BAOTAYNINH.VN trên Google News

MỪNG ĐẢNG 92 NĂM DẪN LỐI MÙA XUÂN DÂN TỘC:

Tây Ninh mãi mãi là căn cứ địa cách mạng trong lòng Dân ý Đảng 

Cập nhật ngày: 04/02/2022 - 07:38

BTN - Mùa xuân năm 2022, Đảng ta bước sang năm thứ 92 trên đường dẫn dắt dân tộc Việt Nam hướng tới tương lai của đất nước độc lập, phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích Trung ương Cục năm 2016.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, chiếu rọi ánh sáng cách mạng, chân lý của thời đại vào đêm trường nô lệ cả trăm năm do chủ nghĩa thực dân, đế quốc áp đặt lên đất nước ta. Tại một góc trời miền biên viễn phía Tây Nam đất nước, hơn 9 thập niên qua đã có mặt những đảng viên của các tổ chức Đảng đầu tiên. Đó là những nhân tố khơi dậy phong trào cách mạng, tuyên truyền vận động quần chúng chống lại sự xâm lược, thống trị của hai thời kỳ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Theo tài liệu “Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Tây Ninh” do Ban Tổng kết chiến tranh Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1984, từ khi có Đảng, Tây Ninh đã là đất căn cứ cho phong trào cách mạng nhiều tỉnh Nam bộ. Từ những năm 1930, đồng chí Lê Minh Xuân, lúc phong trào ở Tân An (Long An ngày nay- NV) gặp khó khăn đã lui về Động Lông Công tổ chức quần chúng cơ sở hoạt động. Đồng chí Võ Văn Lợi, người Bà Điểm bị bắt đi lính tập, đã tổ chức lấy vũ khí và bỏ trốn; không ở Bà Điểm (Hóc Môn) được, đồng chí lánh lên Giồng Nần tổ chức quần chúng, tuyên truyền và phát triển Đảng (cơ sở Đảng đầu tiên tại Tây Ninh- NV). Năm 1940, sau Khởi nghĩa Nam kỳ, các đồng chí người Hóc Môn đã rút quân về Truông Mít che giấu lực lượng. Dựa vào rừng và dân địa phương, hơn 100 nghĩa quân do đồng chí Võ Công Bỉnh và Lê Bình Đẳng chỉ huy đã ở đây hơn một tháng an toàn. Cũng sau Khởi nghĩa Nam kỳ, nhiều đồng chí ở thành phố (Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) và các tỉnh khác đã lui về Tây Ninh gây dựng cơ sở, trong đó có đồng chí Trần Kim Tấn (Cần Thơ) về sau trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Tây Ninh.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (bên phải) và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bên trái) về thăm Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục năm 2012.

Trong kháng chiến chống Pháp, vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng trên vùng Bắc Tây Ninh rất được địa phương coi trọng. Về sau, Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam bộ về mở rộng và củng cố thêm căn cứ này, trên vùng đất Tân Biên - Tân Châu ngày nay, với sự tham gia nhiều mặt của quân dân Tây Ninh, xây dựng lực lượng hậu cần, tổ chức rèn cán, chỉnh quân, bảo đảm việc lãnh đạo và chỉ đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trên toàn chiến trường. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh một lần nữa được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ đặt cơ quan đầu não cách mạng là Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.

Thật ra, sự lựa chọn này đã được Đảng ta xác định từ khoảng giữa cuộc “kháng chiến chín năm”. Kể về sự lựa chọn này, đồng chí Ngô Quang Nghĩa (Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh Miền, nguyên Giám đốc Công an Tây Ninh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân Bộ Công an, thường gọi là ông Chín Nghĩa), viết trong sách “Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Tỉnh uỷ Tây Ninh phối hợp xuất bản năm 2010, cho biết: Thời điểm tôi (ông Chín Nghĩa) làm cán bộ của Ty Công an Tây Ninh đóng căn cứ tại chiến khu Trà Vong thuộc huyện Châu Thành. Một ngày cuối năm 1950, đầu năm 1951, anh Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ uỷ Nam bộ có mặt tại khu căn cứ Trà Vong, đến Ty Công an xem vườn rau cải của cán bộ, chiến sĩ trồng cải thiện chuẩn bị ăn tết, vì vào dịp cuối năm, đến mùa khô chúng tôi thường trồng nhiều rau cải để đến tết làm dưa muối, anh khen chúng tôi đáo để. Lúc đó tôi được các anh lãnh đạo bí mật cho biết, đó là anh Ba Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ. Trước đó tôi chỉ nghe tên anh mà chưa gặp mặt lần nào. Sau này mới biết anh lên Tây Ninh không chỉ để thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ kháng chiến mà còn một mục đích khác rất quan trọng là khảo sát địa hình, địa thế Tây Ninh, sự việc này cho thấy anh Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo chiến lược chính trị, chiến lược quân sự tài ba lỗi lạc. Anh đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến tranh kiên trì lâu dài với địch.

Bàn viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những ngày hoạt động tại Sài Gòn trưng bày tại Khu di tích Trung ương Cục. Ảnh: Đ.H.T

Xe tăng Mỹ bị quân giải phóng tiêu diệt ở chiến khu Bắc Tây Ninh mùa khô năm 1967. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Một cụm đài vô tuyến điện của Ban Thông tin vô tuyến điện Trung ương Cục miền Nam. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Nghiên cứu địa thế xong, anh Lê Duẩn cho chuẩn bị công tác xây dựng căn cứ ngay. Sau khi sáp nhập tỉnh Tây Ninh với tỉnh Gia Định để lập tỉnh Gia Định Ninh, anh Huỳnh Văn Một là Chính trị viên Tỉnh đội Gia Định Ninh được điều về làm Trưởng Ban Căn cứ liên khu miền Đông. Ngoài nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ khu căn cứ, Ban Căn cứ còn làm nhiệm vụ chuyển lương thực từ căn cứ địa Đồng Tháp về dự trữ tại rừng Ninh Điền, Cây Chò. Mọi công việc xây dựng căn cứ đã cơ bản hoàn thành.

Tháng 2.1951, Trung ương tổ chức Đại hội II của Đảng ở chiến khu Việt Bắc, quyết định Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Sau Đại hội, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam bộ, gồm Khu 7, Khu 8, Khu 9 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Cục đóng căn cứ tại nơi đồng chí Lê Duẩn đã khảo sát và chỉ đạo xây dựng trên vùng rừng rậm Bắc Tây Ninh.

Lịch sử đã chọn Tây Ninh để làm căn cứ địa cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến cứu nước. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn có cơ sở đúng đắn dựa trên thế đất, lòng dân, hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Cũng trong sách “Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã nhận định: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh chẳng những đã đem lại niềm tự hào, kiêu hãnh cho nhân dân ta, mà còn làm cho kẻ thù luôn luôn khiếp sợ. Do vậy, trước đây bọn Mỹ - nguỵ lan truyền trong quân ngũ chúng một câu vè “R còn thì Sài Gòn mất”. Những tướng lĩnh vạch ra kế hoạch tác chiến cho đội quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam nước ta cũng đã từng gọi căn cứ Trung ương Cục, căn cứ Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền là “Nhà Trắng và Lầu Năm Góc của Việt Cộng trong rừng rậm”.

Về “thế trận lòng dân” sự lựa chọn của lịch sử cũng đạt trên truyền thống bất khuất của người dân Tây Ninh từ khi dân ta mới đặt chân đến miền “đất thánh” này từ ba thế kỷ trước, thể hiện qua quyết tâm và lòng trung nghĩa bám đất, giữ làng, bảo vệ quê hương. Và từ sau khi có Đảng, 92 năm trước là một dạ trung trinh đi theo cách mạng dưới cờ Đảng quang vinh và tư tưởng, đạo đức, phong cách của người khai sinh Đảng ta- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bác Hồ cũng đã bao lần thiết tha mong muốn vào Tây Ninh để thăm đất, thăm người, động viên cán bộ, chiến sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc tham gia kháng chiến, bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng - Trung ương Cục miền Nam trên đất Tây Ninh.

Cũng trong bài viết của mình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: Quý trọng mảnh đất thiêng liêng này, chúng ta xiết bao xúc động nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Tính từ mùa hè năm 1967 đến giữa năm 1969 Bác đã gửi vào chiến khu Bắc Tây Ninh 10 bức thư và điện cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo và các vụ trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng, cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam. Chúng ta còn được biết thêm một điều quan trọng là, trong bức thư đã gửi cho đồng chí Lê Duẩn ngày 10.3.1968, Bác Hồ đã trình bày nguyện vọng thiết tha với Trung ương muốn được vào chiến trường miền Nam, vào chiến khu Bắc Tây Ninh để thăm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta.

Trong bức thư đề ngày 10.3.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhớ lại hồi Nô-en năm ngoái, Chú có ý khuyên B. (chú thích trong sách có nghĩa là Bác-NV) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn B. rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (trong ấy-NV) đang chuẩn bị mở màn thứ ba (chiến dịch Mậu Thân đợt 3-NV). Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em. Cách đi B. sẽ làm công trên một chuyến tàu thuỷ. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Việc này B. sẽ tự thu xếp, dễ thôi. Lúc đến anh em trỏng chỉ phụ trách tiếp đón khi tàu cặp bến Miên (Campuchia-NV) và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy”.

“Anh Sáu” Bác Hồ đã viết trong thư là mật danh của đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được tăng cường vào chiến trường miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục sau Mậu Thân 1968. Còn “Anh Bảy” là mật danh của đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm tháng trôi qua, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi vào dĩ vãng, nhưng căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh là biểu tượng chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện giá trị tinh hoa về tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vùng đất thánh cách mạng thiêng liêng này, sẽ trường tồn trong trái tim và khối óc của mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Mùa xuân 2022, đất nước ta một lần nữa khẳng định vị thế của Tổ quốc trên trường quốc tế sau hai năm liên tục đương đầu với đại dịch toàn cầu Covid-19 với kết quả thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội với việc duy trì mức tăng trưởng dương, trong đó có mức tăng xuất khẩu đạt kỷ lục trong các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong thành tựu chung của đất nước có thành tựu đáng mừng của quê hương Tây Ninh cho dù vẫn phải căng mình ra đương đầu với đại dịch để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh tự hào tiếp nối truyền thống “Quê hương trung dũng kiên cường” trong bảo vệ, và xây dựng đất nước đổi mới, nhất định sẽ phấn đấu thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của năm Nhâm Dần- 2022 theo Nghị quyết Tỉnh uỷ đã đề ra.

N.T.H