Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Hội Kiến trúc sư Việt Nam do TS.KTS Phan Đăng Sơn- Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc chiều 26.8, Hội Kiến trúc sư tỉnh cho biết, thực hiện Luật Kiến trúc 2019, thời gian qua, Tây Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện theo các quy định, các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, giai đoạn 2015-2020, tỉnh có 9 đô thị được phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch, kiến trúc đô thị. Kiến trúc khu vực ngoài đô thị được thực hiện theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
Tỉnh cụ thể hoá Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành các kế hoạch để triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương thực hiện.
Hội Kiến trúc sư tỉnh có 43 hội viên, thời gian qua, Hội tích cực tham gia các hoạt động, điển hình như tham gia Hội đồng nghệ thuật công trình cầu Thái Hoà, tham gia phản biện Quy hoạch chung tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Hội còn thực hiện vận động hỗ trợ học sinh nghèo và Hội Khuyến học 100 triệu đồng.
Theo Hội Kiến trúc sư tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Kiến trúc 2019, như các tỉnh khác, Tây Ninh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 14 về quy chế quản lý kiến trúc của luật chưa phù hợp với đặc thù của địa phương, có những nội dung đã được xác định tại đồ án quy hoạch đô thị được duyệt và quy định trùng lặp với nhiệm vụ của ngành văn hoá.
Tại khoản 2, Điều 27 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc quy định không yêu cầu giấy tờ xác nhận “không vi pham quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề”, tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 28 của luật thì đây là một điều kiện để được xem xét, gia hạn chứng chỉ này. Khoản 2, Điều 28 của luật và khoản 3, Điều 25 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP chưa có sự thống nhất về quy định thi sát hạch khi thực hiện gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác quản lý kiến trúc trên địa bàn, xác định đây là vấn đề khó trong quá trình phát triển địa phương, để hình thành nên một kiến trúc đô thị đẹp, hiện đại, gắn với bản sắc địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước cũng như định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Những đóng góp của Hội, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để phát huy những mặt được, ghi nhận những hạn chế để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới và giao Hội Kiến trúc sư tỉnh tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh những nội dung mà Hội đã đề cập, nhất là triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW đi vào cuộc sống với những sản phẩm cụ thể, chứ không chỉ trong kế hoạch.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp Bộ Xây dựng tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn, phù hợp với vùng miền nhằm định hướng cho các địa phương. Tỉnh mong muốn sẽ nhận được sự tư vấn của Hội về kiến trúc khi thực hiện các dự án quan trọng.
TS.KTS Phan Đăng Sơn ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Tây Ninh và cho biết sẽ tổng hợp để kiến nghị với Bộ Xây dựng, nhất là những vướng mắc khi thực thi Luật Kiến trúc 2019 còn khó khăn trong hoạt động hành nghề của các kiến trúc sư cũng như công tác quản lý nhà nước về kiến trúc ở địa phương, để có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
C.T