BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh, những ngày tháng Tư -1975 lịch sử

Cập nhật ngày: 30/04/2012 - 12:51

Chiến thắng mùa xuân 1975 của quân dân Tây Ninh bắt đầu từ những ngày đầu năm, đêm 6 rạng ngày 7.1.1975 khi núi Bà Đen được giải phóng, cứ điểm truyền tin của địch đặt trên đỉnh cao nhất Nam bộ này hoàn toàn bị tiêu diệt. Từ cao điểm gần 1.000 mét, pháo binh quân Giải phóng khống chế toàn bộ hoạt động của địch ở thị xã Tây Ninh, buộc chúng phải ăn, ở dưới hầm ngầm. Thị xã Tây Ninh suốt những tháng đầu năm đến ngày giải phóng thực sự là một thị xã chết. Hầu hết lực lượng quân sự của địch phải chạy vào trú đóng chung quanh nội ô Toà Thánh Cao Đài.

Sau chiến thắng núi Bà Đen, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh hạ quyết tâm mở đợt tấn công mạnh, quét sạch lực lượng quân sự và bộ máy chính quyền nguỵ phía bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, giải phóng các địa phương ven sông tạo hành lang nối liền Tây Ninh với Long An, mở đường cho quân chủ lực tràn xuống phía Nam Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện tiến công giải phóng sào huyệt cuối cùng của địch.

Nhân dân Tây Ninh nổi dậy giành chính quyền

Với quyết tâm quét sạch quân giặc, giải phóng quê hương, đêm 11.3, LLVT tỉnh tấn công các cứ điểm của địch trên toàn huyện Bến Cầu và ba xã cánh Tây Trảng Bàng. Đến 14 giờ ngày 14.4, ta thực sự làm chủ vùng đất này, huyện Bến Cầu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Trên chiến trường phía Đông tỉnh, bộ đội, du kích địa phương cùng lực lượng của tỉnh tấn công tiêu diệt các chốt địch ở Đông Trảng Bàng, Bến Củi, Đất Sét, Truông Mít, Cầu Khởi… Ngày 17.3, Trung đoàn 16 và Tiểu đoàn 14 của tỉnh tập kích tiêu diệt đồn Trà Võ. Lúc này đại bộ phận vùng hành lang phía Đông của tỉnh từ Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu đến núi Bà Đen đã được giải phóng, cùng với hành lang phía Tây tỉnh trở thành hai gọng kềm, siết chặt quân địch trong khu vực Thị xã - Toà Thánh, Long Hoa.

Bước vào tuần cuối tháng Tư, thực hiện chỉ đạo của Trung ương đối với Tây Ninh: “Kềm chân, tiêu diệt Sư đoàn 25 và Liên đoàn Biệt kích 81 nguỵ không cho chúng rút chạy về Sài Gòn; Tổ chức đánh địch liên tục, khắp nơi, tự lực giải phóng địa phương”, Tỉnh uỷ Tây Ninh đề ra nhiệm vụ cụ thể, tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác.

Đêm 24.4, ba tiểu đoàn 14, 16, 18 bộ đội tỉnh đánh chiếm cầu Bàu Nâu, cắt đứt quốc lộ 22 thực thi nhiệm vụ chặn đường rút chạy của địch về Sài Gòn. Đêm 27.4, ta tổ chức thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay). Tiểu đoàn 24 đánh chiếm Quy Thiện (xã Trường Hoà). Sáng ngày 28.4, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu ở phía Nam khu vực Toà Thánh – Long Hoa, dồn địch lui dần về khu trung tâm này.

Du kích Bến Cầu lên kế hoạch tấn công đồn địch.

Ở Gò Dầu ngày 26.4, bộ đội huyện kết hợp với du kích và nhân dân các xã tấn công các đồn trên địa bàn huyện, đến ngày 29.4 các khu vực chung quanh thị trấn Gò Dầu được giải phóng. Ở Trảng Bàng, ngày 27.4 lực lượng địa phương chiếm lĩnh Gia Huỳnh. Ngày 28.4, ta tiến công chi khu Trảng Bàng và bao vây bứt rút nhiều đồn ở Gia Lộc, Lộc Hưng. Ngày 29.4, quân địch ở hai đồn Gia Bình và Tha La (An Hoà) buông súng đầu hàng. 16 giờ chiều 29.4, cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh quận Trảng Bàng. Ở Châu Thành, hai tiểu đoàn của huyện tiến vào khu tam giác Thanh Điền, Cao Xá, Thái Bình hình thành thế bao vây thị xã Tây Ninh, trong khi đó một bộ phận của tỉnh đã áp sát phía Nam thị xã cùng một đơn vị Công an vũ trang đã lọt được vào nội thị.

Không chịu nổi sức ép tấn công từ mọi phía và bão lửa pháo binh ta dội xuống, 10 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, đại tá tỉnh trưởng ngụy quyền Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng. Trước đó đại tá Tài đã cử đại diện ra gặp chỉ huy quân giải phóng xin được đầu hàng và kêu gọi lực lượng của chúng trên toàn tỉnh hạ vũ khí đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng.

Thời gian trôi qua quá nhanh, thoắt đã 37 năm từ những ngày tháng Tư lịch sử hừng hực khí thế đấu tranh quét sạch quân giặc trên khắp cõi bờ, giải phóng quê hương, đất nước. Từ thắng lợi này, Tây Ninh cùng cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương hoà bình, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

DUY NHÃ