BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh, mùa thu ấy... (kỳ 3)

Cập nhật ngày: 09/09/2010 - 10:19

Bài liên quan:

>> Tây Ninh, mùa thu ấy... (kỳ 1)

>> Tây Ninh, mùa thu ấy... (kỳ 2)

Ký: NGUYỄN TẤN HÙNG

Khoảng hai giờ chiều, có đoàn cán bộ của Xứ uỷ từ Sài Gòn mang chỉ thị cướp chính quyền lên Tây Ninh, Ban lãnh đạo Việt Minh lập tức họp bàn kế hoạch. Các anh nhận định lúc này tinh thần kẻ địch rất hoang mang, chính quyền và quân Nhật đang bị cô lập, ta đã nắm được cò Nghĩa, cùng số cảnh sát ở Tây Ninh, lại còn tập trung được đội tự vệ vũ trang và có thể huy động quần chúng cốt cán ở thị xã chừng vài trăm người, nên dù không còn lực lượng quần chúng đông đảo như hồi sáng, ta vẫn đủ sức giành chính quyền.

Cầu Quan và chợ cá Tây Ninh đối diện Toà Bố- dinh tỉnh trưởng Tây Ninh cũ

Kế hoạch được triển khai thực hiện trót lọt, Ban lãnh đạo Việt Minh gồm các ông Mười Thanh, Hai Mạnh, Tư Đẩu, Năm Bằng, Năm Tung… có tự vệ vũ trang hộ tống đi thẳng vào Toà Bố (trụ sở UBND tỉnh ngày nay -PV). Trong đoàn hộ tống có tôi (Hai Tôn) và số anh em ở Quán Cơm như vợ chồng Bảy Mì, Bảy Của… Trong Toà Bố lúc này vắng hoe, cả quan quân trong ngoài chưa tới chục người. Nhóm chúng tôi tước vũ khí mấy tay cảnh sát gác cổng chính, phía bờ rạch Tây Ninh đi lên, rồi ở đó canh giữ cho mấy ông lãnh đạo vô dinh buộc tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đầu hàng. Lúc đó tỉnh trưởng Thạnh đã biết Việt Minh nổi dậy khắp nơi, Sài Gòn cũng mất chính quyền rồi nên chấp nhận đầu hàng không kháng cự gì hết. Mấy ông lãnh đạo bảo tỉnh trưởng Thạnh cho gọi các công chức đầu ngành tỉnh đến, thông báo tin đầu hàng và giao chính quyền. Sau đó ta cho họ về hết, chỉ bắt giữ lại mấy tay chóp bu như tỉnh trưởng Thạnh, đốc tờ Hà Văn Sua, đốc phủ Tô Ngọc Đường…

Ta vừa chiếm Toà Bố thì đội tự vệ đi bắt Tây nhảy dù trên xóm Vịnh cũng vừa áp giải hai thằng Tây về tới. Một thằng Tây rặt, một thằng Tây lai. Mấy ông lãnh đạo hỏi cung tụi Tây, tôi biết tiếng Pháp nên cũng vô dinh ngồi nghe. Té ra thằng Tây rặt không phải lính nhảy dù tầm thường mà là “dân gộc”. Nó xưng tên là Jean Cédille, cấp bậc đại tá, chức vụ Cao uỷ, đại diện cho Chính phủ De Gaule của Pháp được Không quân hoàng gia Anh thả dù xuống Tây Ninh để mò về Sài Gòn “bắt cầu” cho quân Anh – Ấn thuộc lực lượng Đồng Minh sắp kéo vào Đông Dương giải giáp lính Nhật. Riêng thằng Tây lai ngồi nín thinh, chắc nó là thằng tép riu cận vệ của Cédille thôi.

4

Giành độc lập và kháng chiến giữ nước

Kể chuyện những người lính Pháp nhảy dù xuống đất Châu Thành, ngay trong ngày Tổng khởi nghĩa 25.8.1945 ở Tây Ninh, ông Lâm Phước Tôn nhận định, lúc bấy giờ các vị lãnh đạo Việt Minh tỉnh tuy không rõ lai lịch, sứ mạng của Jean Cédille, nhưng cũng đoán biết thân phận của tay này không phải tầm thường. Ông Hai Tôn kể tiếp:

Trong lúc các anh lãnh đạo đang hỏi cung hai thằng Tây, thì tôi thấy ngoài cổng Toà Bố phía bên rạch Tây Ninh có hai tên Hiến binh Nhật đeo kiếm lệt xệt từ bên thành Săn - Đá đi qua, bị vợ Bảy Mì đeo súng kíp đang đứng gác cổng ngăn cản lại. Tôi vội chạy ra xem, thấy lính Nhật đeo kiếm dài vỏ sắt tôi biết tụi này không phải là sĩ quan, vì sĩ quan Nhật thường đeo kiếm ngắn, vỏ kiếm bằng cây. Tôi liền hỏi bằng tiếng Anh: Các anh biết nói tiếng Anh không? lính Nhật lắc đầu, tôi hỏi: biết nói tiếng Pháp không? Nó bảo biết. Vậy là “trúng tủ” của mình rồi, tôi liền hỏi bằng tiếng Pháp: Các anh qua đây có việc chi? Một tên nói muốn gặp ông tỉnh trưởng. Tôi không biết lính Nhật muốn gặp tỉnh trưởng bù nhìn Lê Văn Thạnh, hay muốn gặp “Tỉnh trưởng Việt Minh” nên nói trớ: Tỉnh trưởng không có ở đây, các anh về đi, có gì báo chỉ huy qua gặp lãnh đạo Việt Minh. Hai tên lính Nhật xí xô xí xào với nhau mấy câu rồi quày quả bỏ đi.

Lát sau có một đoàn người gồm sĩ quan chỉ huy Nhật và những người Âu, nghe nói là trong phái bộ quân sự Anh từ Sài Gòn lên xin bảo lãnh những người Pháp mới nhảy dù xuống Tây Ninh. Lúc đó lãnh đạo ta đã bàn nhau, biết rằng không thể giữ họ được vì sẽ có tác động không tốt về mặt đối ngoại trong khi nước ta mới giành được chính quyền, trong điều kiện phải chấp nhận quân Đồng Minh đến tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật ở Đông Dương, do vậy các anh quyết định cho phái bộ quân sự Anh bảo lãnh Cédille và thằng cận vệ Tây lai đưa về Sài Gòn. Sau đó quả thật như Đảng ta đã dự đoán, thực dân Pháp không dễ gì từ bỏ sự thống trị thuộc địa ở Đông Dương nên quân viễn chinh Pháp đã theo chân quân Anh trở lại miền Nam, bắt đầu tái xâm lược Việt Nam, mà kẻ đầu tiên núp dưới cờ đế quốc Anh với danh nghĩa Đồng Minh để nhảy vào Việt Nam chính là Cédille, kẻ đã bị tự vệ vũ trang của Mặt trận Việt Minh Tây Ninh tóm cổ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Tây Ninh, ta nhanh chóng thành lập chính quyền. Lúc ấy Xứ uỷ chỉ đạo cho các đồng chí đảng viên xem xét tình hình địa phương, thực hiện sách lược thành lập chính quyền liên hiệp có nhiều thành phần tham dự để nhanh chóng ổn định bước đầu. Ta cử ba đồng chí Mười Thanh, Tư Đẩu và Hai Chấn vào Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau là Uỷ ban hành chính kháng chiến). Xứ uỷ giới thiệu một nhân vật tên là Võ Thành Cứ làm Chủ tịch Uỷ ban. Thế nhưng thực chất Cứ chỉ là một tay hoạt đầu chính trị và sợ khó khăn, gian khổ, nên chẳng bao lâu sau nghe tin quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Cứ đã lẳng lặng rút lui khỏi Uỷ ban. Trong thành phần tham gia, Uỷ ban nhân dân tỉnh ta còn mời một số giáo viên, công chức cũ và đại diện tôn giáo như là Trần Văn Hương (giáo chức, sau làm Tổng thống nguỵ Sài Gòn 1 tuần lễ rồi từ chức giao quyền cho tướng Dương Văn Minh trước ngày 30.4.1975), Nguyễn Công Mạnh (công chức, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong), Trương Văn Xương (chức sắc tôn giáo Cao Đài)… Những người này khi bắt đầu cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp họ đều tự động… rút lui hết. Song song với việc thành lập chính quyền, ta tiến hành củng cố Mặt trận Việt Minh tỉnh. Mặt trận cũng thể hiện đại đoàn kết dân tộc, có các thành phần đoàn thể, tôn giáo tham gia như ông Phối sư Đặng Trung Chữ được cử làm Phó Chủ nhiệm Mặt trận.

Trong Cách mạng Tháng Tám ở Tây Ninh, yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công chính là sự lãnh đạo, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền của các đảng viên cộng sản. Ngay sau ngày 25.8.1945, Xứ uỷ Nam bộ cử đồng chí Dương Bạch Mai lên Tây Ninh chỉ đạo việc thành lập chính quyền, củng cố Mặt trận. Nhưng điều quan trọng nhất là đồng chí thay mặt Xứ uỷ chỉ định Tỉnh uỷ lâm thời của Tây Ninh gồm 11 đồng chí, có 6 đồng chí hoạt động từ trước tại địa phương và 5 đồng chí do Xứ uỷ bổ sung cho Tây Ninh. Đồng chí Xuân, cán bộ Xứ uỷ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời.

Bến tắm ngựa rạch Tây Ninh- nơi những tên lính thực dân Pháp đầu tiên bị tiêu diệt

Ngay sau khi thành lập, tháng 9.1945 Tỉnh uỷ lâm thời đã có chủ trương cho các mặt công tác như: Uỷ ban nhân dân các cấp ban bố các quyền tự do, dân chủ, điều mà trong chế độ Pháp thuộc người dân không hề có; ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức, củng cố Mặt trận và các đoàn thể cơ sở; thành lập và huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang; tổ chức sản xuất ở một số cơ sở kinh tế như đồn điền cao su, hãng đường… tất cả những việc đó được làm thật khẩn trương vì ta biết trước sau gì giặc Pháp cũng trở lại và tất yếu là ta sẽ tổ chức kháng chiến chống lại. Quả nhiên, chỉ hơn một tháng sau, ngày 8.11.1945 quân Pháp vừa theo chân phái bộ quân sự Anh đổ bộ vào miền Nam, là tổ chức tiến công đánh chiếm Tây Ninh. Ta tổ chức đánh giặc ở nhiều nơi dọc theo đường lên Tây Ninh (quốc lộ 22A và 22B ngày nay) như ở An Tịnh, Bến Kéo. Sau đó lực lượng ta rút ra bưng biền tổ chức kháng chiến 9 năm chống Pháp, rồi đến 21 năm chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975.

Nghe ông Lâm Phước Tôn kể vắn tắt về những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công ở Tây Ninh, chúng tôi hỏi thăm về bước đường hoạt động của ông sau ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Hai Tôn khiêm tốn không nói nhiều về mình. Ông cho biết, sau ngày 25.8.1945 ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Trường Hoà, Uỷ ban xã vẫn tồn tại duy trì hoạt động sau khi Pháp trở lại Tây Ninh. Nhưng sau đó ông bị quân đội giáo phái bắt và dụ dỗ theo làm thông ngôn cho họ để giao dịch với Pháp, ông khước từ nên bị họ giam giữ đến 14 tháng. Khi được thả ra, ông từ giã vợ con lên đường kháng chiến, tham gia Trung đoàn 311 (tiền thân là chi đội 11 mà nòng cốt là Bộ đội Nguyễn Công Bằng) cho đến ngày tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève năm 1954. Ở miền Bắc ông chuyển ngành sang công tác ở Bộ Nông trường đến năm 1970 thì trở về miền Nam, công tác trong Ban Kinh tài tỉnh Tây Ninh. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975, ông mới gặp lại gia đình sau gần 30 năm xa cách. Ông tiếp tục công tác ở Ty Công lâm nghiệp, rồi làm Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh Tây Ninh cho đến năm 1987 mới về nghỉ hưu ở ấp Trường Lưu, xã Trường Hoà.

65 năm đã qua, những người đứng lên giành chính quyền ở Tây Ninh ngày ấy, bây giờ phần nhiều đã đi vào lịch sử, ông Lâm Phước Tôn cũng đã ra người thiên cổ, nhưng ước mơ độc lập, tự do của các bậc tiền nhân đã trở thành hiện thực cuộc sống hoà bình, no ấm trên quê hương tươi đẹp hôm nay.

N.T.H