BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh, mùa thu ấy... (kỳ 2)

Cập nhật ngày: 08/09/2010 - 10:18

Bài liên quan:

>> Tây Ninh, mùa thu ấy...

Ông Lâm Phước Tôn kể tiếp: Cuối năm 1944, đồng chí Huỳnh Văn Thanh liên lạc được với Xứ uỷ Nam bộ, nắm được chương trình hoạt động Việt Minh và triển khai thành lập Mặt trận ở Tây Ninh. Với nội dung tập hợp, đoàn kết toàn dân để đấu tranh giải phóng dân tộc, Mặt trận nhắm vào các đối tượng công nhân, nông dân và trí thức để tổ chức lực lượng. Khi tôi (Hai Tôn) đến ở Quán Cơm thì thấy có ông Năm Tung thường xuyên gặp gỡ các ông Hai Mạnh, Tư Đẩu. Bên ngoài, ông Năm Tung là công chức ngành Kiểm lâm của Pháp, còn ông Tư Đẩu, ông Hai Mạnh là người làm nghề khai thác lâm sản, nên họ gặp nhau để liên hệ xin phép đốn cây, đóng “búa kiểm” là chuyện bình thường.

Thật ra, các ông liên lạc với nhau để phối hợp tổ chức vận động công nhân Hãng đường bên Thanh Điền, vận động trí thức công chức các cơ quan chính quyền tỉnh ở Thị xã, đặc biệt là vận động nắm lấy lực lượng Cộng hoà vệ binh, tức là binh lính người Việt trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp, và lực lượng Thanh niên Tiền phong, một tổ chức hội đoàn của giới trẻ do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lập ra sau khi quân Nhật lật đổ Pháp vào tháng 3.1945 tại Sài Gòn. Hai đối tượng này rất quan trọng vì họ có thế hợp pháp, lại có vũ trang, nắm được họ Việt Minh sẽ có lực lượng nòng cốt phục vụ cho tổng khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh tỉnh nắm được hai lực lượng này qua việc vận động ông Lâm Thái Hoà, một người có uy thế đối với quân đội Pháp ở Tây Ninh (về sau ông là sĩ quan Quân đội Nhân dân VN, quân hàm Đại tá) và ông Nguyễn Công Mạnh, công chức chính quyền Pháp, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Tây Ninh. Riêng tôi (Hai Tôn) thì được phân công lên xuống Chà Là, Bình Linh vận động công nhân, kể cả giới chủ đồn điền cao su Cầu Khởi.

Đặc biệt ở Tây Ninh còn có một lực lượng đáng kể là giáo phái Cao Đài. Từ sau khi quân Nhật có mặt ở Đông Dương, nhiều người có đạo tin theo chủ thuyết Đại Đông Á “đồng chủng, đồng văn” của Nhật, họ bị lừa mị nên tin là có thể “mượn sức quân Nhật để đánh Pháp” và đã đưa khá nhiều thanh niên có đạo đứng vào đội ngũ “Nội ứng nghĩa binh” núp dưới danh nghĩa công nhân hãng tàu Nitinan của Nhật, “nối giáo” cho Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp ngày 9.3.1945 ở Sài Gòn. Sau khi Pháp thất thế, bị Nhật tiếm quyền, những người thân Nhật ở Tây Ninh rất đắc chí, cho nên họ trở thành một lực lượng cản ngại đáng kể đối với cách mạng. Hiểu được điều đó, các nhà lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh tổ chức vận động các vị chức sắc tu hành chân chính, có lòng yêu nước trong Hội thánh Cao Đài tham gia Mặt trận Việt Minh. Chẳng hạn như thông qua một vị thầy thuốc tên là Vĩnh, Việt Minh vận động được ông Đặng Trung Chữ, một vị chức sắc cao cấp, phẩm Phối sư của đạo Cao Đài. Ông Phối sư này đã dẫn đầu đoàn người có đạo tham gia cuộc mít-tinh ngày Tổng khởi nghĩa 25.8.1945.

Lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh nhà đã ghi nhận vai trò của “Nhóm Đảng Quán Cơm” trong cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Tây Ninh. Từ đây, với những hoạt động tích cực, sáng tạo của các đảng viên cộng sản, là hạt nhân của phong trào, Mặt trận Việt Minh của tỉnh đã thực sự tập hợp được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân Tây Ninh, đứng lên giành lấy chính quyền từ tay thực dân Pháp, phát xít Nhật tại địa phương, góp phần cùng cả nước giành độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân từ mùa thu hào khí ngất trời năm xưa.

3

Tổng khởi nghĩa

Ở tuổi 84, đôi mắt ông Lâm Phước Tôn không còn tinh anh như xưa. Ông cho biết: Mấy năm trước một bên mắt tôi bị loà, lúc đó ông Hai Tam (Huỳnh Văn Luận, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cũng về hưu rồi, nhưng nghe nói còn hoạt động hội đoàn từ thiện gì đó, ông ấy có xuống Trường Lưu đưa tôi lên tỉnh mổ mắt thay thuỷ tinh thể miễn phí. Nhờ vậy bây giờ tôi nhìn ngó có sáng hơn lúc trước, nhưng cũng không dám đi xe máy ra đường nữa, muốn đi đâu phải nhờ con cháu chở. Khi chúng tôi hỏi thăm về ngày Tổng khởi nghĩa ở Tây Ninh, đôi mắt mờ đục hay nhìn xa xăm ấy bỗng sáng lên, giọng nói từ tốn của ông Hai Tôn cũng sôi nổi hẳn:

Bữa hăm ba (23.8.1945) mấy ông lãnh đạo nhóm Đảng Quán Cơm, lúc bấy giờ được coi như Ban cán sự Đảng của tỉnh họp ở nhà ông Tư Đẩu ở phố Huyện Châu trong khu chợ cũ Tây Ninh. Trước đó mấy ổng đã nghe tin ngoài Bắc tổng khởi nghĩa rồi, Sài Gòn cũng rục rịch giành chính quyền. Ông Trần Kim Tấn ở Suối Đá với bà Mỹ Lan, vợ ông Huỳnh Văn Thanh được cử đi gặp Xứ uỷ. Ông Tấn ở lại Sài Gòn dự mít-tinh, bà Mười Thanh về truyền đạt chủ trương khởi nghĩa. Buổi họp lịch sử đó do ông Mười Thanh chủ trì, có mặt đầy đủ các ông Năm Tung, Tư Đẩu, Hai Chấn ở thị xã, ông Hai Mạnh bên Thanh Điền qua, và nhiều người nữa tôi không nhớ hết…. Mấy ông nghe chỉ thị của Xứ uỷ rồi nhứt định kỳ này tổ chức mít tinh thiệt lớn ở sân vận động tỉnh để công khai hoá Mặt trận Việt Minh tỉnh, kêu gọi quần chúng đoàn kết ủng hộ Việt Minh. Bàn kế hoạch rồi ai về chỗ nấy để chuẩn bị huy động lực lượng. Tối hăm ba, ông Tư Đẩu phân công tôi (Hai Tôn) xuống Chà Là vận động bà con nông dân ở đó với lại anh em công nhân cao su Cầu Khởi. Tôi mang theo một mớ cờ do bà Hai Khoảnh chủ quán cơm với vợ Bảy Mì vận động phụ nữ trong xóm may sẵn nhiều lắm. Mấy bà chỉ nghe nói là cờ đỏ sao vàng thì cứ y vậy mà may chứ đâu có biết kích cỡ bao lớn, có gì may nấy, thành thử cờ đủ loại vải, lớn nhỏ đủ cỡ.

Ở Chà Là tôi đã gầy dựng được một số cơ sở, như là các gia đình Bảy Lời, Hai Thăng, Hai Ký, Ba Lăng… phần nhiều là ở mấy xóm Chòm Dừa, Bình Linh. Bà con chia nhau may thêm cờ, làm băng rôn khẩu hiệu. Băng rôn cũng đủ kiểu, có vải thì dán, vẽ khẩu hiệu lên vải, có bồ đan bằng trúc thì dùng bồ, khẩu hiệu cũng đơn giản như là “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Hoan hô Mặt trận Việt Minh cứu nước”…

Tới khuya hăm lăm (25.8.1945) bà con các xóm ra tụ tập ở Chà Là, hầu hết là đi bộ, mấy nhà có xe bò thì “oánh” xe bò, trong xóm có ba bốn chiếc xe ngựa thường chở khách đi chợ Tây Ninh cũng tham gia chở bà con đi mít tinh, trên tay mỗi người một lá cờ, ai không có cờ may bằng vải cũng có cờ dán bằng giấy màu đỏ, vàng, ai không cầm cờ cũng xé một cái băng đỏ đeo ở cánh tay, mỗi người một khúc gậy tầm vông, có người cầm giáo, mác, có nhóm hai người cầm một băng khẩu hiệu. Cả đoàn đông hơn năm trăm người đi từ hồi ba giờ tới khoảng gần năm giờ sáng thì có mặt tại sân lễ. Các nơi cũng tề tựu trước sau chút ít. Cánh Thanh Điền do ông Hai Mạnh chỉ huy có cả ba-nhoa, mã tấu. Cánh này có bà con bên tổng Giai Hoá, vùng Ngũ Long đi ghe đổ bộ lên nhà ông Hai Mạnh từ chiều hôm trước, nhập vô nhóm Hãng Đường. Đông hơn hết là cánh Quán Cơm, Xóm Vịnh phía Châu Thành có các anh trong Ban lãnh đạo cuộc mít tinh chỉ huy. Trong đoàn này có một nhóm tự vệ vũ trang dưới quyền chỉ huy của ông Năm Bằng, sau này gọi là Bộ đội Nguyễn Công Bằng, nòng cốt của chi đội 11. Nhưng phải nói coi có vẻ oai phong nhứt là đội tự vệ chừng bốn, năm chục người gốc là lính Cộng hoà vệ binh do ông Lâm Thái Hoà vận động họ tham gia Việt Minh. Họ đội ca-lô mặc đồ soóc ka-ki vàng, có trang bị súng kíp một lòng, hai lòng, sắp xếp theo đội hình đàng hoàng. Đoàn Thanh niên Tiền phong, gồm công chức và học sinh thì mặc áo trắng quần tây xanh. Hai đội này tập họp ngoài đình Hiệp Ninh sắp hàng dọc rất tề chỉnh kéo vô sân vận động. Đặc biệt là có đoàn người đạo Cao Đài, mặc áo dài trắng, do ông Phối sư Đặng Trung Chữ đeo thẻ bài chức sắc dẫn đầu từ mấy xóm chung quanh nội ô Toà thánh kéo ra. Bà con tín đồ Cao Đài cũng có băng cờ khẩu hiệu đầy đủ.

Xe chuyển phát công văn thư từ Sài Gòn lên Tây Ninh thời Pháp thuộc.

Chúng tôi hỏi, trong khi lực lượng quần chúng đông đảo như vậy từ nhiều ngả đường rầm rập tiến vào khu trung tâm tỉnh lỵ, thì chính quyền, quân đội Nhật, Pháp ở đâu, họ phản ứng thế nào? Ông Lâm Phước Tôn giải thích: Thật ra, từ mấy tháng trước ở Tây Ninh không còn thấy bóng dáng thằng Tây nào. Nghe nói là sau cuộc đảo chính ngày 9.3.1945 những người Pháp ở Tây Ninh bị Nhật hạ ngục, hoặc bỏ chạy về Sài Gòn hết. Quân Nhật cũng chỉ có một đơn vị nhỏ lính Kemmetai (Hiến binh Nhật) đóng trong thành Săn – Đá, ở chỗ doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bây giờ. Bộ máy chính quyền thân Nhật cũng không lớn, mà nhiều công chức, tư chức các ty, sở thì đã ngã theo Việt Minh. Cho nên bữa đó gần như các công sở đóng cửa hết, quân Nhật cũng nằm im trong thành, không thấy ló đầu ra. Thật ra lúc này chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc, quân Nhật bại trận, đầu hàng, chỉ chờ quân Đồng Minh tới giải giáp, tước vũ khí. Tuy vậy các anh lãnh đạo Việt Minh cũng có chuẩn bị, chỉ đạo cho đội tự vệ sẵn sàng nổ súng nếu chúng kháng cự…

Nói tới đây, ông Hai Tôn có vẻ đắc ý, gật gù, nhịp nhịp ngón tay trên bàn: Bây giờ ngẫm nghĩ thấy Đảng mình hay thật, lãnh tụ thật sáng suốt, biết tận dụng thời cơ đúng lúc hai kẻ thù kiềm chế lẫn nhau cùng rệu rã, biết thực hiện chính sách đại đoàn kết để tập hợp toàn dân nhứt tề đứng lên giành chính quyền. Chúng tôi hỏi: Ông còn nhớ nội dung, hình thức cuộc mít tinh ngày 25.8.1945 như thế nào không? Ông Hai Tôn nói:

Hình thức thì tôi không nhớ rõ lắm, dường như cũng có lễ đài kê bằng bàn ghế học sinh đơn sơ vậy thôi. Nội dung chủ yếu là phần “đăng đàn” diễn thuyết của đồng chí Huỳnh Văn Thanh. Ông Mười Thanh nói hay lắm, nhưng tôi chỉ nhớ đại khái là ông phân tích cục diện thế giới và trong nước, nào là quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, nào là chính quyền ở Hà Nội và miền Bắc, miền Trung đã về tay Việt Minh, đồng bào Tây Ninh hãy ủng hộ Mặt trận Việt Minh chuẩn bị sẵn sàng giành chính quyền, giành quyền độc lập dân tộc, cởi bỏ ách nô lệ ngoại bang cả trăm năm qua…

Quần chúng dự mít tinh nô nức, phấn khởi, tự động hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Lúc đó độ khoảng 10 giờ bỗng có tin báo, có lính Pháp nhảy dù ở khu vực xóm Vịnh (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành bây giờ). Lập tức các anh lãnh đạo bàn bạc nhau rồi cử đội tự vệ có vũ trang do ông Lâm Thái Hoà chỉ huy tức tốc đi bắt giặc Tây. Lúc đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành, do các vị lãnh đạo Việt Minh dẫn đầu kéo qua Toà Bố, tức là dinh Tỉnh trưởng, thành Săn – Đá, xuống chợ cũ, đúng trưa mới tan hàng toả về các xã.

N.T.H