BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Những ngày tháng Tư - 1975 lịch sử

Cập nhật ngày: 30/04/2011 - 08:33

Bộ đội cách mạng vượt Cầu Quan vào giải phóng thị xã Tây Ninh ngày 30.4.1975

20 ngày đầu tháng Tư- 1975:

Hơn 3.000 thanh niên trong tỉnh được huy động tham gia LLVT cách mạng. 9 tiểu đoàn mới được thành lập, trong đó có 2 đại đội là con em đồng bào có đạo Cao Đài. Quân số LLVT Tây Ninh lúc này tăng lên 12 tiểu đoàn, chưa kể xã nào cũng có ít nhất 20 du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ, đón rước, bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Tây Ninh, các đơn vị LLVT của tỉnh bố trí trên nhiều hướng: -Cánh Nam: từ hướng Nam Toà thánh đánh lên Thị xã gồm 6 tiểu đoàn, 2 đại đội pháo và pháo cao xạ. Thiếu tá Nguyễn Thành Dương, Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng. Đồng chí Đặng Văn Lý (Mười Đôi) làm Chính trị viên; -Cánh Bắc: từ phía Bắc Thị xã, do đồng chí Phạm Anh (sau là Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh) làm Chỉ huy trưởng.

Đêm 24 tháng Tư-1975:

Ba tiểu đoàn 14, 18, 20 đánh chiếm cầu Bàu Nâu, phục kích tại đây để chặn đánh trung đoàn 49, sư đoàn 25 nguỵ tháo chạy về Sài Gòn. Trong đêm 24.4.1975, địch chưa rút, sáng 25.4.1975 quốc lộ 22 bị cắt đứt, cô lập mọi liên lạc đường bộ từ Tây Ninh đi Sài Gòn.

Đêm 26 tháng Tư-1975:

LLVT tỉnh thực hiện phương án đánh chiếm khu trung tâm huyện Toà Thánh. Tiểu đoàn 20 đánh vào khu vực Long Hải (ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành ngày nay). Tiểu đoàn 22 đánh chiếm khu vực Lò Than, Trường Xuân, Trường Lưu (xã Trường Hoà). Tiểu đoàn 24 đánh chiếm vùng Quy Thiện, tiến sát chợ Long Hoa. Đêm 26.4 có lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công vì kế hoạch hợp đồng chiến đấu chưa chặt, tuy nhiên do nhận lệnh không kịp thời, tiểu đoàn 20 vẫn đánh chiếm ấp Trường Lưu, tiêu diệt tiểu đoàn 351 địa phương quân nguỵ và 1 đại đội Bảo an nguỵ đóng tại đây và bao vây đồn Trường Đức. Tiểu đoàn 26 của huyện Toà Thánh đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn trung đội Nghĩa quân nguỵ ở đây, đứng chân ở suối Bà Phụng chuẩn bị đánh vào Thị xã.

Đêm 27 tháng Tư-1975:

Tiểu đoàn 24 chiếm Quy Thiện (xã Trường Hoà). Trước đó, ngày 26.4, LLVT huyện Gò Dầu đánh chiếm khu vực Suối Bà Tươi, đồn Hiệp Thạnh; các đồn bót Bông Trang, Trà Võ, Thạnh Đức, Cây Xoài, Xóm Mới dọc quốc lộ 22 đều được giải phóng (trước 30.4.1975 QL 22 là con đường từ thị trấn Gò Dầu đến trung tâm thị xã Tây Ninh, còn QL22 và 22A ngày nay lúc bấy giờ là QL1). LLVT huyện Trảng Bàng nổ súng đánh chiếm nhiều nơi, tiến đánh chi khu Trảng Bàng. Ở Châu Thành 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương đánh vào khu tam giác Thanh Điền-Cao Xá-Thái Bình, hình thành thế bao vây thị xã Tây Ninh từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc.

Ngày 28 tháng Tư-1975:

Các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu, giải phóng hàng loạt đồn bót địch, các hướng tiến công siết chặt gọng kềm dồn các lực lượng địch co cụm vào khu trung tâm Thị xã – Toà Thánh.

Ngày 29 tháng Tư-1975:

Lực lượng tiểu đoàn 14 và 20 chiếm cầu Đoạn Trần Kiều, bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 352 địa phương quân nguỵ tại nhà tịnh Trí Huệ Cung (thuộc các xã Trường Đông, Trường Hoà, Hoà Thành ngày nay). Tiểu đoàn 18 đánh vào Bến Kéo, Long Hải (các xã Long Thành Nam, Trường Tây, Hoà Thành ngày nay). Phía Bắc Thị xã tiểu đoàn 26 đánh chiếm khu vực Ninh Thọ, Vườn Điều (các xã Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thị xã ngày nay), thọc sâu vào chợ Thương Binh (phường Hiệp Ninh, Thị xã ngày nay). Đại đội 245 của LLVT Thị xã đánh chiếm dọc lộ 4 (đường 785 ngày nay) tiến vào trung tâm Thị xã.

Đêm 29 tháng Tư-1975:

Các đơn vị phối hợp tiến công vào khu vực chợ Long Hoa. Vòng vây siết chặt, bán kính từ thị xã toả ra các hướng chưa đầy 5km. Ở Thị xã bọn đầu não nguỵ quân, nguỵ quyền bị chia cắt, lực lượng địch bị đánh tan tác không phối hợp với nhau được. Trung đoàn 49, sư đoàn 25 nguỵ rút chạy về Sài Gòn, nhưng bị ta bắt gọn ở Bàu Nâu.

Quân địch cố tấn công hòng tái chiếm núi Bà Đen nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại- Quân ta chiếm núi Bà Đen từ ngày 7.1.1975, khống chế thị xã Tây Ninh cho đến ngày giải phóng.

Sáng ngày 30 tháng Tư-1975:

Tất cả các đơn vị LLVT cách mạng tiến công hướng vào một mục tiêu: thị xã Tây Ninh. Trên đường hành quân của ta, một số đơn vị địch còn ngoan cố, cố thủ ở một số trọng điểm, nhưng sau đó lại buông súng đầu hàng trước khi ta nổ súng. Các lực lượng cơ động của địch ở vòng ngoài đều vứt bỏ súng đạn, quân trang để tháo chạy thoát thân. Trên các ngã đường chung quanh Thị xã, Toà Thánh, Long Hoa đầy dẫy súng đạn, quần áo, máy móc của quân địch bỏ vương vãi khắp nơi.

8 giờ 30 phút: Pháo ta bắn đúng vào doanh trại Tiểu khu Tây Ninh (doanh trại Bộ CHQS tỉnh ngày nay). Bộ Chỉ huy Chiến dịch của ta gọi vô tuyến điện kêu quân địch đầu hàng. Ta ra lệnh cho chúng kéo cờ trắng ở các đơn vị đang tác chiến và cử cấp chỉ huy cao nhất từng khu vực ra gặp chỉ huy khu vực của ta. Địch ngoan cố chưa chịu đầu hàng, các trận địa pháo của ta được lệnh bắn cấp tập vào trại Chi Lăng (còn gọi là B16, gần khu vực sân vận động Tây Ninh ngày nay) làm cháy kho đạn của địch tại đây, đạn nổ dữ dội.

10 giờ: Không chịu nổi bão lửa pháo binh của ta, đại tá Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng Tây Ninh của nguỵ liên lạc vô tuyến xin cử đại diện ra gặp ta để đầu hàng. Được Bộ chỉ huy chiến dịch của ta đồng ý, đại tá Tài cử Tô Minh Chữ, Trưởng ban 1 Tiểu khu Tây Ninh và Tạ Kim Lời, Tham mưu phó Tiểu khu Tây Ninh đến gặp Bộ Chỉ huy của ta tại Bến Kéo (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành ngày nay). 30 phút sau, lúc 10 giờ 30 đại tá Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng nguỵ tuyên bố đầu hàng.

11 giờ: Quân ta vào tiếp quản thị xã Tây Ninh. Bộ phận đầu não của địch gồm đại tá Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, thiếu tá Sanh, Tham mưu phó hành quân, Trưởng ty Nội an Vũ cùng các trưởng, phó ty, sở đều có mặt tại dinh tỉnh trưởng, nơi ký kết đầu hàng. Riêng tên Ái, Trưởng ty Cảnh sát bỏ chạy về Sài Gòn, bị bắt ở Bàu Nâu cũng được giải về Thị xã. Toàn bộ bọn chúng đều gục đầu ủ rũ trong phòng giam giữ của ta. Lực lượng ta tiếp quản Thị xã ra lệnh cho Tỉnh trưởng Tài và Trưởng ty Cảnh sát Vũ cùng ta đi kêu gọi cấp dưới ra trình diện đầu hàng.

Tây Ninh hoàn toàn giải phóng trước khi Tổng thống nguỵ quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Sài Gòn 30 phút. Khi giải phóng các nhà máy điện, nước, bệnh viện, nhà bưu điện được công nhân bảo vệ kỹ càng, tài sản, máy móc đều hoạt động bình thường. Đây là kết quả của sự phối hợp tốt giữa các lực lượng tiến công và nổi dậy.

Sáng ngày 1 tháng Năm- 1975:

Toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền cấp dưới, toàn bộ sĩ quan quân đội, cảnh sát… đều ra trình diện, giao nộp vũ khí ở Uỷ ban Quân quản tỉnh. Tất cả gồm 30.503 tên, trong đó có 23.078 sĩ quan, binh lính, 1.543 cảnh sát, 640 viên chức các ty, sở. Chiến lợi phẩm thu được gồm có 19.769 khẩu súng các loại, 32 khẩu pháo từ 105 đến 155 ly, 195 xe quân sự, 18 xe thiết giáp cùng nhiều máy móc, khí tài khác.

DUY NHÃ

(Theo tài liệu lịch sử Đảng

tỉnh Tây Ninh)