Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2023):
Tây Ninh - “gương mặt mới” trong nhóm 30 tỉnh, thành dẫn đầu
Thứ hai: 16:58 ngày 13/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất, nhờ những cải thiện đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động…

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo báo cáo PCI 2023, Tây Ninh nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất, nhờ những cải thiện đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Xu hướng bứt tốc của những tỉnh nhóm sau

Báo cáo chỉ số PCI là ấn phẩm thường niên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác tư nhân nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo PCI 2023 vừa được công bố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 71,25 điểm. Các vị trí còn lại trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu là Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp. Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất có một số “gương mặt mới” so với năm 2022, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào nhóm 30 của bảng xếp hạng PCI và cũng cho thấy xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế trong cả nước.

Báo cáo PCI 2023 phân tích, dấu hiệu bứt tốc của những tỉnh nhóm sau trong kết quả PCI có thể thấy rõ ở điểm số PCI của những tỉnh đứng cuối bảng năm 2023 có sự gia tăng đáng kể về điểm số so với các tỉnh đứng cuối PCI 2022 (tăng 1,79 điểm). Điểm số PCI của tỉnh đứng cuối PCI 2023 lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm và đây là mức điểm cao nhất trong 18 năm xây dựng, công bố PCI trên cả nước.

“Có thể thấy trong 10 năm trở lại đây, các tỉnh nhóm sau về chất lượng điều hành đã cải thiện chất lượng điều hành kinh tế để có sự bứt phá. Những tỉnh này có thể tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi có thể học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn” - báo cáo PCI 2023 phân tích.

Dấu hiệu thứ hai là những tỉnh đứng đầu PCI dường như có xu hướng chựng lại trong thời gian gần đây trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Những tỉnh đứng đầu hiện đang đứng trước áp lực lớn từ việc vừa phải sáng tạo hơn trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi vừa phải duy trì hiệu quả các nỗ lực cải cách trong bối cảnh nhiều tỉnh nhóm sau đang vươn lên mạnh mẽ.

Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh nỗ lực “lội ngược dòng”

Trong những năm gần đây, một thực trạng đáng lo ngại là PCI của Tây Ninh liên tục bị giảm thứ hạng, từ nhóm “Tốt” xuống nhóm “Khá”, “Trung bình” và năm 2022 thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng.

Cụ thể, năm 2022, chỉ số PCI Tây Ninh đạt 62,31 điểm, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 8/10 tiêu chí thành phần đều thấp hơn mức điểm bình quân của cả nước, đặc biệt có một số chỉ số thành phần điểm rất thấp, như “tính năng động của chính quyền” đạt 6,07 điểm, xếp hạng 63/63; “đào tạo lao động” đạt 4,17 điểm, xếp hạng 61/63, “tính minh bạch” đạt 5,67 điểm, xếp hạng 48/63…

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và các chỉ số hành chính được xác định là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Nội dung này được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, chỉ đạo giải pháp và HĐND tỉnh cũng đã tổ chức các đợt giám sát chuyên đề về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.

UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo điều hành đối với cơ quan hành chính các cấp trong việc nâng cao các chỉ số. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Đề án “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025” (theo Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 25.6.2021 của UBND tỉnh).

Tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, mời chuyên gia của VCCI trực tiếp phân tích, đánh giá chỉ số PCI tỉnh Tây Ninh và đưa ra các khuyến nghị cụ thể để tỉnh cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Từ những nỗ lực trên, năm 2023, Tây Ninh “lội ngược dòng” từ nhóm cuối bảng xếp hạng lên nhóm 30 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Cụ thể, tỉnh đạt 67,8 điểm, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố. 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2022 và nhiều chỉ số đạt điểm khá cao. Nổi bật như “gia nhập thị trường” đạt 7,29 điểm, “chi phí thời gian” đạt 7,95 điểm, “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đạt 7,41 điểm, “tiếp cận đất đai” đạt 7,33 điểm.

Một số chỉ số thành phần bị đánh giá xếp hạng thấp trong năm 2022 đều đã cải thiện rất nhiều trong PCI 2023, như “tính năng động của chính quyền” tăng 0,84 điểm, “đào tạo lao động” tăng 2,25 điểm.

Năm 2023, có 2 chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị giảm điểm so với năm 2022 đó là “tính minh bạch” giảm 0,4 điểm và “chi phí không chính thức” giảm 0,17 điểm.

Với nguồn dữ liệu thu thập được từ quá trình khảo sát các doanh nghiệp tư nhân, báo cáo PCI đưa ra những nhận định khách quan, khoa học để chính quyền tỉnh hiểu hơn về những khó khăn và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó chính quyền tỉnh có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nhất là những chỉ số thành phần bị đánh giá thấp; soạn thảo chính sách, điều hành, quản lý nhà nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

7 điểm đáng chú ý trong PCI 2023:

-Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực;

-Chi phí không chính thức tiếp tục có chiều hướng giảm;

-Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn;

-Cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực;

-Trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng;

-Các doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn;

-Cần xốc lại tinh thần năng động tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục