BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh, mùa thu ấy...

Cập nhật ngày: 06/09/2010 - 09:23
HTML clipboard

65 năm trước, vào những ngày thu năm Ất Dậu-1945, cả dân tộc ta đoàn kết, tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng lúc bấy giờ vừa 15 tuổi đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đập tan xiềng xích dưới ách đô hộ “một cổ hai tròng” của giặc ngoại xâm thực dân Pháp, phát-xít Nhật; đồng thời chế độ phong kiến của triều đình nhà Nguyễn vốn đã đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho giặc cũng cáo chung. Một tuần lễ sau khi thủ đô Hà Nội tổng khởi nghĩa, ngày 25.8.1945, nhân dân Tây Ninh cùng các tỉnh, thành Nam bộ nhất tề nổi dậy giành chính quyền, góp phần cùng cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám (CMT8) thành công vang dội trong lịch sử dân tộc.

 

1

Tiền khởi nghĩa

Những người lãnh đạo, tham gia cuộc CMT8 ở Tây Ninh 65 năm trước đến nay hầu hết đều đã qua đời, một vài người còn sống nay cũng đã đứng vào hàng thượng thọ. Thuở ấy họ vừa đôi mươi hừng hực sức trẻ, bây giờ họ đã là bậc lão thành trên dưới 85 tuổi. Tất nhiên thể lực không còn tráng kiện, trí tuệ phần nào giảm sút sự minh mẫn, nhưng chắc chắn hằng năm mỗi độ vào thu, họ lại nghe nao nức trong lòng nhớ về một thuở ngút trời hào khí.

Cách nay 5 năm, năm 2005, cũng vào dịp những ngày lễ trọng đại này, chúng tôi lần giở những trang sử địa phương để tìm danh tính những người từng tham gia tổ chức, chỉ huy, dẫn đầu các đoàn người nổi dậy làm cách mạng, tham gia cuộc biểu tình giành độc lập ở sân vận động tỉnh ngày 23.8.1945, rồi rà soát lại trong cuộc sống hiện tại, thì dường như chỉ còn có một vị vẫn sống đến ngày kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám (CMT8), Quốc khánh 2.9. Đó là ông Lâm Phước Tôn, một vị cách mạng lão thành, nguyên là Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh Tây Ninh. Năm 2005, khi chúng tôi tìm gặp ông Lâm Phước Tôn đã 84 tuổi và đang sống yên vui trong cảnh “tứ đại đồng đường” ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông (Hoà Thành). Bà con ở đây quen gọi ông một cách thân thương là ông Hai Tôn. Đến nay, khi cả nước tưng bừng chào đón kỷ niệm 65 năm độc lập thì ông Hai Tôn không còn nữa. Rất may trong dịp gặp gỡ 5 năm trước, chúng tôi đã kịp ghi lại những điều ông lưu giữ trong ký ức gần trọn cuộc đời. Một lần nữa chúng tôi xin được kể lại để những bạn đọc trẻ hôm nay hiểu được những gì ông cha ta đã làm để giành lại độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ thị trấn Hoà Thành theo lộ Trung Hoà, con lộ trước kia xe cộ chỉ đi được hai bên lề vì giữa đường toàn những “vũng trâu đằm”, nay đã trải nhựa phẳng phiu cao ráo, qua cầu Giải Khổ vòng quanh cảnh chùa Trí Huệ Cung đẹp như tranh, rồi vừa qua khỏi cầu Đoạn Trần về phía chợ Trường Lưu một đoạn vài trăm mét, chúng tôi đến nhà ông Hai Tôn, nằm ngay bên đường nhưng không quay mặt mà quay hông ra đường nhựa. Ông cụ râu tóc bạc phơ đang nằm đong đưa nhè nhẹ trên chiếc võng mắc giữa hai gốc cột hàng ba trông thật an nhàn thanh thản.

Trịnh trọng mời khách vào ngồi bàn giữa trong nhà, ông Hai Tôn trầm ngâm nhớ về dĩ vãng, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về cuộc tổng khởi nghĩa CMT8 ở Tây Ninh:

- Hồi đó chú từ đây ra đi làm cách mạng, mấy chục năm qua bây giờ lại trở về đây dưỡng già, chắc là chú vẫn vui, vẫn khoẻ chứ?

- Ừ, ở tuổi chú mà được như vầy là khoẻ lắm chứ. Nhưng chú chỉ trở về đây chứ không phải từ đây mà đi.

Chúng tôi ngạc nhiên:

- Thưa chú, tụi cháu đọc trong sử, thấy nói chú dẫn đầu đoàn biểu tình từ Trường Hoà lên tỉnh làm CMT8, rồi bây giờ chú ở Trường Đông, tuy tên gọi khác nhưng cũng là xã Trường Hoà tách ra, sao chú lại nói không phải đi từ nơi này?

Ông Hai Tôn cười móm mém:

- Thật vậy đó cháu. Hồi đó chú hoạt động phong trào Việt Minh ở bên Chà Là. Bây giờ xã Chà Là thuộc huyện Dương Minh Châu, chứ hồi đó là một ấp của xã Trường Hoà. Mà đúng ra cũng chỉ một nửa Chà Là bên phải đường từ thị xã đi xuống thuộc Trường Hoà thôi, còn nửa bên trái con đường thuộc xã Hiệp Ninh. Thời tiền khởi nghĩa cả tỉnh chỉ có hai quận Trảng Bàng và Châu Thành. Hai xã Hiệp Ninh, Trường Hoà đều thuộc Châu Thành. Tới giữa cuộc “kháng chiến chín năm” mình mới thành lập huyện Dương Minh Châu. Còn thằng địch thì tới thời Mỹ mới lập quận Phú Khương. Hồi đó đoàn biểu tình do chú dẫn đi là dân làm ruộng ở xóm Chà Là, cùng với một số là công nhân sở cao su Cầu Khởi, dân xóm Bình Linh, cả đoàn chừng hơn năm trăm người. Thành thử lịch sử ghi là có một đoàn biểu tình từ Trường Hoà tuy cũng không sai, nhưng nếu ghi là từ Chà Là, Cầu Khởi thì càng đúng hơn.

Dù rất thán phục trí nhớ tuyệt vời của cụ già, chúng tôi vẫn hỏi gặng:

- Vậy sao nhà chú bây giờ ở Trường Lưu, thuộc Trường Hoà cũ?

- Chuyện đó hơi lòng vòng, để chú kể cho nghe…

Ông Hai Tôn cho biết, ông không phải là dân Tây Ninh. Ông sinh ra ở Bạc Liêu trong cái thời của các chàng công tử coi tiền như rác, nhưng ông chỉ là một cậu học trò con nhà nghèo. Hết bậc tiểu học ông lên Sài Gòn học lấy bằng diplome (bằng Thành Chung, tương đương bậc Trung học cơ sở bây giờ). Hồi đó có cái bằng “Rút rơm trâu ăn mê” là dư sức kiếm một chân thầy ký, thầy thông, nhưng Hai Tôn không thích làm công chức cho Tây nên đành chịu… thất nghiệp. Vả lại đầu năm 1945, sau khi bị quân Nhật đảo chính, chính quyền thực dân Pháp hầu như đã “rã đám”, còn nguỵ quyền Trần Trọng Kim thân Nhật thì cũng chỉ có hư danh, vì lúc này quân Nhật đã thua đồng minh trên khắp các chiến trường châu Á, Thái Bình Dương nên cũng chẳng còn thiết tha gì với bộ máy cai trị Đông Dương. Vốn có nghề đá banh khá giỏi, Hai Tôn theo bạn bè lên tận xứ Cao Miên, “đá banh mướn” cho đồn điền cao su ở Mimot. Rồi cũng ham vui theo bạn bè, chàng “cầu thủ thuộc hạng chuyên nghiệp” này thường xuyên lên xuống xóm Chà Là, xóm Bình Linh gần sở cao su Cầu Khởi. Ở đây chàng phải lòng một cô công nhân cạo mủ rồi “bén rể” luôn ở xã Trường Hoà xưa.

Được hỏi nguyên do nào ông lại tham gia Mặt trận Việt Minh, rồi lại được “nhóm Đảng Quán Cơm” giao nhiệm vụ phát động phong trào ở Chà Là? Ông Hai Tôn cho biết, tình cờ trên một chuyến xe đò Tây Ninh – Trảng Bàng đi trên lộ 26 qua xóm Chà Là, ông quen biết với ông Trần Văn Đẩu, thường gọi là ông Tư Đẩu. Thấy Hai Tôn trẻ trung, lanh lợi, ra vẻ người có học, Tư Đẩu bắt chuyện làm quen. Nói xa nói gần, thăm dò tình ý, Tư Đẩu biết Hai Tôn tuy học trường Pháp, đá banh cho Pháp nhưng chẳng ưa gì thằng Tây, bèn ngỏ lời mời mọc tham gia Việt Minh. Hai Tôn hỏi:

- Việt Minh là gì?

Tư Đẩu nói vắn tắt:

- Việt Minh là mặt trận đoàn kết hết thảy mọi giai cấp, tầng lớp dân Việt Nam để làm cách mạng giải phóng dân tộc.

- Vậy có đánh Tây không?

- Thì phải đánh Tây mới giải phóng ách ngoại xâm được chớ!

- Vậy có đánh Nhựt không?

- Đánh luôn.

- Sao ở Tây Ninh này có nhiều người nói Nhựt cũng là dân da vàng, “đồng chủng đồng văn” với mình, cần liên kết với Nhựt để mượn sức của Nhựt đánh Tây?

- Đó là cái giọng mị dân của chính phủ tay sai Trần Trọng Kim. Quân Nhựt là trục phát-xít, coi tất cả các dân tộc khác là hạ đẳng, muốn thôn tính cả loài người, chứ “đồng chủng đồng văn” gì!

- Vậy thì tôi theo.

 

2

Nhóm đảng quán cơm

Sau lần gặp ông Trần Văn Đẩu, được hiểu rõ về đường lối cách mạng, ông Hai Tôn không lên Mimot “đá banh mướn” nữa mà về Tây Ninh ở hẳn để tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Hai Tôn kể:

Khi được ông Tư Đẩu tuyên truyền, giác ngộ, thật ra coi như tôi đã là dân Tây Ninh rồi. Tôi lên xuống Chà Là, Bình Linh vì đã quen biết và cưới bà nhà tôi là một cô công nhân cạo mủ thuộc sở cao su Cầu Khởi tên là Phạm Thị Nghĩa. Nhờ biết tiếng Pháp, nên tôi có quen cả gia đình của chủ sở là Tây Ac-nô, mà dân mình thường gọi là “Tây Vẹo” đó. Sau này khi ta giành được chính quyền, rồi Pháp trở qua tái xâm lược Việt Nam, nhờ mối quan hệ đó mà tôi tạo được chút ít điều kiện thuận lợi cho lực lượng kháng chiến ở khu vực Trường Hoà cũ.

Để tiện bề hoạt động, ông Tư Đẩu đưa tôi đến trú ngụ tại một cơ sở cách mạng ở ven thị xã là quán cơm của vợ chồng ông Hai Khoảnh. Đây là địa điểm đã đi vào lịch sử cách mạng của Tây Ninh với địa danh “Quán Cơm”. Quán Cơm nằm bên đường từ tỉnh lỵ Tây Ninh đi lên biên giới qua khẩu Xa Mát, nhưng chưa ra khỏi tỉnh lỵ, ở vào khoảng từ ngã tư Bình Minh lên Cầy Xiên bây giờ. Thường xuyên ở Quán Cơm chỉ có vài ba người là tôi (Hai Tôn), với Bảy Mì, Bảy Của… làm như là người giúp việc trong quán. Còn các ông lãnh đạo mà sau này tôi mới biết mấy ổng là đảng viên thì ở chỗ khác, hoặc ở nhà riêng, thỉnh thoảng mới họp mặt, liên lạc với nhau trong chốc lát như những khách vãng lai ghé quán ăn cơm.

Phố Gia Long ngày xưa - con đường khởi nghĩa giành chính quyền từ Quán Cơm đến dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh

Khi tôi đến Quán Cơm, vào khoảng tháng 6 năm 1945 thì tỉnh ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh, có nòng cốt là các đảng viên cộng sản, nhưng trong tỉnh chưa có tổ chức Đảng, chỉ có các nhóm đảng viên lẻ ở nhiều nơi. Từ mùa thu năm 1940 sau sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa, chính quyền thực dân Pháp ruồng bố, bắt bớ những người cộng sản rất ráo riết. Nhiều cán bộ, đảng viên tham gia khởi nghĩa tạm lánh lên Tây Ninh bằng nhiều đường, từ đó họ “gây men” phong trào ở nhiều nơi trong tỉnh. Chẳng hạn như là ở Bàu Đồn, Truông Mít có một đội nghĩa quân của tỉnh Gia Định độ một trăm người do các đồng chí Võ Công Bỉnh và Lê Bình Đảng chỉ huy về trú ẩn trong các khu rừng rậm, được nhân dân bí mật tiếp tế, giúp đỡ. Nghĩa quân trụ lại đây độ một tháng thì bị giặc Pháp truy lùng ráo riết phải chuyển sang vùng Đôn Thuận, Lộc Hưng, rồi rút xuống Đồng Tháp Mười ở miền Tây Nam bộ. Các cánh khác thì có đồng chí Huỳnh Văn Thanh, người quản lý báo Dân Tiến ở Sài Gòn, cùng vợ là đồng chí Mỹ Lan lánh về khu vực núi Bà Đen. Ở Suối Đá thì có đồng chí Trần Kim Tấn, cùng các đồng chí nữ là Tiếu, Bảy về ẩn náu hoạt động. Khu vực Châu Thành thì có đồng chí Nguyễn Công Bằng cùng người chị ruột là bà Ba Lá từ Hóc Môn chạy lên. Ở khu vực Giồng Nần (Bến Cầu) có đồng chí Võ Văn Lợi cũng từ “18 thôn Vườn Trầu” đến gây cơ sở cách mạng, lan qua sông Vàm Cỏ Đông sang Bến Kéo, gieo hạt giống cách mạng phía Tây Nam khu vực Toà thánh Cao Đài. Đặc biệt ở Quán Cơm đã có một nhóm Đảng hoạt động từ trước do đồng chí Lên, tức Tư Địa tổ chức. Nhóm này có các đồng chí Phạm Tung (Năm Tung, sau là Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời), Trần Văn Mạnh (Hai Mạnh, người tổ chức phát động cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phrăng-si-ni từ năm 1939), Tư Đẩu (Trần Văn Đẩu, sau là người chỉ huy quân sự của tỉnh, Chi đội phó chi đội 11)… Sau này Đồng chí Huỳnh Văn Thanh móc nối được với nhóm Đảng Quán Cơm và trở thành người lãnh đạo, mặc nhiên là Trưởng ban cán sự Đảng, tiền thân của Tỉnh uỷ Tây Ninh. Do vậy, nhóm Đảng Quán Cơm có vai trò đặc biệt quan trọng trong Cách mạng Tháng 8 ở Tây Ninh.

N.T.H

(Còn tiếp)