Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh - những thử thách đầu tiên sau ngày giải phóng 30.4
Thứ sáu: 09:35 ngày 30/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trưa 30.4.1975, sau khi Tỉnh trưởng nguỵ quyền Tây Ninh, Ðại tá Bùi Ðức Tài chấp nhận đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện, chỉ huy các tiểu đoàn chủ lực của quân ta từ các hướng núi Bà Ðen đánh xuống, Nam Toà Thánh đánh lên, ra lệnh cho bên thất trận phải đưa xe quân sự đến chuyển quân ta vào chiếm lĩnh các cứ điểm cuối cùng của chế độ tay sai ngoại bang ở thị xã Tây Ninh và khu trung tâm Toà Thánh - Long Hoa.

Ðường 30 tháng Tư năm 1985. Ảnh tư liệu: Ð.H.T

12 xe GMC chở Tiểu đoàn 14 từ trụ sở xã Long Thành, nơi quân ta tiếp nhận sự đầu hàng của đối phương, đến tiếp quản thành Nguyễn Huệ (thời Pháp gọi là thành Săng-đá), căn cứ tiểu khu Tây Ninh (nay là doanh trại Bộ CHQS tỉnh). 3 xe GMC đến trụ sở xã Hiệp Ninh chở Tiểu đoàn 26 đến tiếp quản chi khu Phú Khương đặt tại ngã tư Ao Hồ, thời trước là trường thiếu sinh quân của địch.

Tiểu đoàn 24 hành quân bộ, trong tiếng hò reo chào đón của nhân dân đứng chật hai bên đường, từ Báo Quốc Từ, chợ Long Hoa vào đóng tại Trường Ðạo Ðức Học Ðường (nay là Trường Lý Tự Trọng trong nội ô Toà thánh).

Ðúng lúc đó, từ các hướng mọi người nhìn lên đều thấy lá cờ giải phóng phất phới trên đỉnh trụ ăng-ten Mít Một, cao nhất Tây Ninh đặt phía sau dinh quận Phú Khương. Sau này chính trị viên Tiểu đoàn 26 Lê Anh Tòng (Sáu Tòng) có nói: “Ngày 30.4, ngay sau khi vào tới dinh quận, việc đầu tiên là tôi kêu Trung tá Trinh, quận trưởng Phú Khương cho người hướng dẫn lính mình leo cầu thang sắt hơn năm chục mét hạ cờ ba que xuống, treo cờ cách mạng lên trên đỉnh trụ ăng-ten đài vi ba.

Nhìn cảnh tượng lá cờ chiến thắng tung bay trên bầu trời độc lập tự do của quê hương mình mà tôi mừng muốn khóc. Bao nhiêu năm gian khổ đánh Mỹ, diệt nguỵ ta chỉ chờ đợi có một ngày ấy thôi”.

Ngày 1.5, trong buổi làm việc với Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài và tất cả sĩ quan nguỵ thuộc tiểu khu Tây Ninh và công chức chủ sự phòng, trưởng phó các ty, sở của bộ máy nguỵ quyền tại Toà hành chính tỉnh- nay là trụ sở UBND tỉnh, thay mặt Uỷ ban Quân quản, Tỉnh đội phó Nguyễn Thành Nghĩa phát biểu: “Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh đã chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của sĩ quan, binh lính, viên chức nguỵ quyền trưa ngày 30.4.1975, song đầu hàng không có nghĩa là xong tất cả.

Các anh muốn trở thành công dân tốt cho đất nước sau này thì phải tập trung đi cải tạo, học tập. Cải tạo ở đây không có nghĩa là hà khắc, hành hạ các anh, như các anh đã làm trước đây với những chiến sĩ cách mạng, cải tạo là làm cho các anh hiểu được sự nghiệp chính nghĩa của cách mạng Việt Nam, hiểu được sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam là người chiến thắng trước sức mạnh tưởng chừng như không ai địch nổi của đế quốc Mỹ, sức mạnh mà mấy chục năm qua các anh tôn thờ, tưởng rằng đó là chỗ dựa vững chắc nhất.

Và cuối cùng cải tạo để các anh biết giá trị làm người, có đạo nghĩa của một công dân Việt Nam chân chính. Chúng tôi mong các anh hiểu được những điều chúng tôi nói, động viên khuyên bảo cấp dưới các anh hãy ra trình diện với cách mạng và chấp hành tập trung học tập. Mọi sự trốn tránh ở thời điểm này đối với các anh chỉ làm công cụ tay sai một lần nữa cho kẻ thù để tiếp tục nhúng tay vào tội ác, phản bội lại nhân dân và sẽ không tránh khỏi bị pháp luật của nhân dân trừng trị” (Trích báo cáo hoạt động của Uỷ ban Quân quản tỉnh ngày 20.12.1975, lưu trữ tại Ban Khoa học lịch sử - Bộ CHQS tỉnh).

Lời nói của người chỉ huy quân đội cách mạng đã làm thức tỉnh lương tri của đa số viên chức, sĩ quan nguỵ. Do vậy mà những ngày sau đó, phần lớn sĩ quan, binh lính, viên chức nguỵ quân, nguỵ quyền Tây Ninh đã tự giác đến các địa điểm đăng ký trình diện trong tỉnh xếp hàng ghi tên khai báo và chấp hành mọi yêu cầu của chính quyền cách mạng.

Quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù, ngay từ những ngày đầu giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, chính quyền cách mạng tỉnh, quân và dân Tây Ninh đã bắt tay vào giải quyết những nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Ðó là việc phải vừa nhanh chóng “dọn dẹp hiện trường” tập trung thu gom vũ khí, đạn, chất nổ do lính tráng của chế độ cũ tan rã vất bỏ khắp nơi; vừa tiến hành đăng ký danh sách, phân loại và tập trung để chuẩn bị đưa đi cải tạo, hoặc tổ chức cải tạo tại chỗ trên 30.500 sĩ quan, binh lính, công chức, nguỵ quân, nguỵ quyền, trong đó có 47 sĩ quan cấp tá, 365 sĩ quan cấp uý, 79 công chức từ chủ sự phòng, đến trưởng phó ty…

Về hậu quả chiến tranh, sau 30 năm hết chống Pháp tới chống Mỹ, toàn tỉnh lúc ấy có cả thảy 73 xã thì có tới 60 xã bị bom đạn tàn phá gần như huỷ diệt; hàng chục vạn bom, mìn còn lại phải tháo gỡ; hàng triệu hố bom, chi chít trên mặt đất phải san lấp; hàng vạn nhà cửa nhân dân, trường học, trạm xá phải xây dựng lại…

Thảm thương nhất là hậu quả để lại cho con người, đó là tổng số nạn nhân chiến tranh trong tỉnh lên đến hơn 37 ngàn người, chiếm tỷ lệ hơn 8% dân số của tỉnh lúc bấy giờ, khoảng 450 ngàn người. Trong đó chết trong chiến tranh và do hậu quả thương tật sau chiến tranh là gần 16.500 người, mất tích trong chiến tranh là 364 người.

Ðáng buồn hơn là, sau khi chiến tranh đã lùi xa một phần tư thế kỷ, từ ngày hoà bình đến những năm đầu thế kỷ 21 vẫn còn có tới gần 650 người chết, hơn 500 người bị tàn phế do bom, pháo của Mỹ để lại. Qua kết quả điều tra xã hội học năm 2000, ở Tây Ninh, hơn 200 ngàn ha rừng ở khắp các địa phương trong tỉnh, cùng với hơn 2.600 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin.

Tuy nhiên khó khăn, thử thách lớn nhất đối với Tây Ninh những năm đầu sau giải phóng không chỉ có vấn đề khắc phục hậu quả các cuộc chiến tranh đã qua, mà là việc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại biên giới đã manh nha xuất hiện không bao lâu sau ngày hoà bình.

Ðó là chuyện của những kẻ mới hôm trước còn là bè bạn chung một chiến hào chống giặc ngoại xâm, hôm sau đã lộ nguyên hình là bọn diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary. Chúng phản trắc đối với chiến hữu trong chiến tranh giải phóng dân tộc là quân dân ta, và tàn sát cả người cùng dân tộc Khmer của chúng.

Tại Tây Ninh, chỉ sau hơn một tháng giải phóng, ngày 11.6.1975, phía Campuchia đã bắn hàng trăm quả đạn súng cối 82 ly sang đất ta và đưa 1 đại đội lính địa phương huyện Romeas Haek, tỉnh Prey Veng tràn qua biên giới đánh chiếm khu vực Lồ Cồ, xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Phía ta thông qua con đường ngoại giao đấu tranh phản đối, họ không chịu rút quân mà còn tiến sâu vào đất ta. Tại Rạch Tre, chúng giết hại 11 dân thường Việt Nam, cướp đi hàng chục con trâu, bò và nhiều tài sản khác của đồng bào.

Tình hình đó buộc tỉnh ta phải điều động Tiểu đoàn 14 lên đánh đuổi, diệt và bắt sống hơn 60 tên lính Pol Pot. Sau đó, ta đã trao trả số tù binh lại cho phía Campuchia và kịch liệt lên án hành động vô cớ giết hại thường dân Việt Nam.

Phía ta tỏ rõ thiện chí như thế, nhưng phía Pol Pot lại ngày càng lộ rõ nguyên hình là những kẻ bội nghĩa, đổi bạn thành thù. Liên tiếp hơn 2 năm sau đó chúng không ngừng tấn công qua biên giới, phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân ta.

Tàn bạo nhất là sự kiện đêm 24, rạng 25.9.1977, Pol Pot đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên và Bến Cầu. Chúng tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của đồng bào ta. Chỉ riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người dân, làm 135 người bị thương, trong đó có hơn 20 gia đình bị Pol Pot giết sạch.

Kiên cường chiến đấu đánh đuổi bọn Pol Pot (ảnh do Bộ Chỉ huy Biên phòng Tây Ninh cung cấp).

Trước tình hình phá hoại biên giới phía Tây Nam của bọn diệt chủng Pol Pot ngày càng lộng hành, đồng thời có sự cầu cứu khẩn thiết từ phía những người vô tội Campuchia có người thân bị bọn diệt chủng giết hại hết sức dã man, Ðảng, Nhà nước ta chủ trương giúp đỡ nhân dân Campuchia nổi dậy bằng lực lượng của bạn và của ta để cứu dân tộc này thoát khỏi hoạ diệt chủng.

Ngày 7.1.1979, với sự hỗ trợ vô tư vì nghĩa vụ quốc tế của “đội quân nhà Phật” Việt Nam, nhân dân cách mạng Campuchia đã giành thắng lợi, xoá bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh đất nước Chùa tháp tươi đẹp, hiền hoà.

Từ đấy biên giới bình yên, địa phương vùng phên giậu của Tổ quốc, quê hương Tây Ninh mới thực sự là “phía Tây an Ninh” của Tổ quốc, Ðảng bộ và Nhân dân mới thực sự được hưởng hoà bình, xây dựng lại quê hương từ năm 1980, năm bắt đầu chuẩn bị mọi mặt để ngày 29.4.1981 chính thức khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Tây Ninh, hệ thống thuỷ nông lớn nhất vùng Ðông Nam Á, xứng đáng là công trình tiêu biểu nhất của quê hương Tây Ninh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cho đến ngày nay.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục