BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Nghị quyết 42 tác động tích cực đến việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng 

Cập nhật ngày: 09/10/2020 - 15:15

BTNO - Tiếp tục đợt khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (gọi tắt NQ 42), chiều 8.10, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Tây Ninh (Agribank Tây Ninh) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Tây Ninh (BIDV Tây Ninh).

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương làm việc với Agribank Tây Ninh.

Tại Agribank Tây Ninh, đoàn được nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo kết quả thực hiện NQ 42. Theo đó, tính đến ngày 15.8.2017, nợ xấu của ngân hàng là 610 tỷ đồng, chiếm 1,57% tổng dư nợ; đến ngày 30.9.2020, nợ xấu chiếm 99,500 triệu đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ.

Để kéo giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống như hiện nay, Agribank Tây Ninh đã thực hiện nhiều bước, từ công tác chỉ đạo như thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu theo NQ 42, xây dựng các phương án xử lý nợ xấu với lộ trình từ năm 2017 đến 2020.

Đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý vốn vay, khống chế không để nợ xấu nhóm 2 quá 2%; phối hợp với ngành có liên quan đôn đốc, thu hồi nợ xấu; phân công cán bộ bám sát từng khoản nợ xấu để có biện pháp xử lý thu hồi…

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương làm việc với BIDV Tây Ninh.

Tại BIDV Tây Ninh, lãnh đạo đơn vị cho biết, tổng số nợ xấu của đơn vị tính đến ngày 15.8.2017  hơn 22,600 triệu đồng. Nhưng kể từ khi thực hiện NQ 42, đến ngày 30.9.2020, đơn vị  đã thu hồi được 15 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0.49%. Kết quả xử lý nợ xấu chủ yếu do khách hàng tự nộp, bán qua thi hành án. 

Lãnh đạo Agribank Tây Ninh và BIDV Tây Ninh đều cho rằng, NQ 42 của Quốc hội ra đời đã tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Lãnh đạo BIDV Tây Ninh kiến nghị, Quốc hội cần xem xét để kéo dài thêm hiệu lực của NQ, hoặc luật hoá để tạo cơ sở cho các ngân hàng trong quản lý, xử lý nợ xấu.

Đánh giá những kết quả đạt được của Agribank Tây Ninh và BIDV Tây Ninh, ông Huỳnh Thanh Phương cho rằng, hiện nay, dù 2 ngân hàng còn tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với bình quân của tỉnh, nhưng đây là kết quả đầy nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ 2 đơn vị trong việc kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%. Điều đáng mừng hơn, là cả hai ngân hàng này đều chưa phải áp dụng các biện pháp xử lý nợ theo NQ 42.

Lãnh đạo BIDV Tây Ninh báo cáo kết quả thực hiện NQ 42.

Trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Phương đề nghị lãnh đạo 2 tổ chức tín dụng này cần tiếp tục phát huy hiệu quả những giải pháp xử lý nợ xấu thời gian qua. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ thường xuyên cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức của cán bộ ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như Toà án nhân dân, Thi hành án, Sở Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ xấu.

N.D