, từ ngày 25.8 đến ngày 8.11.1945. Chỉ trong một ngày 8.11, quân Pháp đã kịp kéo từ hai hướng Sài Gòn và Campuchia (qua ngả biên giới Bến Cầu) đến tiến chiếm thị xã Tây Ninh, sau khi đã vượt qua các phòng tuyến của quân dân Tây Ninh dựng lên dọc theo quốc lộ 1 (nay là QL22) và lộ 22 (nay là QL22B) ở Suối Sâu, Trâm Vàng, Bến Kéo.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), đoàn quân xâm lược Pháp đi trên 75 xe quân sự gồm 73 chiếc GMC và 2 xe tăng đi đầu, tuy có gặp đôi chút khó khăn khi lọt vào các vị trí phục kích của quân ta và bị chết một số tên ở mặt trận Bến Kéo nhưng cũng đã đến thị xã Tây Ninh lúc mới hơn 10 giờ sáng.

Trong khi đó, lực lượng vũ trang của tỉnh từ mặt trận Bến Kéo cùng bộ máy lãnh đạo chính quyền cách mạng của tỉnh rút ra vùng Tà Hụp, Thanh Điền, huyện Châu Thành; lực lượng huyện Trảng Bàng từ các phòng tuyến Suối Sâu, Trâm Vàng rút ra khu Rừng Rong, Bàu Mây, An Tịnh để tổ chức kháng chiến lâu dài.

Quân Pháp tái chiếm Tây Ninh trong một ngày người dân không ra đường, không họp chợ, triệt để thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm hưởng ứng chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của lãnh đạo kháng chiến tỉnh.

Tuy nhiên với ý đồ khôi phục lại những gì đã mất của thời kỳ cai trị thuộc địa, Pháp lập tức chiếm lại các cơ sở kinh tế, các đồn điền cao su Vên Vên, Trà Võ, Bến Củi, hãng đường Thanh Điền… Đồng thời, chúng dựng lên hệ thống đồn bót để chiếm giữ các trục giao thông đầu mối, vùng đệm giữa làng mạc và rừng núi. Hằng ngày, chúng tung quân đi càn quét, đốt phá xóm làng, tàn sát nhân dân.

Ngày ấy, ở các vùng phía Đông tỉnh, như dọc đường 19, đường 26 từ Suối Nhánh, Suối Ông Hùng về vùng xóm Phan, Suối Đá… vùng chung quanh núi Bà Đen vòng qua Trà Vong, phía Bắc huyện Châu Thành, xuống Bến Cầu, nhà cửa, ruộng vườn điêu tàn, đường sá ít thấy bóng người.

Tuy nhiên, thực tế trong suốt những năm sau đó, quân xâm lược Pháp không phải dễ dàng kìm kẹp nhân dân ta như trong giai đoạn thống trị thuộc địa Nam kỳ trước tháng 9.1945. Ngay trong những ngày đầu tại Tây Ninh, chúng đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh.

Điển hình như trận đánh “Bàu Cá Trê” ở xã Thanh Điền, chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh vài cây số. Cụ thể là ngày 11.11.1945, chỉ mới ba ngày sau khi tái chiếm Tây Ninh, quân Pháp cho 2 xe quân sự chở sĩ quan, binh lính sang Thanh Điền để khảo sát tình hình hãng đường Ca-răng, cơ sở công nghiệp chế biến mía của Pháp đã có từ trước.

Được tin báo, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức thành 2 cánh quân phục kích trên lộ 7 (đường 786 ngày nay) khoảng giữa sở cao su Oconel và hãng đường. Cánh quân thứ nhất cho đồng chí Mẫn chỉ huy phục kích tại ngã tư Đồn (ấp Thanh Phước); cánh quân thứ hai do đồng chí Trần Văn Đẩu (Tư Đẩu) chỉ huy, phục kích tại khu rừng gần bàu Cá Trê.

Sau khi khảo sát tình hình hãng đường xong, quân Pháp quay về tỉnh lỵ. Khi quân địch chạy ngang đình Thanh Điền, bộ phận quân báo của ta đánh hồi trống báo động cho lực lượng phục kích. Bọn địch cảnh giác chuyển xe có trang bị súng máy lên phía trước, chạy với tốc độ khá nhanh.

Xe địch lọt vào ổ phục kích thứ nhất, quân ta nổ súng nhưng không trúng, quân địch chạy qua luôn. Xe địch chạy đến vị trí phục kích thứ hai, ông Tư Đẩu bắn nổ lốp xe, chúng buộc phải dừng lại kháng cự.

Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng, ông Tư Đẩu bắn chết mấy tên và chỉ huy chiến sĩ xung phong diệt địch. Quân ta bắn chết 7 tên lính Pháp, trong đó có các tên sĩ quan cấp chuẩn uý và đại uý; đốt cháy 2 xe quân sự, tịch thu 2 súng đại liên Maxim, 2 súng Thomson, 1 súng trường Anh, một súng Colt 12, 1 súng P38 và 20 thùng đạn.

Trận đánh Pháp đầu tiên thắng lợi ở Thanh Điền có tác dụng rất mạnh, tạo sự phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng kháng chiến, tạo niềm tin cho đồng bào trong tỉnh, tác động mạnh mẽ vào thị xã Tây Ninh, nơi trú đóng cơ quan đầu não của địch. Số vũ khí thu được là rất quý giá trong những ngày đầu kháng chiến, quân số ít, súng đạn thiếu thốn, đã tạo nhiều thuận lợi cho những trận đánh về sau của quân ta giành thắng lợi.

  Về tình hình kinh tế xã hội Tây Ninh sau ngày 2.9.1945, hầu hết dân cư trong tỉnh, khoảng trên 200.000 người, ngoài một số rất ít người buôn bán nhỏ, làm tiểu thủ công nghiệp ở một số khu thị tứ như tỉnh lỵ Tây Ninh, các khu tập trung Gò Dầu, Trảng Bàng, đa số còn lại ở các thôn ấp xa xôi chỉ làm ruộng rẫy một vụ trong năm nhờ vào nước trời.

Tiểu thủ công nghiệp thực chất cũng chỉ có một số lò gạch thủ công dọc sông Vàm Cỏ Đông, một số lò đường “đạp trâu” ở mấy xã dọc bờ Tây sông Sài Gòn, một số lò mì thủ công ở các xã Hiệp Ninh, Ninh Thạnh ven Thị xã…

Do vậy, năm nào dân Tây Ninh cũng thiếu lương thực, “đói giáp hạt” thường xuyên. Vào những năm đầu thập niên 1950, nhất là năm Nhâm Thìn 1952, miền Đông Nam bộ bị lũ lụt dữ dội, tại tỉnh lỵ Tây Ninh nước lũ dâng lên ngập cả khu chợ cũ, phố Gia Long cũ. Dân ở thành cũng thiếu đói, dân nông thôn, quân dân vùng căn cứ kháng chiến càng hết sức vất vả, không có cái ăn.

Cảnh tượng khốn đốn ấy đã đi vào văn nghệ kháng chiến miền Nam, tiêu biểu nhất là bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, sáng tác ở khu tăng gia sản xuất kháng chiến Trảng Còng, Châu Thành, Tây Ninh mùa nước lũ năm 1952.

Cực khổ, vất vả do thiên tai, địch hoạ là thế, nhưng trong tác phẩm âm nhạc Lên ngàn vẫn toát lên niềm lạc quan mãnh liệt của những người yêu nước: “Kháng chiến nhất quyết thành công, kháng chiến nhất quyết thành công, bao giờ kháng chiến thành công, anh về em thoả ước mong”.

Sau 9 năm kháng Pháp (1945-1954) đến 21 năm chống Mỹ (1954-1975), quân dân Tây Ninh đã đóng công, góp sức, hy sinh cả máu xương không ít trong sự nghiệp đấu tranh đánh đổ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Thế rồi sau ngày toàn thắng 30.4.1975, Tây Ninh và các tỉnh biên giới Tây Nam lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu 5 năm nữa, đến khi ta đánh đuổi được bọn diệt chủng Pol Pot ra khỏi biên giới và giúp đỡ đất nước Campuchia hồi sinh, tỉnh Tây Ninh mới thực sự được vui hưởng hoà bình, bắt tay vào xây dựng lại quê hương, đất nước.

Tuy chỉ với xuất phát điểm gần như chỉ có “hai bàn tay trắng”, nhưng suốt 79 năm qua, đất và người Tây Ninh đã giữ gìn và thực hiện trọn vẹn lời thề “Độc lập hay là chết!” từ “Hội thề Rừng Rong” mùa xuân kháng chiến đầu tiên năm xưa.

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục