Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 10.2020
Thứ tư: 09:14 ngày 07/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 6.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị giao ban xây dựng cơ bản tháng 10.2020. Tham dự có lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2020 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.438,866 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao đầu năm 2020 tại Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 6.12.2019 là 4.393,914 tỷ đồng. Trong năm, kế hoạch vốn đầu tư XDCB được HĐND tỉnh điều chỉnh bổ sung 514,9 tỷ đồng (tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 29.5.2020), như vậy, tổng vốn đầu tư XDCB sau khi điều chỉnh là 4.938,814 tỷ đồng.

Đến hết ngày 30.9.2020, tỉnh đã giải ngân 3.228,609 tỷ đồng, đạt 98,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 73,48% kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 67,37% kế hoạch HĐND tỉnh điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị giao ban xây dựng cơ bản tháng 10.2020.

Trong đó, ngân sách địa phương đã giải ngân 2.593,285 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 70,9%  kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 63,93% kế hoạch HĐND tỉnh điều chỉnh. Trung ương hỗ trợ (vốn trong nước, bao gồm trái phiếu Chính phủ) đã giải ngân 458,972 tỷ đồng, đạt 84,32% kế hoạch. Vốn ODA đã giải ngân 176,352 tỷ đồng, đạt 91,85% kế hoạch.

Kế hoạch vốn năm đã được giao hết ngay từ những tháng đầu năm, nguồn vốn được phân khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức, triển khai thi công và đăng ký phân khai chi tiết kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng không còn nợ đọng XDCB thuộc nhiệm vụ của ngân sách tỉnh tính đến hết ngày 30.6.2020 trên địa bàn tỉnh; khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.

Qua đánh giá, các đơn vị đã có cố gắng nỗ lực trong công tác triển khai, thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân đến 30.9.2020 đã cải thiện rất nhiều so với các năm trước (năm 2020 là 65,37%; năm 2019 là 59,15% kế hoạch, năm 2018 là 52,56% kế hoạch).

Bên cạnh những kết quả tích cực, hội nghị cũng đánh giá tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn còn thấp hơn mục tiêu đã đặt ra là "đến 30.9.2020 đạt 75% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản được giao". Cụ thể: tỷ lệ giải ngân dưới 75% kế hoạch có 22/29 đơn vị (14/20 đơn vị cấp tỉnh và 8/9 đơn vị cấp huyện); tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch có 12/29 đơn vị (10/20 đơn vị cấp tỉnh và 2/9 đơn vị cấp huyện); đặc biệt, vẫn còn 5 đơn vị cấp tỉnh chưa thực hiện giải ngân.

Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và triển khai tích cực, song một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Công tác lập và hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn chậm, gây ảnh hưởng đến công tác giao kế hoạch XDCB năm 2021...

Lãnh đạo UBND huyện Tân Châu phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo tình hình giải ngân 9 tháng đầu năm 2020, những khó khăn của địa phương, hướng khắc phục. Các địa phương, sở, ban ngành tỉnh cũng cho ý kiến đối với các nội dung: Dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021–2025; dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021... Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với các nội dung này.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, tỷ lệ giải ngân của tỉnh trong 9 tháng đầu năm mặc dù không đạt 75% nhưng đó cũng là một kết quả rất tích cực, cho thấy các địa phương, các đơn vị... có quyết tâm, có cố gắng. Bên cạnh những điểm sáng thì còn những hạn chế, từ đó tỉnh và địa phương cần phải có cách làm, có tư duy mới trong bố trí giải ngân trung hạn và trong năm 2021.

Những đơn vị nào giải ngân không đạt 75% cần phải có báo cáo giải trình nguyên nhân, khó khăn và quan trọng hơn là phải có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục để hướng tới cột mốc ngày 30.11.2020 đạt 85% theo tinh thần Chỉ thị của UBND tỉnh. Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, các sở, ngành để bổ sung hoàn chỉnh.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục