Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tây Ninh: Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng
Thứ tư: 07:00 ngày 12/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Rừng Tây Ninh có vị trí vô cùng quan trọng quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ biên giới và còn có giá trị rất lớn về cảnh quan môi trường, di tích lịch sử, văn hoá. Do đó, việc bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là vô cùng quan trọng.

Thực trạng rừng ở Tây Ninh

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh hiện quy hoạch 71.400 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 17.7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, rừng đặc dụng 31.850 ha; rừng phòng hộ 29.555 ha và rừng sản xuất là 9.995 ha.

Một góc rừng Chàng Riệc

Hiện nay, rừng Tây Ninh được giao cho 4 Ban quản lý rừng, gồm Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc, Khu rừng Văn hóa lịch sử núi Bà, Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng và một phần đất lâm nghiệp là rừng sản xuất do UBND huyện Châu Thành và UBND huyện Bến Cầu quản lý.

Trước năm 1993, mỗi năm, Tây Ninh khai thác rừng tự nhiên từ 5-10.000 m3, nhưng từ đó đến nay hoàn toàn đóng cửa rừng, không còn khai thác rừng tự nhiên, chỉ khai thác, tỉa cây phụ trợ rừng trồng cho các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng rừng theo chính sách hưởng lợi của nhà nước. Hầu hết các lâm trường đã giải thể, chuyển sang các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.

Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ có nhiệm vụ khôi phục, phát triển rừng, trồng rừng theo chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi trọc và chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ.

Theo báo cáo của ông Mang Văn Thới- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh tại hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, Tây Ninh là một trong số rất ít tỉnh trong cả nước còn giữ được diện tích lớn rừng tự nhiên. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Ninh rất tốt, được trung ương đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, rừng Tây Ninh hiện nay phần lớn là rừng thứ sinh, bởi do chiến tranh tàn phá và sau giải phóng bị khai thác trong nhiều năm. Hiện nay, chủ yếu là dạng rừng thưa khô, rừng hỗn giao tre nứa và gỗ, phân phối chủ yếu dọc biên giới giáp Campuchia, thượng nguồn sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, rừng phòng hộ Hồ Dầu Tiếng.

Tuần tra bảo vệ phòng chống cháy rừng

Ngoài ra, rừng ở Tây Ninh còn là vùng căn cứ địa cách mạng, có vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là các căn cứ: Trung ương Cục miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, núi Bà Đen…

Nỗ lực giữ rừng

Tây Ninh là vùng chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Bắc Tây Ninh và Tây Nguyên với đồng bằng sông Cửu Long, rừng Tây Ninh đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật đặc hữu. Do đó, ngoài vị trí, vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ biên giới, rừng Tây Ninh còn có giá trị rất lớn về cảnh quang môi trường, di tích lịch sử, văn hóa. Vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Ninh, đặc biệt là rừng đặc dụng, phòng hộ là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, do địa hình bằng phẳng, đường giao thông, đường sông lẫn đường bộ đều thuận lợi, nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để xâm nhập vào rừng lấy cắp lâm sản, xâm hại rừng bằng nhiều cách…

Tập huấn phòng chống cháy rừng

Tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu có xu hướng diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở mức cao… cũng là nguyên nhân khiến cho công tác bảo vệ rừng ở Tây Ninh càng khó khăn hơn. Mùa khô 2015-2016 vừa qua, Tây Ninh xảy ra đến 63 vụ cháy rừng, với hơn 199 ha rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng và trảng cỏ khoanh nuôi. Dù vậy, phần lớn rừng đã phục hồi sau khi có mưa.

Bên cạnh đó, do diện tích tự nhiên đã sử dụng hết, trong khi đó dân số ngày càng tăng… nên nhu cầu về đất sản xuất cao, đã gây sức ép lớn vào rừng. Từ đó, tình trạng phá rừng để làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích xảy ra thường xuyên. Chưa khi nào công tác quản lý bảo vệ rừng lại hết sức vất vả như hiện nay, trong khi lực lượng làm công tác bảo vệ rừng mỏng, phương tiện, cơ sở vật chất lại thiếu thốn…  

Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, công tác bảo vệ và phát triển rừng của Tây Ninh, đạt một số kết quả quan trọng, rừng được bảo vệ ổn định và ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng.

Đường vào rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Tính đến năm 2015, tổng diện tích đất có rừng tỉnh ta là 66.380ha, trong đó rừng tự nhiên 46.000 ha, rừng trồng 20.380 ha, độ che phủ đạt 16,2%.

Thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai doạn 2006-2020 của Chính phủ và Quy hoạch tổng thể của Tây Ninh đến năm 2020, định hướng phát triển của tỉnh là sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ đất dành cho lâm nghiệp khoảng 70.000 ha, đến năm 2020 đất có rừng chiếm 57.000 ha.

 Để phát triển rừng bền vững, tỉnh Tây Ninh đã đặt ra các giải pháp thực hiện bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, gồm: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của của nhân dân về vai trò của rừng để người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, phòng chống cháy rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật đất lâm nghiệp;thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, cây công nghiệp; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo ứng cứu kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra…

T.T

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục